TTO - Có một lớp U23 không cờ hoa, nhưng cũng tươi trẻ sáng bừng sức sống, tết này đang xa nhà phía Trường Sa.
Những U23 hải quân ở Trường Sa - Ảnh: MAI NGUYÊN
Tôi vẫn nhớ hôm tàu đưa những chàng trai U23 đó rời đất liền ra đảo, trong đợt thay quân chỉ độ một tháng ngay trước Tết Nguyên đán, có tiếng gọi rất to: “Chờ anh nhé, năm sau anh về”. Có tiếng cười, và không ít niềm nhung nhớ.
1. Nguyễn Công Điền 23 tuổi, đang học năm thứ hai Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật Nha Trang thì bảo lưu để xung phong ra Trường Sa. “Ba em bảo nên đi mới lớn”, Điền kể.
Ở lại học tiếp, hẳn Điền sẽ là hot boy với góc nghiêng thần thánh và tài lẻ ca hát, và chắc sẽ trở thành “crush quốc dân” của không ít cô gái. Nhưng vào quân ngũ, cảm giác mới hơi thích thích một cô gái tạm gác lại.
Ở đảo Sinh Tồn, nơi Điền đóng quân, Điền nổi tiếng ngay vì khả năng chơi guitar và ca hát rất chuẩn của mình, dù dàn âm thanh karaoke ngoài đó có bị muối mặn làm rè đi nhiều ít. Nghe Điền hát “Nơi ấy là Trường Sa”, biết cậu yêu nơi đang đứng thế nào.
Nguyễn Công Điền khi hát "Nơi ấy là Trường Sa" trên đảo Sinh Tồn - Ảnh: MAI NGUYÊN
Nguyễn Công Điền ngẫu hứng đàn hát cùng đồng đội - Video: MAI NGUYÊN
2. Nguyễn Thừa Tiến cũng là một gương mặt đẹp trai nhất nhì đảo Đá Lớn. Vừa ra đảo, vẫn còn nguyên vẹn sự hồn nhiên, Tiến cầm tờ báo tuổi học trò vui vẻ: “Nếu được phép em sẽ lấy ảnh trong này dán lên chỗ giường nằm”.
Đồng đội của Tiến, ra đảo trước Tiến 1 năm, vừa nhìn thấy mấy tờ báo Tiến mang đến mừng như bắt được vàng. Vừa vác hàng Tết từ xuồng lên đảo, tay còn chưa kịp rửa, áo vẫn nguyên mồ hôi, mấy chàng trai trẻ đã vội vàng mở báo, ồ lên thích thú khi nhìn thấy những idol yêu thích.
Nguyễn Thừa Tiến, "crush U23" của đảo Đá Lớn - Ảnh: MAI NGUYÊN
Nguyễn Thừa Tiến cầm tờ báo "đúng tuổi mình" trên đảo Đá Lớn - Ảnh: MAI NGUYÊN
3. Nguyễn Trung Thu, chàng trai U23 trên đảo Len Đao lại khiến chúng tôi xúc động bởi câu chuyện cuộc đời. 17 tuổi Thu gặp một tai nạn kinh hoàng, chấn thương sọ não, nằm liệt một năm trời trên giường bệnh.
Đến khi lần giường đi lại được, cuộc sống của Thu đảo lộn. Đang lúc mất phương hướng, không biết bắt đầu cuộc sống mới như thế nào thì Thu nhận giấy gọi nhập ngũ.
Tuổi 18 của Thu bây giờ là ở nơi tuyến lửa của Trường Sa, đóng quân trên hòn đảo nhìn sang Gạc Ma, Huy Gơ, căng mắt mỗi ngày theo từng ca gác. Nhưng với Thu, đó là hành trình tìm lại niềm tin bản thân mà cậu thấy thanh thản nhất.
Những chàng trai trẻ đã quyết định chọn cho mình cuộc đời quân ngũ - Ảnh: MAI NGUYÊN
4. Năm mới Mậu Tuất này, những Điền, những Tiến, những Thu đều vắng nhà. Cái Tết đầu tiên không ở bên mẹ. “Chị biết không, trước cả mấy tháng không ở nhà, giờ ra đây mới biết nhớ mẹ”, Thu tâm sự.
Còn Tiến bảo Tết chỉ thèm bát canh mẹ nấu. Điền thì trong nắng gió đảo Sinh Tồn, hỏi giờ thích hát bài gì, cậu nói thích bài "Đông" của Vũ Cát Tường. Cậu thích Vũ Cát Tường nhưng chắc sẽ lâu lâu nữa Điền mới có dịp xem Tường diễn.
Ra đảo, với lứa U23 này là một cuộc trưởng thành. Trưởng thành từ những ngày tập luyện khắc nghiệt, từ cách học để làm người lớn khi biết trân trọng hơn mỗi khoảnh khắc gia đình, và hơn cả, từ trách nhiệm của lứa thanh niên bảo vệ, giữ gìn Tổ quốc.
Hình như lại sắp bão phía Trường Sa. Lại nhớ hôm chia tay, sóng lớn nên những chiếc xuồng vào ra đều phải vội vàng. Bởi vậy những cuộc chia tay không có thời gian để cờ hoa rình rang, chỉ là những cái ôm rất chặt giữa các đồng đội, hẹn ngày gặp ở bờ.
Nhưng có hề gì, khi những U23 “bay bay dải áo hải quân”, đã chọn đảo là nhà trong một phần tươi trẻ nhất của cuộc đời.
Những U23 đã chọn đảo là nhà - Ảnh: MAI NGUYÊN