TTO - Cách tính hiện tại đoạn đường 30km phí bằng 100km. Cách tính mới nếu chủ xe tiết kiệm được, ví dụ 200.000 đồng, thì "cưa đôi", phí chỉ 100.000. Bạn ủng hộ cách nào?
Tài xế phản đối việc thu phí gây kẹt xe tại trạm BOT Cai Lậy (ảnh chụp ngày 3-12-2017) - Ảnh: NAM TRẦN
Phía VCCI cho rằng cách tính hiện hành mà các trạm BOT đang áp dụng có rất nhiều vấn đề bất cập, nên phải điều chỉnh thay đổi cách tính lại.
Lợi ích chia đều hai bên
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, đề nghị trên được đưa ra sau khi tham khảo kinh nghiệm quốc tế và tham vấn ý kiến của một số chuyên gia.
Cụ thể, giả sử chi phí trung bình gồm chi phí khấu hao xe, nhiên liệu, thời gian đi lại... cho một xe tải cỡ 4 - 10 tấn đi từ A đến B trên tuyến đường cũ là 500.000 đồng.
Sau khi xây dựng dự án đường bộ mới thì chi phí này giảm chỉ còn 300.000 đồng. Như vậy, một phương tiện đi từ A đến B sẽ được hưởng lợi 200.000 đồng.
Nhà nước đặt ra quy định mức giá thu tối đa không được vượt quá 50% chi phí tiết kiệm được. Như vậy, chủ đầu tư chỉ được phép thu ở mức giá tối đa là 100.000 đồng.
Theo ông Tuấn, phương pháp chi phí tiết kiệm được dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho cả chủ phương tiện cũng như chủ đầu tư dự án.
Thứ nhất, đối với chủ phương tiện thì mức giá thu đi trên dự án mới luôn "chấp nhận được" do chi phí giảm so với đi trên đường cũ.
Còn đối với chủ đầu tư dự án, phương pháp tính toán này chỉ ra rằng chủ đầu tư luôn được hưởng 50% giá trị mà anh ta mang lại cho khách hàng - chủ phương tiện.
Do đó, sẽ tạo động lực để các chủ đầu tư lựa chọn bỏ tiền vào những dự án mang lại lợi ích nhiều nhất cho xã hội như các cung đường có lưu lượng xe lớn, hiện đang đi lại khó khăn.
Thậm chí chủ đầu tư sẽ nghiên cứu, sáng tạo, đề xuất nhiều giải pháp nhằm mang lại lợi ích tối đa cho chủ phương tiện. Điều này phù hợp quy luật giá trị của nền kinh tế thị trường.
Mặt khác, phương pháp này phù hợp với mọi loại dự án bao gồm dự án xây dựng đường mới, nâng cấp cải tạo đường bộ, dự án cầu, hầm đường bộ.
Do phương pháp này xem xét cả chất lượng hiện trạng giao thông trước dự án nên không gây ra tình trạng "cải tạo đường cũ, thu phí như đường mới".
Trạm thu phí hầm Đèo Cả (ảnh chụp ngày 11-2-2018) - Ảnh: T.T.D.
Cách tính hiện hành rất bất cập
Cũng theo ông Tuấn, quy định xác định giá tối đa hiện hành được áp dụng theo hai phương pháp là toàn tuyến và theo chiều dài đường. Phương pháp định giá tối đa này hiện rất bất cập.
Cụ thể phương pháp giá toàn tuyến, tức là tính giá theo lượt (thường được áp dụng cho những dự án thu phí mở và hầm đường bộ).
Cách tính giá này hoàn toàn không quan tâm đến chiều dài tuyến đường, chất lượng đường, tốc độ và thời gian lưu thông trước và sau khi có dự án đường bộ...
Còn phương pháp theo chiều dài đường, tức là tính giá theo chặng, thường được áp dụng cho những dự án thu phí đóng.
Mặc dù giá đã được xác định dựa vào chiều dài tuyến đường nhưng các yếu tố về chất lượng đường, tốc độ và thời gian lưu thông... vẫn chưa được cân nhắc xem xét.
Cách định giá gây ra nhiều bất cập như tình trạng một đoạn đường dài 30km cũng được thu phí bằng với một đoạn đường dài 100km.
Mặt khác, có tình trạng thu phí quá cao của một số dự án cải tạo, tăng cường mặt đường. Trong trường hợp đường cũ vẫn còn tốt, đang được đi miễn phí, chủ đầu tư chỉ thực hiện việc cải tạo, tăng cường mặt đường mà vẫn được thu giá với mức tối đa là rất bất hợp lý.
Do đó, việc định giá tối đa cho dịch vụ sử dụng đường bộ cần được nghiên cứu để có thể tính toán chi tiết hơn, phản ánh chính xác giá trị xã hội mà các dự án này mang lại được.
Theo VCCI, ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng việc tính toán chi phí tiết kiệm được cho từng phương tiện giao thông đã được thực hiện tương đối đầy đủ khi thuyết minh hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án trong quá trình lập báo cáo khả thi và thiết kế dự án.
Tuy nhiên, các thông tin này hiện mới chỉ nhằm để quyết định có đầu tư dự án hay không, chứ chưa được sử dụng làm căn cứ quyết định mức giá sử dụng đường bộ.
Đã có nhiều nghiên cứu về phương pháp tính toán chi phí vận tải trung bình của mỗi phương tiện gồm chi phí vận hành xe, chi phí thời gian đi lại và chi phí tai nạn giao thông.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho biết ông hoàn toàn ủng hộ phương pháp tính giá sử dụng đường bộ của VCCI đề nghị.
Đường mới rõ ràng sẽ tiết kiệm được chi phí thời gian chạy xe, qua đó tiết kiệm được nhiên liệu, xe đỡ hỏng hóc và mức chi phí bỏ ra chỉ bằng tối đa 50% chi phí tiết kiệm được.
Còn đối với nhà đầu tư, rõ ràng họ có lợi khi đổ tiền vào xây dựng đường mới khi thu tới 50% chi phí vận tải tiết kiệm được của phương tiện tham gia giao thông. Khi dự án có lợi thì xe sẽ chạy, nên không có chuyện xe né trạm.
Theo ông Thanh, thực tế có nhiều dự án mà xây dựng xong rồi đi vào khai thác, nhưng cách tính giá hiện nay rất khó hiểu.
Đơn cử như dự án hầm Đèo Cả, mức giá mà chủ đầu tư đang đề xuất đối với xe dưới 9 chỗ ngồi là 140.000 đồng/lượt, song Bộ Giao thông - Vận tải lại duyệt 60.000 đồng/lượt/xe.
"Khi bộ này lấy ý kiến, chúng tôi rất hoang mang. Không hiểu căn cứ nào mà doanh nghiệp lại tính giá là 140.000 đồng, còn phía cơ quan quản lý kéo xuống mức giá chỉ bằng khoảng 40%", ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, nói.
Ông Trần Văn Sơn (Phó giám đốc Công ty TNHH vận tải Hưng Lộc Thịnh):
Khó áp dụng với một số phương tiện
Theo tôi, cách tính của VCCI về thu phí trên cơ sở chi phí tiết kiệm được rất khó áp dụng đối với một số phương tiện vận tải.
Trong thực tế xe tải nặng chở hàng lưu thông trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương hao tốn nhiên liệu nhiều hơn so với đi quốc lộ 1 vì xe phải chạy đúng quy định tốc độ cao, dù rằng thời gian rút ngắn được khoảng 30 phút.
Do đó, hiện nay phần lớn doanh nghiệp xe tải đã tiết kiệm chi phí bằng cách chọn đi trên quốc lộ 1, còn trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương phần lớn là xe con và xe chở khách lưu thông.
NGỌC ẨN