TTO - Bác Ba Phi hay Trạng Quỳnh mới chính là ông tổ của ngành công nghiệp 4.0...
Các nhà khoa học cứ nghĩ mình mới có công sáng chế ra ngành công nghiệp 4.0 với nào là trí thông minh nhân tạo, nào là điện toán đám mây, nào là sinh sản vô tính, rồi lại còn cả vật liệu mới, ứng dụng tự động hóa trong sản xuất.
Ông Lùn Mã Tử thấy trật lất. Ông thảy qua lò luyện tiến sĩ công trình mới nhất của mình về lịch sử 4.0, cương quyết đòi phải phong thẳng hàm giáo sư mới chịu.
Ứng viên số 1: Bác Ba Phi
Chuyện kể rằng, có lần tiếp khách, bác Ba Phi mời ăn bánh nếp. Nếp dính quá, nói không đặng nên ho mạnh ra, dính trên tường nhà. Con chó mừng quá, nhảy lên đớp ăn, ai dè bị dính treo tòng teng trên vách tường.
Ông Ba khoái chí, cười hề hề, văng luôn hàm răng giả, dính lên cái bàn thờ. Con mèo lại nhảy lên ăn vụng, dính luôn lên đó. Vậy là nhà bác Ba Phi có cái triển lãm chó trên tường với mèo trên bàn thờ.
Đó đâu phải chuyện giỡn chơi, đó là ngành công nghiệp chế tạo ra vật liệu mới đó chớ. Nếp, thu hoạch cho đúng, nấu cho đúng lửa, cộng với nước miếng của ông Ba, vốn là kết tinh của nhiều năm trời nhai trầu mà không có đánh răng, mới thành ra cái chất kết dính kỳ diệu này.
Mà đâu chỉ có khả năng chịu tải trọng lớn, cả con chó bự vầy mà có chút éc nếp đã treo lên, nó còn có khả năng cung cấp năng lượng nuôi con chó cả tuần lễ mà vẫn mạnh khỏe, thấy bà con chòm xóm tới coi còn biết quẫy đuôi mừng.
Vật liệu 4.0 là vậy đó, đa năng, tiết kiệm và rất là nhân văn.
Nhưng ông già xứ Cà Mau của mình đâu chỉ sáng chế ra vật liệu mới, từ những năm 50 của thế kỷ trước, bác Ba Phi đã tính toán ra công nghệ tự động hóa. Sáng chế là từ những tích lũy trong cuộc sống, xong dựa vô một sự kiện ngẫu nhiên mà phát hiện ra thôi.
Ai mê mấy chuyện của ông Ba, chắc còn nhớ cái đêm có con cọp tới rình nhà của ổng. Ông già tính toán sức nâng, vòng xoáy, lượng năng lượng tiêu thụ xong xuôi hết, mới mở cửa cho cọp vô, vồ hụt ông một cái thì chụp trúng cái đòn xay lúa.
Hai vợ chồng ông Ba lật đật đổ lúa vô, cho con cọp đẩy cái cần xay theo đúng tốc độ, lực đẩy mà ông mong muốn, tự động xay xong hết mới hù cho nó chạy đi. Giờ người ta mới bắt chước, dựa vào nguyên lý của ông Ba mà bày đặt ra năng lượng mặt trời, hay máy tự động gì đó thôi mà...
Ứng viên số 2: Trạng Quỳnh
Bây giờ, thứ hiện đại nhất của công nghiệp 4.0 chính là khả năng sinh sản vô tính của các loài vật nuôi, cộng thêm quá trình biến đổi gen di truyền của nó.
Mấy nhà khoa học gần đây giành giải Nobel, toàn là hậu bối của ông Trạng Quỳnh nhà mình. Đó là do họ nghe thuật lại cái lần Trạng Quỳnh cương quyết dắt con trâu đực lên gặp Chúa, nói nó sắp đẻ rồi, ráng chờ chút nữa thôi.
Đó, từ cả trăm năm trước, ổng đã tính ra những chuyện nghe thì ngược đời mà mãi sau này người ta mới xài cả đống máy móc để hiện thực nó.
Mà đâu chỉ có sáng chế này, ông Trạng Quỳnh còn là tổ sư của ngành nông nghiệp công nghệ cao nữa. Cái gì mà ứng dụng hệ thống điều khiển mùa vụ tự động để cho năng suất cao nhất, rồi công trình nghiên cứu các loại cây trồng theo nhu cầu thị trường dựa vô máy phân tích dữ liệu lớn, với Trạng Quỳnh là chuyện dễ òm.
Còn nhớ cái lần Trạng Quỳnh đi thuê đất của Chúa để làm nông nghiệp không? Làm gần nhà nên bây giờ gọi là nông nghiệp đô thị đó, ổng ngồi tính ra là năm nay Chúa muốn thu cái gì. Thu phần ngọn thì trồng khoai lang. Thu phần củ thì trồng cây lúa. Còn Chúa muốn thu cả gốc lẫn ngọn thì trồng cây bắp.
Vậy là ngon lành, mãi sau này đem cả mớ máy điện toán mới giải được bài toán này, rồi kêu là cách mạng nông nghiệp.
Đi trước thời đại nhất, có lẽ là chuyện Trạng Quỳnh sống trên mây. Tới giờ, đâu có ai ngờ chuyện lớn chuyện nhỏ gì cũng phải dựa vô điện toán đám mây hết.
Mấy công ty giàu nhất thế giới hiện giờ, chẳng hạn như Amazon, chính là nhờ cho thuê lại mấy cái đám mây dữ liệu đó thôi, chuyện này Trạng Quỳnh làm từ thời tám hoánh rồi.