Sống khỏe

Bác sĩ ở Mỹ 'mang thế giới' về cho đồng nghiệp Việt Nam

TTX - Cách nửa vòng Trái đất, nhưng mỗi tuần bác sĩ và điều dưỡng ở Việt Nam lại học tiếng Anh qua mạng với các đồng nghiệp ở Mỹ, Canada và gần đây là ở Úc.

Bác sĩ ở Mỹ mang thế giới về cho đồng nghiệp Việt Nam - Ảnh 1.

Bác sĩ Trần Huỳnh - Ảnh do nhân vật cung cấp

Tôi luôn nghĩ mình là người Việt và muốn làm gì đó cho quê hương của mình

BS Trần Huỳnh

Người lập ra những lớp học tiếng Anh trực tuyến như thế là bác sĩ người Mỹ gốc Việt Trần Huỳnh (Huynh Wynn Tran). Anh qua Mỹ khi đã học gần xong ĐH Kiến trúc và trình độ tiếng Anh chỉ ở mức vỡ lòng.

'Tôi luôn nghĩ mình là người Việt'

Huỳnh và gia đình qua Mỹ định cư ở bang Michigan năm 1999, khi đó anh vừa học xong năm 3 ĐH Kiến trúc. Không giỏi tiếng Anh, Huỳnh phải đi học lại khóa tiếng Anh ESL, như anh gọi là tiếng Anh vỡ lòng trong vài tuần đầu, để trao đổi với người cùng làm những câu đơn giản khi anh vào xưởng phụ làm lắp ráp chân bàn.

Vì đã lỡ nhịp học, vừa đi làm, Huỳnh vừa đi học nhưng thường phải lấy gấp đôi số lớp so với dân bản địa. Ban đầu, anh lấy các lớp toán, lý, hóa cho dễ học, rồi cứ học tiếng Anh thêm mãi đến lúc anh học được về văn chương là lớp cao nhất. 

Sau 2 năm, anh học xong khóa học về tiếng Anh và nhiều kỹ năng mềm, cùng lúc anh được nhận học bổng để tiếp tục theo học ĐH Kiến trúc.

Tốt nghiệp ĐH Kiến trúc ở Mỹ, Huỳnh vào làm ở một công ty chuyên về thiết kế phòng khám và bệnh viện ở vùng tây Michigan, nhưng cơ duyên đưa anh đến với nghề y. 

"Ngày đầu tiên tôi đến Mỹ lúc 11h đêm. Hai giờ sau, ba tôi lên cơn đau tim phải vào Bệnh viện Holland. Buổi sáng đầu tiên của tôi tại Mỹ là ở phòng cấp cứu bệnh viện. Tôi và gia đình không rành tiếng Anh và phải nhờ thông dịch viên để hỏi bệnh. Cảm kích sự giúp đỡ của các bác sĩ, sau này tôi đã quay lại đây làm tình nguyện viên và thông dịch viên. 

Làm kiến trúc một thời gian, khách hàng đã mời tôi đến thiết kế thêm một phòng mạch và tôi bắt đầu thấy thích ngành y" - bác sĩ Huỳnh nói với Tuổi Trẻ.

Bác sĩ ở Mỹ mang thế giới về cho đồng nghiệp Việt Nam - Ảnh 3.

Đời thường của bác sĩ Trần Huỳnh - Ảnh do nhân vật cung cấp

Chỉ sau 2 năm tốt nghiệp kiến trúc, anh lại bỏ hết để bắt đầu một chặng đường mới của cuộc đời: theo học dự bị y khoa. Lúc này, anh cũng phải lấy gấp đôi, thậm chí gấp 2,5 lần số tín chỉ của một sinh viên bình thường. 

Sau một năm, anh có bằng đại học thứ hai và nộp đơn vào y khoa, nhưng không may ở năm đầu tiên. Không bỏ cuộc, Huỳnh xin làm nhà hàng để sống, ban đêm làm thêm bằng trực điện thoại và thi lại. Năm sau (2007), Huỳnh được 6 đại học Y ở Mỹ nhận, và anh  chọn học một trường ở NewYork.

Một chặng đường  từ một người nhập cư không rành tiếng Anh thành một bác sĩ ở Mỹ, giờ đây là người chủ trì của lớp học tiếng Anh trên mạng cho những người đồng hương thật dài. 

Huỳnh kể những năm đầu học y khoa, anh có các thầy là bác sĩ Ấn Độ. Anh rất băn khoăn vì sao đó không phải là bác sĩ Việt Nam. Dần dà anh biết các bác sĩ đó tốt nghiệp tại Ấn Độ và sau này theo học bác sĩ nội trú ở Mỹ.

"Tôi đã tìm hiểu về việc học bác sĩ nội trú ở Mỹ và sáng lập ra VietMD. Tôi hi vọng VietMD sẽ tiếp tục phát triển, là tổ chức chuyên dạy tiếng Anh chuyên ngành và hỗ trợ chuyên môn cho các bác sĩ VN ở khắp nơi. Tôi luôn nghĩ mình là người Việt và muốn làm gì đó cho quê hương  mình" - Huỳnh nói với Tuổi Trẻ.

Mang Việt Nam ra thế giới và ngược lại

Bác sĩ Hoàng Bảo Long, làm việc tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương và đang hỗ trợ VietMD ở đầu cầu Hà Nội, cho hay anh đã tham gia VietMD từ những ngày đầu người đồng nghiệp Trần Huỳnh sáng lập ra tổ chức này ở Mỹ.

Múi giờ khác nhau, khi các đồng nghiệp ở VN làm việc thì các bạn ở Mỹ đang ngủ, và sau đó khi các bạn ở Mỹ bình minh thì họ phải đến bệnh viện làm việc. Nhưng bằng sự kiên nhẫn và tận tâm, từ khởi đầu của bác sĩ Huỳnh và dần dà có thêm các bác sĩ người Việt ở Canada, Úc và Mỹ tham gia các lớp học online của VietMD. 

Không chỉ tiếng Anh, các bác sĩ và điều dưỡng đã trao đổi với nhau cả về những căn bệnh mới, cách điều trị hay cả cách ứng xử, kinh nghiệm thăm hỏi người bệnh.

"Anh Huỳnh đã rất tận tâm mới có thể duy trì được những khóa học này. Tôi luôn thấy mừng vì mình đã góp phần cùng bác sĩ Huỳnh có đóng góp cho đồng nghiệp" - bác sĩ Long nói.

Nhưng Huỳnh cho hay, không phải những nỗ lực mà anh và các đồng nghiệp người Việt ở nước ngoài bỏ ra hoàn toàn là "cho đi", mà anh cũng nhận lại được rất nhiều. 

Qua những lớp học đã duy trì được gần 10 năm qua, Huỳnh gặp thêm được nhiều đồng nghiệp, biết thêm được những câu chuyện chuyên môn và cuộc sống mới mẻ. Từ trên không gian ảo, Huỳnh cũng đã thu xếp những chuyến về Việt Nam hướng dẫn về tiếng Anh chuyên ngành y khoa.

Tôi nhớ Việt Nam nhất là về những người bạn, những tấm lòng vượt thời gian. Việt Nam cũng là nơi lưu giữ những kỷ niệm ngọt ngào tuổi thơ.

Bác sĩ Trần Huỳnh

Hai chàng trai 1987 và ứng dụng tìm bãi đỗ xe hơi Hai chàng trai 1987 và ứng dụng tìm bãi đỗ xe hơi Chàng kỹ sư bỏ nghề đi làm chuyên gia ẩm thực Chàng kỹ sư bỏ nghề đi làm chuyên gia ẩm thực Chàng trai 9x thông thạo 15 thứ tiếng Chàng trai 9x thông thạo 15 thứ tiếng
Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,247,701       736