Sống khỏe

Úc lên kế hoạch cạnh tranh sáng kiến 'Vành đai Con đường' của Trung Quốc

TTO - Chính quyền của Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đang ấp ủ kế hoạch thay thế sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc với sự hỗ trợ từ Mỹ, Nhật Bản và cả Ấn Độ.

Úc lên kế hoạch cạnh tranh sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull - Ảnh: REUTERS

Ông Turnbull, người đã từng nhiều lần lên tiếng cảnh báo về những ảnh hưởng vô hình của Trung Quốc trong chính trường Úc, sẽ đến Mỹ vào giữa tuần này. Ý tưởng về một cơ chế hợp tác liên khu vực, chống lại ảnh hưởng ngày càng lan rộng của Bắc Kinh sẽ được thủ tướng Úc trình bày trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo Mỹ Donald Trump.

Một quan chức cấp cao giấu tên của Úc tiết lộ kế hoạch vẫn còn sơ khởi và chưa đủ thông tin để công bố trong lúc ông Turnbull ở Mỹ. Tuy nhiên, ý tưởng này là nghiêm túc và mọi cuộc đối thoại giữa bốn nước Úc, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ đã được tiến hành.

Cạnh tranh hay thay thế?

"Không ai nói Trung Quốc không nên xây dựng cơ sở hạ tầng", quan chức Úc giấu tên nói với tờ Australian Financial Review. "Họ có thể xây một cái cảng, nhưng nó không đem lại lợi ích về kinh tế. Chúng ta có thể xây dựng mạng lưới đường sắt hay đường cao tốc kết nối cảng đó".

Được đưa ra từ năm 2013 và tích cực thúc đẩy, sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bị Mỹ xem là phương tiện để Bắc Kinh gây ảnh hưởng toàn cầu.

Trong khi gần 70 quốc gia, bao gồm cả New Zealand, tỏ ra háo hức với BRI sau diễn đàn cấp cao được tổ chức tại Bắc Kinh hồi năm ngoái, chính quyền Turnbull ở Úc vẫn tỏ ra thận trọng, bất chấp quan hệ kinh tế ngày càng chặt chẽ với Trung Quốc.

Nhưng nói như một nhà bình luận quốc tế, chính mối quan hệ khăng khít đó đã lý giải cho thái độ thận trọng của nước Úc trong ý tưởng mới. 

Tờ Australian Financial Review mô tả trong suốt cuộc nói chuyện, vị quan chức giấu tên luôn mô tả sáng kiến mới là một sự thay thế, một lựa chọn khác chứ không phải đối thủ của BRI. Nói một cách khác, Canberra vẫn có sự dè chừng nhất định với Bắc Kinh.

Pakistan chết đứng với Vành đai, Con đường của Trung Quốc Pakistan chết đứng với Vành đai, Con đường của Trung Quốc Vành đai, con đường và Trung Quốc mộng Vành đai, con đường và Trung Quốc mộng Diễn đàn "Vành đai và Con đường": Hợp tác để cùng thắng Diễn đàn 'Vành đai và Con đường': Hợp tác để cùng thắng

Gần cuối năm ngoái, bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN ở Philippines, các quan chức Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ đã gặp nhau, làm sống lại ý tưởng "Tứ giác kim cương" xuất hiện cách đây một thập kỷ.  

Bắc Kinh khi đó đã phản ứng gay gắt, bởi lẽ "Tứ giác kim cương" - ý tưởng được Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đưa ra, là nhắm vào Trung Quốc và kiềm chế quốc gia này chứ không phải  nước nào khác.

Nay, với ý tưởng mới của nước Úc, tạo ra một cơ chế hợp tác, dù cạnh tranh hay thay thế BRI của Trung Quốc, nó chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh lưu tâm bởi lẽ nó được tạo ra dựa trên khung sườn là "Tứ giác kim cương".

Người Úc hẳn nhiên không muốn đối đầu với Trung Quốc hay chọc giận họ - đối tác thương mại hàng đầu, nhưng cũng chẳng muốn làm phật lòng Mỹ - đồng minh an ninh quan trọng bậc nhất.

Và bởi vì ý tưởng vẫn còn là sơ khởi, những lo ngại và sự chùn tay như hiện tại của nước Úc có thể khiến mọi chuyện khác đi vào phút cuối.

Đồng sàng dị mộng

Phần đông những người lo ngại sự trỗi dậy của Bắc Kinh cảm thấy yên tâm khi các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ bắt tay đối phó Trung Quốc. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bài phát biểu tại hội nghị cấp cao APEC ở Việt Nam hồi tháng 11-2017 đã lần đầu tiên nhắc đến cụm từ "Ấn Độ - Thái Bình Dương". Trong các tuyên bố riêng rẽ sau cuộc gặp hồi sinh "Tứ giác kim cương" ở Philippines, Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ đều nhắc đến cụm từ này, nhưng với nội hàm rất khác.

Nhưng nói như một nhà bình luận quốc tế, nó đã phản ánh thế cuộc ở khu vực châu Á. Người ta sẽ giật mình khi ai đó chỉ ra rằng Trung Quốc đang ở mức mà Mỹ hay Nhật Bản và Ấn Độ không thể một thân một mình đối chọi, cả về kinh tế lẫn quân sự. Cứ nhìn vào sự hồi sinh của "Tứ giác kim cương" để hiểu nhận định đó.

Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga trong một cuộc họp báo gần đây đã ý nhị trấn an và biện minh hợp tác 4 bên Mỹ - Nhật Bản - Úc và Ấn Độ không nhằm chống lại BRI của Trung Quốc.

Sách trắng về viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản hồi cuối năm ngoái xác định ODA là công cụ và là phương thức chính để thúc đẩy "Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", thông qua mạng lưới cơ sở hạ tầng chất lượng cao.

Tokyo như vậy vẫn chọn cách đi vòng bên ngoài thay vì đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh. Nói một cách khác, để Nhật Bản đổ tiền vào một sáng kiến đối đầu trực tiếp với Trung Quốc là điều cần phải cân nhắc và suy xét.

Trong khi bài toán kinh tế và chiến lược luôn được đặt ra ở Úc (và chưa biết khi nào mới có lời giải), bài toán Trung Quốc ở Mỹ dưới trào tổng thống Trump lại khác.

Đặt trong bối cảnh ông Trump đang cần hơn một ngàn tỉ USD để tái thiết cơ sở hạ tầng Mỹ, khả năng Washington sẵn lòng bỏ tiền của xây dựng ở nơi khỉ ho cò gáy nào đó đang bị đặt dấu chấm hỏi. 

Vậy mục đích của nước Úc khi đưa ra ý tưởng là gì? Hãy chờ xem.

'Ấn Độ - Thái Bình Dương' của Tổng thống Trump nghĩa là gì?

TTO - Cụm từ "Ấn Độ - Thái Bình Dương" mà Tổng thống Donald Trump dùng liên tục trong chuyến công du châu Á 12 ngày hé lộ một tầm nhìn an ninh mới của Mỹ đối với khu vực.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,245,251       1,578