TTO - Sau 35 năm tìm tòi, khảo nghiệm và nghiên cứu, nông dân Nguyễn Trí Nghiệp (65 tuổi, trú cù lao Minh, xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, Vĩnh Long) có trong tay một cơ đồ cây giống chất lượng cao trị giá gần 40 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Trí Nghiệp bên vườn giống cây trái -Ảnh: CHÍ HẠNH
Mang cây giống đi bán thiếu
Ông Nghiệp xuất thân trong một gia đình trải qua nhiều đời làm nông. Ngày ông Nghiệp còn nhỏ, cứ mỗi độ xuân về là cha ông chèo xuồng lên tận Châu Đốc (An Giang) gặt mướn, lấy lúa về nuôi nấng cả gia đình.
Bốn anh em ông Nghiệp được cha mẹ lo cho ăn học tử tế và về sau đều có công ăn việc làm ổn định tại TP.HCM.
Do cuộc sống đã quen với ruộng vườn, một phần nhớ cha mẹ già quanh năm tần tảo, năm 1982, ông Nghiệp quyết định trở về nhà nối nghiệp cha.
Bắt đầu với chút vốn nhỏ, ông Nghiệp bôn ba khắp vùng tìm mua cây giống mang về trồng thử nghiệm trong khu vườn có sẵn. Ông chỉ giữ lại những giống cây tốt, tập trung sáng tạo, áp dụng kỹ thuật chiết ghép, treo bầu, ghép mắt, sưu tập thêm cây cùng chủng loại để tạo ra giống mang hiệu quả kinh tế cao.
"Đất cù lao người người trồng cây ăn trái, nhưng tôi thấy lúc được, lúc thất, sản phẩm chất lượng cũng không cao. Với vốn kiến thức học được, tôi xác định ngay mình phải làm nghề cây giống. Thời gian đầu rất khó khăn do ít kinh nghiệm, không có thị trường và cả niềm tin của bà con nên việc buôn bán rất chật vật", ông Nghiệp nhớ lại.
Để bán được cây giống, thời gian đầu ông Nghiệp đã phải mang cây giống đi quảng bá tận vườn các hộ dân, gửi cây để bà con trồng thử. Thậm chí là bán thiếu và cam kết sau khi thu hoạch bà con ưng ý mới đến thu tiền. Chính vì việc làm táo bạo này mà về sau này, bà con trong vùng tin tưởng vào nguồn cây giống do ông Nghiệp cung cấp.
Ông Nguyễn Trí Nghiệp bên vườn giống cây trái - Ảnh: CHÍ HẠNH
Chia sẻ để bà con cùng giàu
Ông Nghiệp áp dụng các công nghệ như ghép mắt nhỏ, gâm cành, giúp tăng hệ số nhân giống cây trồng, làm giảm chi phí, quản lý tốt sâu bệnh, dịch hại… để nâng cao chất lượng giống cây trồng.
Trang trại của ông Nghiệp bắt đầu cho ra hàng loạt sản phẩm chống chịu được bệnh chổi rồng, xâm nhập mặn và chịu được phèn như: nhãn xuồng cơm vàng, nhãn da bò Bảy Tô, nhãn Hồng Phúc, đại hồng sung, hồng trúc...
Đặc biệt nhất là sưu tầm ra các giống cây mang lại hiệu quả kinh tế cao như: chanh thơm đạt sản lượng lớn nhất trong các nhóm chanh, chanh Limca, dừa thơm Island, xoài xanh Đài Loan (DL05), mít nghệ (M99-I)…
Nhiều năm qua, những giống cây trồng trên giúp cho không ít hộ nông dân ở miền Tây, miền Đông và Tây Nguyên trở thành tỉ phú. Ông Dương Ánh Đông - Trạm trưởng trạm nông nghiệp và bảo vệ thực vật huyện Tịnh Biên, An Giang - cho biết giống xoài xanh của ông Nghiệp cung cấp cho bà con trong huyện Tịnh Biên và Chợ Mới sinh trưởng rất mạnh, chịu bệnh tốt, rất dễ ra hoa và đậu trái, quả đẹp, trọng lượng từ 1kg đến 1,2kg/quả.
"Sản phẩm này bán rất chạy và khan hàng ở thị trường nước ngoài. Giống xoài này còn đang được thương thảo cung hàng qua thị trường Mỹ. Đặc biệt là từ dịp Noel cho đến Tết có giá rất cao, giúp nhiều người trở nên khá giả", ông Đông cho biết.
Năm 2000, nông dân Nguyễn Trí Nghiệp xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử cây giống đầu tiên ở ĐBSCL. Hiện trang Web này chiếm 85% thị phần kinh doanh, với khoảng 800.000 cây giống. Từ năm 2012 trở đi, tất cả nhân viên của trang trại đều được đào tạo sử dụng Smartphone phục vụ sản xuất, kinh doanh. Hàng năm ông Nghiệp thường mang giống đi quảng bá và bán sang các nước như: Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Quốc…
Hiện nay, ông Nghiệp vẫn thường sang Thái Lan, Malaysia… để tham khảo, nghiên cứu mang về Việt Nam các giống dừa, thơm, vải… chất lượng cao để giúp nông dân trong nước có thêm cơ hội phát triển từ kinh tế làm vườn.
Những năm 2000 do tác hại của lũ lụt và dịch bệnh tàn phá, nhiều vườn cây ăn trái ở ĐBSCL phải khôi phục lại qua sử dụng nhiều giống trôi nổi không rõ nguồn gốc và cho hiệu quả không cao. Thời điểm bấy giờ, xuất hiện ông Nguyễn Trí Nghiệp đưa ra triết lý kinh doanh cây giống là "làm giàu trên sự giàu có của nhà nông" được thể hiện "bán thiếu để tạo niềm tin" và sau đó "chia sẻ để bà con cùng giàu".
Những năm qua, ông Nghiệp đã tạo ra hàng ngàn cây giống với hơn 10 loại cây ăn trái chủ lực có chất lượng cao và thích ứng biến đổi khí hậu. Xu thế sắp tới do nhu cầu thị trường cây ăn trái rất lớn và phát triển cây ăn trái cũng là cách giữ nước ngọt và là hệ đệm về chống chịu tác động biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL.
Vì thế "một đời người và một rừng cây" như ông Nghiệp cần được nhân rộng ra vùng cây ăn trái ĐBSCL trong tương lai.
PGS.TS Nguyễn Văn Sánh (Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL)