TTO - Năm đầu tiên hội Gióng bỏ tục cướp kiệu hoa tre và kiệu trầu cau đã gây nên nhiều ý kiến trái chiều của người dân.
Người dân chen lấn xin hoa tre tại Đền Thượng, năm nay Ban tổ chức lễ hội đã thực hiện việc phát lộc cho người dân nên không xảy ra tình trạng xô xát như mọi năm - ẢNH: NGUYỄN KHÁNH
Hội Gióng tổ chức phát lộc thay vì cướp lộc như mọi năm - Video: NGUYỄN KHÁNH
Sáng 21-2 (mùng 6 Tết), di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại hội Gióng tại đền Sóc, huyện Sóc Sơn, Hà Nội chính thức khai hội.
Theo Cục di sản văn hoá, hội Gióng ở đền Sóc diễn ra trong 3 ngày, từ mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng âm lịch hằng năm.
Sau khi làm lễ dâng hương lên Phù Đổng Thiên Vương và tuyên bố khai hội, tám đoàn rước lễ vật bao gồm voi, ngựa, ngà voi, cỏ voi, cầu húc… theo thứ tự tiến vào sân rồng đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng.
Dù thời tiết miền Bắc đang trở lạnh kèm theo mưa nhỏ nhưng khá đông người dân và du khách đã đổ về tham dự lễ hội từ sớm tinh mơ.
Năm nay, lần đầu tiên hội Gióng không tổ chức cướp giò hoa tre và kiệu trầu cau.
Thay vào đó, ban tổ chức chuẩn bị khoảng hơn 15.000 giò hoa tre và trầu cau để phát cho người dân trong đền Thượng.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, lúc phát lộc tại đền Thượng, dù có lúc khá đông người chen lấn vào trong nhưng diễn ra trật tự, an toàn.
Khác hoàn toàn với cảnh tranh cướp giành giật như những năm trước, năm nay hội Gióng diễn ra trong bình yên.
Lực lượng an ninh làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn, trật tự cho lễ hội thưa hơn hẳn và không phải làm việc vất vả như những năm trước.
Tướng Bà được rước vào đền Thượng, đây là một nghi thức rước truyền thống của Thôn Yên Tàng, xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn, các cô bé được lựa chọn phải từ 9 đến 12 tuổi, học giỏi, đạo đức tốt và có khuôn mặt sáng - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Bỏ cướp lộc sẽ văn minh hơn
Tuy nhiên, sự thay đổi này đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong cộng đồng địa phương. Trong khi một số người ủng hộ việc bỏ cướp lộc thì một số người lại nói vì bỏ cướp lộc nên hội Gióng năm nay nhạt nhẽo hơn mọi năm.
Bà Nguyễn Thị Thông, 70 tuổi, ở xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn, rất ủng hộ chủ trương bỏ cướp lộc tại hội Gióng.
"Bỏ cướp kiệu hoa tre và cướp kiệu trầu cau như vậy là rất hay bởi mọi năm chỉ cần rước kiệu hoa tre và trầu cau xuống khỏi đền thượng là bao nhiêu thanh niên đã lao vào xô đẩy để cướp lộc. Có người đánh nhau, chảy cả máu. Mọi năm nhìn cảnh cướp lộc tôi sợ lắm, chỉ dám đứng từ xa để xem thôi.
Dù tục cướp lộc có truyền thống từ lâu đời tại hội Gióng nhưng tôi nghĩ thực hiện như năm nay sẽ văn minh hơn, thay vì tranh cướp như những năm trước", bà Thông nói.
Số lượng hoa tre được phát tại Đền Thượng trong 3 ngày lễ là 15000 chiếc, tuy nhiên ai cũng muốn sớm được sở hữu chiếc hoa tre nên tình trạng ùn tắc đã xảy ra - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Giữ cướp lộc hội mới vui
Ông Đỗ Bá Sơn, chủ tế làng rước kiệu trầu cau Đan Tảo, xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, cho biết để chuẩn bị kiệu rước trầu cau vào ngày khai hội, từ ngày 15 tháng Chạp năm trước, lãnh đạo thôn và các cụ già làng đã đi các nhà lựa chọn những quả cau, lá trầu đẹp nhất.
"Năm nay ban tổ chức phát lộc nên mọi người nhận lộc tuần tự hơn một chút. Nhưng bỏ cướp lộc nên lễ hội cũng không vui lắm. Tục cướp lộc đã có thống từ thời cha ông chúng tôi để lại, truyền từ đời này sang đời khác. Nên nếu duy trì được tục cướp lộc sẽ rất vui", ông Sơn nói.
Tuy nhiên, ông Sơn cũng thừa nhận việc cướp lộc không còn phù hợp với xã hội hiện đại.
"Tất cả quả cau, lá trầu nếu cướp được từ cây trầu cau đến khi cầm được ra bên ngoài thì đã bị nát vì hàng trăm người cùng đổ xô vào cướp. Làm như năm nay sẽ phù hợp với xã hội hiện tại hơn".
Ngoài hoa tre, Ban tổ chức còn phát lộc cho người dân bằng những là trầu không - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Bà Nguyễn Thị Toan, cán bộ hưu trí xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn, cũng nói theo tập tục người dân địa phương, nếu ai cướp được nhiều lộc trong hội Gióng thì cả năm sẽ được may mắn.
"Lễ hội năm nay thay đổi đã giảm được tình trạng không chen lấn và người dân không còn tâm lý tiêu cực nữa. Bởi mọi người luôn mang tâm lý đến hội là để cướp lộc nên nếu ai không cướp được thì trong tâm sẽ không thoải mái. Còn ai cướp được lộc thì hồ hởi, phấn khởi.
Như chúng tôi cùng đi lễ hội với các cháu thanh niên thì thanh niên khoẻ mạnh xông vào lễ hội cướp được lộc nên chỉ đứng ở ngoài có khi còn bị xô ngã", bà Toan nói.
Bà Toan phân tích thêm, tục cướp lộc có mặt tích cực vì là tục lệ cổ truyền nên làm cho lễ hội đông vui, rộn ràng, gây sự chú ý hơn. Nhưng mặt trái là sẽ xảy ra nhiều vấn đề, nhiều kẻ xấu lợi dụng cướp giật, chen lấn, xô đẩy, đánh nhau.
"Bỏ cục cướp lộc sẽ bớt xảy ra tai nạn. Nhưng với lòng nhân dân thì tục cổ truyền của các cụ cha ông để lại thì vẫn nên giữ, không nên bỏ", bà Toan cho biết.
Bà Đỗ Thị Phượng, một người dân địa phương cũng than năm nay hội buồn hơn.
Ông Đoàn Văn Sinh, trưởng phòng văn hoá thông tin huyện Sóc Sơn, cho biết việc bỏ tục cướp lộc giò hoa tre và kiệu trầu cau là điểm khác biệt lớn của hội Gióng năm nay.
Ông Sinh khẳng định điều này không làm mất tính truyền thống của lễ hội mà sẽ tạo nên hình ảnh văn minh, bình yên cho hội Gióng.
Tương truyền những chiếc hoa tre được ví như những thân tre bị dập nát sau khi Phù Đổng Thiên Vương sử dụng để đánh thắng giặc Ân, người dân thường lấy hoa tre để lên bàn thờ để cầu may mắn trong năm mới - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Mô hình ngựa chiến được rước vào Đền Thượng làm lễ - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Voi chiến được rước từ đền Thượng ra ngoài sau khi kết thúc việc làm lễ - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Một người phụ nữ trong đoàn rước đang sử dụng tính năng phát trực tiếp trên mạng xã hội facebook để chia sẻ với mọi người - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH