TTO - Dự báo cường độ bão được nhận định nhiều năm qua không có tiến triển thêm khiến công tác dự báo cường độ bão không chỉ ở Việt Nam mà cả Mỹ và các nước có trình độ công nghệ tiên tiến vẫn còn là thách thức lớn.
Ở VN, bão thường gây thiệt hại nặng mỗi lần đổ bộ vào các tỉnh ven biển. Trong ảnh, bão số 10 năm 2017 gây thiệt hại nặng tại Hà Tĩnh - Ảnh: XUÂN LONG
Sáng 26-2, bên lề khóa họp thường niên lần thứ 50 của Ủy ban Bão quốc tế tổ chức tại Hà Nội, ông Raymond Tanabe, giám đốc Trung tâm Dự báo khu vực Thái Bình Dương (Mỹ) - thẳng thắn cho rằng công tác dự báo cường độ bão vẫn còn là thách thức lớn của cả thế giới.
Ông Trần Hồng Thái - phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia - cho biết VN cũng gặp khó khăn trong công tác dự báo cường độ bão.
Theo đó, dù đã tiếp nhận được các công nghệ mới, những mô hình số trị, công nghệ viễn thám, vệ tinh, ra đa đã kết hợp để tạo những chuỗi số liệu tốt cho dự báo, nhưng việc dự báo vẫn còn gặp khó khăn do hệ thống mạng lưới quan trắc còn thưa, công nghệ quan trắc cũ so với khu vực.
Ông Trần Hồng Thái cho rằng công nghệ quan trắc ở Việt Nam còn cũ so với khu vực - Video: XUÂN LONG
Trả lời câu hỏi có quy định chuẩn nào cho mật độ các trạm quan trắc, ông Raymond Tanabe - giám đốc Trung tâm Dự báo khu vực Thái Bình Dương (Mỹ) - cho rằng mật độ các trạm quan trắc phụ thuộc vào địa hình từng quốc gia, trong đó những quốc gia ở vùng núi cần mật độ các trạm quan trắc dày hơn.
Ông Raymond Tanabe cũng nêu thực tế nhiều năm qua dù đã có rất nhiều nghiên cứu, công tác dự báo cường độ của bão ở các nước hầu như không có tiến triển nhiều. Trong đó, khó khăn lớn nhất vẫn là bài toán dự báo cường độ bão.
"Những năm qua, chúng tôi mới chỉ đạt được kết quả dự báo tốt về vị trí đổ bộ, thời gian tác động của bão, còn dự báo cường độ bão hầu như không có tiến triển gì nhiều. Đây vẫn là bài toán rất khó khăn, không chỉ riêng VN mà ngay cả các nước phát triển và là thách thức của ngành khí tượng thế giới" - ông Raymond Tanabe nói.
Ông Raymond Tanabe cho biết việc sử dụng cả mạng xã hội trong truyền tin dự báo bão, thiên tai tới người dân được thực hiện ở Mỹ rất hiệu quả - Ảnh: XUÂN LONG
Sử dụng mạng xã hội để cung cấp tin dự báo
Ông Raymond Tanabe khẳng định một bản tin dự báo hoàn hảo nhưng không đến được với người dân thì thông tin từ bản tin đó vô giá trị. Vì vậy, cần phải đưa thông tin dự báo tới người dân qua các phương tiện khác nhau.
Đặc biệt là hệ thống mạng xã hội nhiều người dùng như Facebook hoặc Instagram hiện nay vì thực tế người dân có thể không ở nhà, không xem tivi nhưng lại truy cập mạng, đang sử dụng Facebook...