Sống khỏe

Nhập khẩu ô tô bị siết, Toyota... sẽ mở rộng lắp ráp

TTO - Bị siết nhập khẩu, các hãng xe lớn như Toyota, Ford đang lên kế hoạch đầu tư tăng lượng mẫu xe hơi sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam

Nhập khẩu ô tô bị siết, Toyota... sẽ mở rộng lắp ráp - Ảnh 1.

Tại một nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô ở VN - Ảnh: C.TRUNG

Từ khi Nghị định 116/2017 đưa ra yêu cầu chặt chẽ với ôtô nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp từng tuyên bố sẽ dừng nhập khẩu xe hơi, kiến nghị sửa các quy định trong nghị định 116 nhưng cũng âm thầm chuẩn bị cho việc đầu tư lắp ráp xe tại Việt Nam.

Rục rịch tăng đầu tư

173

là số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô tại Việt Nam tính đến hết năm 2016, với tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 500.000 xe/năm.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 25-2, ông Phạm Anh Tuấn - Tổng trưởng ban kế hoạch chiến lược của Toyota Việt Nam - xác nhận hãng này đã nghiên cứu lên kế hoạch lắp ráp xe, đặc biệt dòng xe Fotuner tại Việt Nam thay vì lắp ráp tại Indonesia nếu thời gian tới việc nhập khẩu vẫn không thuận lợi.

Ông Tuấn thừa nhận nếu nhập khẩu xe thuận hơn, hãng sẽ không lắp ráp tại VN vì nhập khẩu rẻ hơn nhiều. 

"Tùy thuộc vào thị trường, nếu thời gian tới không nhập được mới lắp ráp" - ông Tuấn nói.

Trong khi đó, ngay trong tháng đầu tiên của năm 2018, Tập đoàn Mitsubishi Motors đã gặp gỡ nhiều cơ quan chức năng của VN để thông báo nghiên cứu việc đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất xe hơi thứ hai với quy mô 250 triệu USD, công suất 50.000 xe/năm. 

Năm 2017, Mitsubishi VN bán được 6.672 ôtô các loại, thị phần là 9%. Dự kiến, nhà máy thứ hai có thể sản xuất từ giữa năm 2020 và tạo khoảng 1.000 việc làm.

Tại Công ty Ford VN, cùng với lễ ra mắt mẫu xe Ford Ecosport phiên bản 2018 đầu tháng 2-2018, hãng này cũng nhập khẩu 2 mẫu xe mới để nghiên cứu thị trường và chuẩn bị sản xuất, lắp ráp ở VN. 

Ngay với Ford Ecosport, Ford VN cũng đã hé lộ khả năng đẩy mạnh lắp ráp tại VN để đủ điều kiện được hưởng mức thuế ưu đãi 0% cho các linh kiện theo nghị định 125/2017 mới ban hành (Doanh nghiệp phải đạt sản lượng chung 16.000 xe và riêng một mẫu xe thuộc nhóm chở người dưới 9 chỗ, dung tích 2.500cc phải đạt 6.000 xe).

Đặc biệt, nhà máy mới sản xuất lắp ráp xe mang thương hiệu Mazda công suất 100.000 xe/năm (giai đoạn 1 là 50.000 xe/năm), tổng vốn đầu tư là 12.000 tỉ đồng, cũng đang được Công ty CP ôtô Trường Hải gấp rút xây dựng, dự kiến đi vào hoạt động ngay cuối tháng 3-2018. 

Nhà máy này được giới thiệu là nhà máy hiện đại nhất của Mazda ở khu vực ASEAN. Sản phẩm sẽ hướng tới mục tiêu tỉ lệ nội địa hóa đạt 40% cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang các nước Asean.

Sản xuất, lắp ráp trong nước vẫn ổn định

Theo Tổng cục Hải quan, tính tới ngày 15-2-2018, nhập khẩu linh kiện ôtô đạt kim ngạch 332 triệu USD. So với mức 387 triệu USD của cùng kỳ năm 2017, theo các chuyên gia, có thể thấy sản xuất trong nước với mặt hàng này vẫn ổn định.

Trong khi trước đó, đã có nhiều ý kiến lo ngại khi thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ ASEAN về 0%, khả năng ôtô từ Thái Lan, Indonesia... sẽ khiến ngành sản xuất xe hơi trong nước suy giảm, đi kèm đó là giảm sản lượng lắp ráp, giảm việc làm...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia ôtô Nguyễn Minh Đồng cho rằng VN đang đứng trước khó khăn để lựa chọn có chấp thuận đề nghị của các doanh nghiệp đang muốn tăng nhập khẩu xe, bỏ giấy chứng nhận kiểu loại và một số điều kiện chặt chẽ khác hay không. 

Theo ông Đồng, lắp ráp sản xuất tại VN không lợi bởi công nghiệp phụ trợ VN chưa phát triển. Do đó, các hãng xe ngoại đã đầu tư nhà máy ôtô ồ ạt tại Thái Lan, Indonesia, Malaysia để nhập về VN bán. Nếu VN cởi mở trong việc nhập xe, ngành công nghiệp xe hơi sẽ khó mà thành hiện thực.

Trước tình hình này, theo ông Đồng, cần phải có chiến lược chắc chắn để bảo vệ ngành công nghiệp xe hơi trong nước chứ không thể để doanh nghiệp nhập khẩu đưa xe ồ ạt vào VN. Cụ thể, ông Đồng đề xuất nên đưa ra quy định hãng xe ngoại lắp ráp tại VN, sản xuất những linh kiện đạt chuẩn sẽ được miễn VAT trong vòng 10 năm để kích thích đầu tư, thay vì loay hoay trong việc siết nhập khẩu như thời gian qua.

Nhập khẩu giảm, VN được lợi?

Từ ngày 1-1 đến 15-2-2017, khi thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ ASEAN giảm từ 40% về 30%, lượng ôtô nguyên chiếc dưới 9 chỗ nhập khẩu đạt con số 7.883 chiếc.

Đầu năm 2018, tính đến ngày 15-2-2018, nhập khẩu xe hơi nguyên chiếc dưới 9 chỗ chỉ là 32 chiếc.

Sở dĩ kim ngạch nhập khẩu ôtô trong hai tháng đầu năm 2018 giảm dù thuế nhập khẩu về 0% là bởi những quy định chặt chẽ của Nghị định 116/2017/NĐ-CP và thông tư 03/2018 về kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường với ôtô nhập khẩu.

Nhiều DN FDI đã đề nghị nới quy định nhập khẩu, như bỏ yêu cầu phải có giấy chứng nhận kiểu loại xe và kiểm định theo từng lô hàng... Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nếu xét về phát triển ngành ôtô, từ đó giảm nguy cơ nhập siêu, đảm bảo việc làm... thì việc siết nhập khẩu ôtô có lợi cho VN.

Trong khi đó, Toyota VN cho biết đang hoàn tất thủ tục để cơ quan chức năng Thái Lan cấp giấy chứng nhận kiểu loại theo yêu cầu của VN.

Nếu Thái Lan cấp, Toyota sẽ làm việc tiếp với phía Indonesia để xin cấp loại giấy tương tự.

Hiện những mẫu xe nhập khẩu từ thị trường ASEAN của Toyota gồm: Hilux, Yaris từ Thái Lan, Fortuner từ Indonesia.

Nếu được cấp loại giấy này, theo đại diện Toyota, có thể tầm tháng 6 đến tháng 7-2018, xe hơi nhập khẩu của Toyota sẽ tiếp tục về VN.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,221,769       520