TTO - Ngành tài chính cần sớm rà soát lại toàn bộ chính sách thuế để đảm bảo công bằng giữa những người nộp thuế, giữa người nộp thuế với cán bộ thuế, thực sự bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Người nộp thuế làm thủ tục quyết toán thuê tại Cục Thuế TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhiều chuyên gia đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh câu chuyện bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế thay vì bảo vệ cơ quan quản lý như lâu nay.
Đừng chỉ nhăm nhăm tăng thuế suất
Theo ông Trần Quang Chiểu (ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội), không nên tăng thuế suất trong giai đoạn hiện nay bởi sẽ gây dư luận không tốt rằng Nhà nước tận thu: "Chẳng hạn việc Bộ Tài chính có đề nghị tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) lên 12%, theo tôi, là không nên. Bởi thuế suất phổ thông thuế GTGT là 10% nhưng thực tế chúng ta chỉ thu ở mức 6-8% tùy theo từng năm.
Do đó, tôi cho rằng cần điều chỉnh thuế suất một số nhóm mặt hàng đang có thuế suất dưới 10% để đảm bảo công bằng với các mặt hàng, ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh.
Như đề án cải cách thuế giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ đặt ra là đến năm 2020 chúng ta chỉ có một thuế suất.
Ngoài ra, cần rà soát lại những chính sách thuế xem những khoản thu nhập nào mà chưa thu để tổ chức thu như đối với thu nhập qua kinh doanh trên Facebook, thương mại điện tử...; điều chỉnh thuế suất, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số hàng hóa dịch vụ có lợi nhuận cao, Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng...
Nếu khắc phục được những hạn chế nêu trên, theo tôi, chắc chắn huy động vào ngân sách nhà nước từ thuế, phí đạt 22-23% GDP trở lên mà chưa cần phải điều chỉnh thuế suất huy động tăng lên".
LÊ THANH ghi
Ông Trần Xuân Thắng (nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thuế):
Hoàn thuế chậm cũng phải bị phạt
Phải chế tài cán bộ, cơ quan thuế nữa. Chẳng hạn với việc hoàn thuế giá trị gia tăng, nếu người dân đã đủ hồ sơ hoàn thuế mà cơ quan thuế hoàn chậm cũng phải bị phạt, chứ không thể chỉ phạt người dân khi nộp thuế chậm. Chế tài người nộp thuế nhưng cũng phải chế tài cơ quan thuế mới đảm bảo công bằng.
Tất nhiên người nộp thuế trước hết phải tự bảo vệ mình bằng việc kinh doanh có hóa đơn, chứng từ. Khi đó, cán bộ thuế có muốn tiêu cực, vòi vĩnh cũng khó.
Ngoài ra, DN nên sử dụng đội ngũ tư vấn thuế để thực hiện kê khai, tính và nộp thuế cho đúng, dù có mất chi phí nhưng thực tế giảm được chi phí khác, hiệu quả hơn.
Ông Trần Quang Chiểu (ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội):
Cơ quan thuế cũng phải bị chế tài
Dù ngành tài chính đã tích cực cải cách thủ tục liên quan đến lĩnh vực thuế, nhưng thực tế cho thấy một số chính sách không còn phù hợp, nếu không muốn nói là kìm hãm phát triển và đặc biệt chưa bảo vệ người nộp thuế.
Như Thủ tướng từng nhắc nhở là tư duy xây dựng chính sách mới chỉ có lợi cho cơ quan quản lý nhà nước mà chưa bảo vệ người nộp thuế.
Trong đó cơ quan thuế được trao quyền quá nhiều như quyền thanh tra, kiểm tra, ấn định số thuế... nhưng người nộp thuế chỉ được trao quyền... tự khai, tự nộp thuế.
Để đảm bảo công bằng, cơ quan thuế cũng phải bị chế tài khi thu sai, thu không đúng, không đủ tiền thuế, có hành vi gây khó khăn cho người nộp thuế, thất thu ngân sách.
Trong thực tế, để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chúng ta đã ưu đãi rất lớn như thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) được miễn, giảm thời gian dài, đến khi có lợi nhuận rồi mà thuế suất chỉ còn 10%.
Ngoài ra, các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn được ưu đãi về đất đai cùng các loại thuế, phí khác... Chính điều này khiến DN trong nước, đặc biệt DN nhỏ và vừa, không lớn lên được, nếu không muốn nói là bị bóp nghẹt.
Tất nhiên là có sự công bằng trong từng giai đoạn, chẳng hạn chúng ta đang khuyến khích DN nhỏ và vừa nên thuế suất thuế thu nhập DN đối với đối tượng này có thể thấp hơn DN lớn. Như thế mới đảm bảo khuyến khích đối tượng này phát triển được.
Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn:
Đừng chỉ chạy theo nguồn thu
Dù có Luật quản lý thuế nhưng trên thực tế cơ quan thuế và người nộp thuế không bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, mà vẫn nặng về quản lý nhiều hơn.
Đúng như Thủ tướng nói, tư duy xây dựng chính sách mới chỉ có lợi cho cơ quan quản lý nhà nước mà chưa bảo vệ người nộp thuế.
Ngay cả những lần sửa đổi luật thuế, mục tiêu chính vẫn là tăng nguồn thu nội địa chứ không hoàn toàn vì sự thuận lợi cho DN. Nói cách khác, chúng ta chủ yếu chạy theo nguồn thu, tăng số thu chứ chưa mở rộng được cơ sở thuế.
Do đó, theo tôi, ngành thuế cần tập trung tìm giải pháp sao cho có hiệu quả, thậm chí làm bài bản như lập bộ phận nghiên cứu, lấp lại các lỗ hổng pháp lý...
Có như vậy mới có thể đạt được mục tiêu đã đề ra là mở rộng cơ sở thuế cũng như tạo sự bình đẳng giữa các DN trong nước và nước ngoài, bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế.
ThS Đỗ Gioan Hảo (ĐH Tài chính - marketing):
Sao chỉ nắm người có tóc?
Những ngày gần đây, nhiều người xôn xao chuyện Chính phủ Singapore dành 700 triệu đôla Singapore lì xì cho người dân vì thu vượt ngân sách.
Trong khi đó, việc thu thuế, quản lý số thu tại VN vẫn là câu chuyện dài, mà cơ quan quản lý đang dần thay đổi để phù hợp hơn với thực tế.
Thời gian qua, mảng “kinh tế ngầm” chúng ta vẫn chưa quản được, trong khi đó cơ quan quản lý thuế vẫn chủ yếu nắm người có tóc để làm sao khai thác đạt mục tiêu số thu.