Sống khỏe

Hãy nuôi dưỡng các phẩm chất Việt

TTO - Tham gia diễn đàn, hai ý kiến đã đề cập đến giải pháp khơi thông mạch nguồn năng lượng lớn lao của đất nước bằng việc nuôi dưỡng và phát huy các phẩm chất tốt đẹp của người Việt, cũng như chú trọng đào tạo tài năng trẻ.

Hãy nuôi dưỡng các phẩm chất Việt - Ảnh 1.

Hình ảnh đẹp của U-23 giúp kéo nhiều người Việt kết nối với nhau hơn - Ảnh: Q.ĐỊNH

TS LÊ THỊ THIÊN HƯƠNG (Pháp)

Những ngày về sống ở Việt Nam dịp Tết 2018 này, trong tôi tràn ngập cảm xúc khi nhìn thấy màu cờ đỏ sao vàng ở mọi nơi và khuôn mặt mọi người ai cũng rạng rỡ sau khi tuyển U-23 Việt Nam giành tấm vé vào chung kết Giải vô địch U-23 châu Á. Đã từ lâu, ở Việt Nam dường như chưa có sự kiện nào đủ mạnh mẽ để khơi dậy cảm xúc của người Việt đến như thế.

Sự kiện U-23 lần này như là một "hạt mầm" xanh mướt, gieo hi vọng, lạc quan và gieo sự tốt đẹp vào mỗi con người chúng ta. Đã hơn bốn mươi năm kể từ khi đất nước thống nhất, Việt Nam vẫn chưa chuyển mình bứt phá lên được. 

Những chuyện "trái tai gai mắt", những thói hư tật xấu của nhiều người Việt ở trong nước và ở nước ngoài nhiều khi làm chúng ta mất hi vọng về khả năng "hóa rồng" của Việt Nam, làm chúng ta mất đi sự đoàn kết, gắn bó trong xã hội, hướng về cách sống ích kỷ khư khư giành lợi ích riêng cho bản thân, thậm chí giẫm đạp lên nhau để hưởng lợi.

Thế nhưng hình ảnh đẹp của đội tuyển U-23 đã dường như đánh thức nhiều người Việt, kéo mỗi cá nhân xích lại gần nhau, gắn kết với nhau hơn, chỉ đơn giản là vì "chúng ta là người Việt". Mỗi chúng ta đều thấy đâu đó trong hình ảnh của các cầu thủ là hình ảnh của chính bản thân mình - người Việt với những phẩm chất tốt đẹp: mạnh mẽ, kiên trì và không chịu thất bại. 

Cảm xúc mãnh liệt và thân thương này chính là lòng tự hào dân tộc mà nhiều khi chúng ta mới chỉ cảm nhận một cách mơ hồ, không rõ nét.

Chỉ khi nào người Việt chúng ta phát triển được sức mạnh cộng đồng dựa trên lòng tự hào dân tộc, chừng đó Việt Nam mới có cơ hội bứt phá và thành công
TS Lê Thị Thiên Hương

Không thể phủ nhận rằng cảm giác tự hào là người Việt này sẽ là khởi đầu một nguồn năng lượng bền bỉ và mạnh mẽ để tạo ra "cú hích" cần thiết cho Việt Nam. Nội lực để phát triển đất nước không nằm ở đâu xa, chính là ở bản thân mỗi con người Việt Nam, đặc biệt ở các thế hệ trẻ. 

Mỗi người Việt Nam chúng ta, sinh sống ở dải đất hình chữ S này hay ở nơi nào khác trên thế giới, hãy đừng ngại ngần tự hào mình là người Việt - vì người Việt đích thực chính là hình ảnh mà các cầu thủ U-23 đã thể hiện thành công trong các trận đấu vừa qua. Hãy nuôi dưỡng các phẩm chất Việt trong bản thân, hãy chung tay với cộng đồng xây dựng xã hội tốt đẹp hơn, mạnh dạn gạt bỏ cái xấu, gieo mầm thiện.

Ngoài ra, việc xây dựng và phát triển tình cảm gắn bó, kết nối bền vững của người Việt với đất nước, với đồng bào qua khái niệm "bản sắc Việt" cần phải được Chính phủ đặc biệt chú trọng. 

Một số giải pháp cụ thể có thể được thực hiện như khuyến khích phát triển các tổ chức hoạt động xã hội, các đoàn thể, đẩy mạnh các chương trình quảng bá, giáo dục các nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam và đặc biệt cần thiết nhất là xây dựng một hệ thống luật pháp cùng với các cơ quan hành pháp hoạt động hiệu quả, công bằng, minh bạch với mục tiêu phục vụ lợi ích chung cho tất cả mọi người trong xã hội.

Hướng đến đào tạo chuyên nghiệp

ong tran minh trong 2(read-only)

Ông Trần Minh Trọng

Có thể ví huấn luyện viên Park Hang Seo là một đầu bếp tài ba đã cống hiến cho người dân Việt Nam "món ăn" tuyệt vời: Á quân châu Á - U-23 Việt Nam. Tuy nhiên, tài năng "nấu bếp" của ông chỉ thực sự tỏa sáng khi ông có được nguồn "thực phẩm sạch có chất lượng cao" là những cầu thủ có kỹ năng chơi bóng hiện đại và những tính cách tốt như kỷ luật, tự tin, biết làm việc đồng đội vì mục tiêu chung.

Cách đây hơn 10 năm, các cầu thủ của đội tuyển U-23 đã được tuyển chọn dựa trên tố chất quan trọng nhất: năng khiếu bóng đá. Cha mẹ của hầu hết cầu thủ U-23 Việt Nam đều là những nông dân, công nhân nghèo, thậm chí có người còn phải vay nợ để mưu sinh. Trong điều kiện thiếu thốn về mặt vật chất, họ cố gắng hết sức để cho con được theo đuổi đam mê với trái bóng.

Và điều quan trọng hơn hết là những hạt giống tốt đó đã được lớn lên trên những "mảnh đất" giúp phát triển tính cách, thói quen tốt. Đội trưởng Lương Xuân Trường đã nhiều lần chia sẻ 3 yếu tố tạo nên chiến thắng của các cầu thủ trẻ Việt Nam: sự tự tin, tinh thần đoàn kết, tinh thần chiến đấu vì màu cờ sắc áo. Ba yếu tố này không phải là yếu tố nhất thời theo cảm xúc, mà đã được nuôi dưỡng bền bỉ hơn 10 năm trong môi trường huấn luyện mà giá trị đạo đức như trung thực, tinh thần cống hiến, phục vụ được xem trọng.

Có vài điểm tương đồng với thành công của đội tuyển U-23 là câu chuyện trái vú sữa Lò Rèn - Vĩnh Kim lần đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường Mỹ cuối năm 2017, được giới thiệu trong chương trình "Con đường nông sản" của VTV ngày tết. Doanh nghiệp xuất khẩu loại vú sữa này cũng phải mất cả chục năm chuẩn bị, bởi các nhà nhập khẩu Mỹ đã đưa ra rất nhiều yêu cầu khắt khe.

Hình ảnh nông dân đi bọc bao nylông cho từng trái vú sữa để đảm bảo "làn da tươi đẹp" cho vú sữa cho thấy chỉ có sự đầu tư dài hạn và kỳ công chăm sóc mới có được những "thực phẩm sạch" đáp ứng những tiêu chuẩn của thị trường quốc tế.

Sự phát triển bền vững của Việt Nam đang rất cần những doanh nhân, chính trị gia được tuyển chọn và đào tạo trong những môi trường có khả năng tạo dựng những kỹ năng chuyên nghiệp và tính cách tốt. Phải chăng đã đến lúc chúng ta cần có những học viện để đào tạo những doanh nhân, nhà chính trị ngay từ khi còn nhỏ?

TRẦN MINH TRỌNG

Mời bạn đọc tham gia bài viết, ý kiến về chủ đề này vui lòng gửi về địa chỉ email: nguyentran@tuoitre.com.vn.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,390,351       652