Sống khỏe

Xả súng giết người, học sinh tố Tổng thống, Tổng thống tố đối thủ

TTO - Sau mỗi vụ xả súng nước Mỹ lại dằn vặt xem lỗi ở đâu. Và như mọi khi, câu chuyện sở hữu súng đạn kiểu tự do lại được đem ra mổ xẻ. Lần này, sự công kích nặng nề hơn bởi hung thủ còn rất trẻ và các nạn nhân còn trẻ hơn.

Xả súng giết người, học sinh tố Tổng thống, Tổng thống tố đối thủ - Ảnh 1.

Cuộc tuần hành Kêu gọi Hành động chống lại Bạo lực súng đạn diễn ra tại TP Delray Beach, bang Florida, ngày 19-2 - Ảnh: REUTERS

Nước Mỹ lần này sốc khi số nạn nhân lên đến 17 người, đều là các học sinh trung học. Tổng thống Trump cũng lúng túng khi trong hơn 1 năm cầm quyền, ông đã phải lên tiếng cho việc xử lý các vụ giết người hàng loạt liên quan đến bạo lực súng đạn bởi 2 hung thủ trong vụ Florida vẫn vụ Las Vegas đều là những kẻ sở hữu nhiều súng trong nhà hoặc có đam mê với súng đạn.

Các học sinh của trường Marjory Stoneman Douglas đã không thể im lặng, cha mẹ các nạn nhân vụ xả súng ở Marjory Stoneman Douglas càng không thể im lặng. Họ đòi đối thoại, đòi có câu trả lời từ chính vị lãnh đạo Nhà Trắng.

Vẫn là cái Hiệp hội Súng NRA

Nhưng truyền thông cho rằng Tổng thống Donald Trump đã né tránh đối đáp trực tiếp với nữ sinh Emma Gonzalez của trường Marjory Stoneman Douglas khi nữ sinh này liên tục chỉ trích: "Thật xấu hổ cho ông!" và nói thẳng đến mối quan hệ gần gũi giữa ông Trump với Hiệp hội Súng Quốc gia của Mỹ (National Rifle Association- NRA) - tổ chức có thế lực bảo vệ quyền tự do sở hữu và sử dụng súng tại Mỹ. 

Trong cuộc tuần hành tại TP Fort Lauderdale nhằm lên án việc sử dụng vũ khí tại Mỹ, ngay sau vụ thảm sát ngày 14-2, nữ sinh 18 tuổi này đã thể hiện sự giận dữ trước truyền thông: "Nếu Tổng thống nói chuyện trực diện với tôi rằng đây là một thảm kịch kinh hoàng (...) và rằng chúng ta không thể làm gì được cả, thì tôi sẽ hỏi Tổng thống rằng ông ấy đã nhận bao nhiêu tiền từ NRA. Tôi biết chuyện đó chứ: 30 triệu USD".

Tuy nhiên, ông Trump đã chọn cách phản đòn trên Twitter vào ngày 17-2 khi cáo buộc thái độ chống đối của những người thuộc đảng Dân chủ - đối thủ của đảng của ông: "Tại sao phe Dân chủ đã không bỏ phiếu thông qua một đạo luật về kiểm soát vũ khí trong khi họ đang nắm Thượng viện và Hạ viện dưới thời tổng thống Obama? Bởi vì họ không muốn làm điều đó, và bây giờ thì họ chỉ khiến cho mọi người lời ra tiếng vào!".

Tuy nhiên, ông Trump đã không nói đến việc một sửa đổi luật như thế chỉ có thể được thông qua khi được đa số đồng thuận và hẳn nhiên là phải cần đến sự ủng hộ của những người thuộc đảng Cộng hòa.

Xả súng giết người, học sinh tố Tổng thống, Tổng thống tố đối thủ - Ảnh 2.

Những người tham gia cuộc tuần hành Kêu gọi Hành động chống lại Bạo lực súng đạn tại TP Delray Beach, bang Florida, đốt nến nguyện cầu cho các nạn nhân vụ thảm sát vào tối 19-2 - Ảnh: REUTERS

Nhưng dường như áp lực dư luận cũng đã buộc ông chủ Nhà Trắng có phản ứng nhanh hơn các vụ việc trước đó.

Theo thông báo của Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ cùng phu nhân đã đến bệnh viện Broward Health North ở thành phố Parkland vào tối 16-2 để thăm hỏi những người bị thương trong vụ xả súng trên cũng như tuyên dương đội ngũ bác sĩ, y tá và lực lượng cứu hộ tham gia chăm sóc cho các nạn nhân. 

Sau chuyến thăm bệnh viện, ông Trump cũng đến văn phòng cảnh sát hạt Broward để tuyên dương các sĩ quan cảnh sát đã tham gia xử lý vụ việc và cứu được nhiều người. 

Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ diễn ra trong bối cảnh gia đình các nạn nhân thiệt mạng cũng như dư luận Mỹ bày tỏ tức giận khi trong bài phát biểu sau vụ việc, ông Trump chỉ nói về an toàn trong các trường học và vấn đề rối loạn tâm thần chứ không đề cập việc siết chặt luật kiểm soát súng đạn.

Trong bài phát biểu đó, Tổng thống Trump đã kêu gọi hàn gắn và hòa bình, đồng thời khẳng định chính quyền sẽ nỗ lực để cải thiện môi trường an toàn trong các trường học và giải quyết vấn đề về rối loạn tâm thần. Nhưng truyền thông Mỹ chỉ ra rằng cả hai lĩnh vực này đều sẽ bị cắt giảm ngân sách theo kế hoạch chi tiêu công bố vừa ngày 12-2 của Tổng thống Mỹ.

Xả súng giết người, học sinh tố Tổng thống, Tổng thống tố đối thủ - Ảnh 3.

Người tham gia cuộc tuần hành Kêu gọi Hành động chống lại Bạo lực súng đạn diễn ra tại TP Delray Beach, bang Florida, ngày 19-2 với biểu ngữ chống lại cách hành xử của Tổng thống Trump trong vụ việc - Ảnh: REUTERS

Tuần hành lớn trong tháng 3 tới

Những học sinh sống sót sau vụ xả súng tại trường Marjory Stoneman Douglas đã lên kế hoạch tuần hành tại thủ đô Washington, yêu cầu cải cách luật sở hữu súng đạn tại nước này.

Cuộc tuần hành mang tên "Tuần hành vì mạng sống của chúng ta" dự kiến diễn ra vào ngày 24-3 với sự tham gia của học sinh trên toàn nước Mỹ. Giới học sinh cam kết đưa vụ xả súng đẫm máu tại bang Florida này thành một bước ngoặt trong cuộc tranh luận về kiểm soát súng hiện bị bế tắc tại Mỹ.

Vụ xả súng tại trường trung học Marjory Stoneman Douglas là vụ xả súng trường học đẫm máu thứ 2 trong lịch sử Mỹ. Theo nhóm vận động kiểm soát súng đạn "Everytown for Gun Safety", nước Mỹ đã phải đối mặt với tổng cộng 18 vụ xả súng ở trường học chỉ trong chưa đầy 2 tháng đầu năm 2018.
Những hình ảnh đau thương trong vụ xả súng tại Florida Những hình ảnh đau thương trong vụ xả súng tại Florida Nghi phạm xả súng ở Florida là kẻ "điên cuồng vì súng" Nghi phạm xả súng ở Florida là kẻ 'điên cuồng vì súng' Tin giả rộ lên ăn theo vụ xả súng tại trường học ở Florida Tin giả rộ lên ăn theo vụ xả súng tại trường học ở Florida

Dùng FBI làm bia đỡ đạn

Ngoài chuyện đá quả bóng trách nhiệm cho phía đảng Dân chủ, Tổng thống Trump còn công kích Cục Điều tra liên bang (FBI) khi cho rằng cơ quan an ninh này đã bỏ qua những dấu hiệu có thể giúp ngăn ngừa vụ xả súng đẫm máu vừa qua, do tập trung quá nhiều cho cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 mà trong đó đặc biệt chú ý vào đội ngũ thân cận của ông Trump.  

Trong một loạt các phát biểu trên Twitter cuối tuần qua, Tổng thống Trump chỉ trích FBI đã "mất quá nhiều thời gian" để điều tra về khả năng có sự liên quan giữa Nga và chiến dịch tranh cử của ông. Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh việc này đã khiến FBI bỏ qua những cáo giác liên quan Nikolas Cruz, 19 tuổi, hung thủ vụ xả súng làm 17 người thiệt mạng.

Hôm 16-2, FBI có thừa nhận không tiến hành điều tra một cáo giác cho biết Nikolas Cruz sở hữu súng và có ý muốn giết người. Tiết lộ này đã gây ra làn sóng công phẫn trong dư luận ở Parkland, thuộc khu ngoại ô thành phố Miami, nơi xảy ra vụ tấn công và khiến Thống đốc Florida, ông Rick Scott thậm chí kêu gọi Giám đốc FBI Christopher Wray từ chức. 

Theo ông Scott, việc FBI không có hành động gì sau khi nhận được cáo giác là không thể chấp nhận được. Phát biểu của ông Scott được đưa ra sau khi FBI nói rằng một người thân cận với nghi can Nikolas Cruz đã gọi điện cho FBI ngày 5-1, tức vài tuần trước khi xảy ra vụ tấn công, để báo cáo về sự lo ngại đối với Cruz. 

Thông cáo của FBI thừa nhận: "Người gọi cung cấp tin tức về việc Cruz có súng, muốn giết người khác, thái độ bất thường và đăng tải lên mạng xã hội các phát biểu đáng ngại, cùng với nguy cơ có thể anh ta sẽ vào nổ súng trong trường học". 

Theo qui trình, các tin tức này đáng lẽ phải được chuyển đến văn phòng FBI ở Miami để tiếp tục điều tra, nhưng điều đó đã không xảy ra. 

Xả súng giết người, học sinh tố Tổng thống, Tổng thống tố đối thủ - Ảnh 6.

Hung thủ Nikolas Cruz ra tòa tại Fort Lauderdale, bang Florida, ngày 19-2. Hắn đối diện 17 cáo buộc giết người có chủ đích - Ảnh: REUTERS

Áp lực từ giới vận động hành lang giàu có

Trong một bài phát biểu ngắn trang trọng sau vụ xả súng, Tổng thống Trump đã nhấn mạnh đến vấn đề tâm thần của kẻ giết người nhưng hoàn toàn không đề cập quyền được sở hữu vũ khí trong Tu chính số 2 của Hiến pháp Mỹ, và cũng không nói đến các loại vũ khí bán tự động như khẩu AR-15 mà tên giết người tại Florida sử dụng.

Truyền thông cho rằng thái độ của ông Trump ủng hộ hoạt động vận động hành lang của giới sản xuất và mua bán vũ khí là quá rõ ràng. Trong bài phát biểu tại một hội nghị của NRA sau khi thắng cử, ông Trump từng tuyên bố: "Tôi sẽ luôn tuân thủ quyền của người dân về việc được trang bị vũ khí".

Chưa kể 86% nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ và 43% tại Thượng viện đều đã nhận tiền tài trợ từ NRA cho các chiến dịch tranh cử của mình.

Đó là một mối quan hệ chồng chéo mà nước Mỹ muốn tháo gỡ nhiều năm qua nhưng chưa thành công. 

Trong thời gian đó, súng tiếp tục nổ, tiếp tục cướp đi sinh mạng của nhiều người. Bạo lực súng đạn cướp đi sinh mạng của 90 người Mỹ mỗi ngày trong bối cảnh vấn đề sở hữu súng đạn nhiều năm qua vẫn chỉ là đề tài gây tranh cãi tại Mỹ mà chưa có biện pháp kiểm soát mạnh tay. 

Hiện việc mua bán và sử dụng vũ khí tại nhiều bang ở Mỹ vẫn diễn ra mà không cần thông qua bất kể sự rà soát nào về lý lịch cũng như tiền sử tâm lý. 

Dưới thời Tổng thống Barack Obama, ông đã nhiều lần nỗ lực thúc đẩy thông qua dự luật kiểm soát súng đạn tại Mỹ, song đều bị thất bại trong bối cảnh đảng Cộng hòa chiếm đa số ghế trong Quốc hội.

Giờ đây Nhà Trắng (hôm 19-2) chỉ mới tuyên bố mong muốn của ông Trump là kiểm tra kỹ hơn nhân thân của người mua súng như một cách xoa dịu dư luận. Nhưng dường như điều đó vẫn chưa đủ...

Kẻ xả súng tại trường học Florida ra tòa

TTO - Nikolas Cruz, kẻ gây ra vụ xả súng đẫm máu nhất trong trường học Mỹ, đã trình diện tại phiên tòa xét xử tên này ở thành phố Fort Lauderdale, bang Florida.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,244,474       1,485