Sống khỏe

Thủy quái có thật? - Kỳ cuối: Chờ tiến bộ khoa học

TTO - Đến nay phe tin thủy quái chưa đưa ra được căn cứ thuyết phục về sự tồn tại của chúng, còn phe hoài nghi cũng không thể chứng minh lập luận của mình.

Xác con vật được cho là loài Pleisiosaur tình cờ mắc lưới tàu cá Nhật

Cũng vì vậy mà thủy quái có thật hay không vẫn là "bài toán khó" chưa có lời giải.

"Thủy quái" chỉ là ảo ảnh quang học?

Theo lập luận của phe hoài nghi (phần đông là những nhà khoa học), "thủy quái" chỉ là tin đồn của dân địa phương để thu hút du khách hiếu kỳ. 

Các nhà khoa học thuộc phe này cho rằng nếu là loài khủng long hay rắn khổng lồ thời tiền sử còn sót lại, không thể có một cá thể đơn lẻ nào lại có thể tồn tại hơn 65 triệu năm nay, muốn thế phải có một quần thể với số lượng đủ lớn để duy trì nòi giống. 

Hơn nữa nhiệt độ lạnh giá của các hồ nước (bình quân 5,5 độ C) không phải môi trường thích hợp cho loài Plesiosaur, được cho là loài máu lạnh chỉ sống được ở vùng nước nhiệt đới. 

Còn nếu nó là loài máu nóng thì số lượng cá ít ỏi trong các hồ này không đủ cung cấp cho nhu cầu ăn hàng ngày của nó.

Trong trường hợp Nessie, hồ Ness là một hồ "kín" không có đường thông ra biển, lối ra biển đã bị động đất khép lại từ 10.000 năm trước. Do đó, nếu Nessie là con vật từ biển bơi vào hồ, nó phải có tuổi đời ít nhất 100 thế kỷ, không có loài động vật nào có thể sống lâu đến thế.

Thủy quái có thật? - Kỳ cuối: Chờ tiến bộ khoa học - Ảnh 2.

Câu chuyện của dân đi biển về những loài rắn biển khồng lồ gây tai họa cho tàu thuyền trên các đại dương vẫn luôn là chủ đề hấp dẫn công chúng - Ảnh: Devian-Art

Họ cho rằng những tấm ảnh hay đoạn phim về Nessie và các con thủy quái ở hồ khác chỉ là những xoáy nước bất thường, thân cây trôi nổi, khí gas thoát lên đáy hồ, những cơn gió giật làm mặt nước nổi sóng, hoặc là ảo ảnh quang học do sự nhiễu động của lớp không khí trên mặt hồ, còn kết quả quét thủy âm lạ thường chỉ là dò phải những đàn cá lớn đang bơi lặn dưới hồ.

Nhiều loài tiền sử còn sống, không loại trừ khủng long

Những người tin vào sự tồn tại của thủy quái (có cả những nhà khoa học nghiêm túc) thì cho rằng đến nay vẫn có một số loài động vật thời tiền sử ngỡ đã tuyệt chủng vẫn còn duy trì nòi giống đến giờ như loài cá vây tay, sam, cá mập Greenland và một số loài khác. 

Một sự việc đáng chú ý khác là năm 2003, một người Scotland tên Gerald McSorley đã tình cờ tìm thấy ở vùng nước cạn của hồ Loch Ness một số mẩu xương hóa thạch khủng long. 

Giới khảo cổ đã xác định đây là xương của loài Plesiosaur, điều này càng củng cố niềm tin của phe tin Nessie là có thật.

Hơn nữa, trong một chuyến dò quét dưới đáy hồ Ness, máy quay phim dưới nước của Robert Rines đã cho thấy xác một con vật lớn không nhận dạng được đang bị phân hủy, trên xác có những giống sò và nấm chỉ sống ngoài biển, trong khi hồ Ness là hồ nước ngọt. 

Thủy quái có thật? - Kỳ cuối: Chờ tiến bộ khoa học - Ảnh 3.

Loài cá mập Greenland có thể sống tới 512 năm - Ảnh: The Verge

Phe ủng hộ lập luận rằng có thể có một đường ngầm thông ra biển dưới đáy hồ nên Nessie và đồng loại của nó có thể ra ngoài biển khơi trú ẩn khi người ta mở cuộc săn tìm và trở vào hồ khi mọi việc đã yên ả. 

Tương như trường hợp con thủy quái ở hồ Brosno (Nga), tuy là hồ nước ngọt nhưng lại có những loài cá chỉ sống ở nước mặn nên dư luận cho rằng do đáy hồ có một hệ thống hang động ngầm, có thể có đường thông ra biển nên con Brosnya có thể ra vào một cách dễ dàng.

Họ cho rằng loài khủng long đã tồn tại suốt 200 triệu năm trước khi bị tuyệt chủng do thiên thạch rơi xuống Trái đất 65 triệu năm trước, trải qua nhiều thời kỳ biến đổi khí hậu cực kỳ khắc nghiệt, chúng vẫn sinh sôi và phát triển khắp các châu lục, chứng tỏ khả năng thích nghi tuyệt vời và sức sinh tồn cực kỳ mạnh mẽ. 

Chỉ mới khảo sát được 5% đáy biển

Thủy quái có thật? - Kỳ cuối: Chờ tiến bộ khoa học - Ảnh 4.

Còn đến 95% đáy biển mà con người chưa thể khám phá - Ảnh: Kids Ahead

Có giả thuyết rất táo bạo, cho rằng khủng long có cơ chế trao đổi chất rất đặc biệt nên chúng có thể sống rất lâu hoặc "ngủ đông" trong thời gian cực lâu. 

Hơn nữa, khoa học đã biết loài rùa hiện nay có thể sống đến hơn 500 năm, thì có thể khủng long có khả năng sống lâu hơn rùa nhiều lần.

Còn đối với loài rắn biển khổng lồ, đáy dại dương là nơi trú ẩn an toàn nhất trong các thời kỳ biến đổi khí hậu khắc nghiệt nhất. 

Trong vụ thiên thạch rơi xuống Trái đất thời tiền sử, có đến 75% loài động vật trên cạn bị tuyệt chủng, nhưng phần lớn sự sống dưới đại dương vẫn tồn tại được nhờ lớp nước dày che chở. 

Với kích thước khổng lồ của loài rắn biển, hầu như không có loài cá săn mồi nào, dù to lớn và hung dữ nhất, lại dám bạo gan tấn công chúng, nên chúng có thể sống an toàn dưới đáy biển sâu và sinh con đẻ cái để duy trì nòi giống cho đến giờ.

Họ lập luận rằng dù khoa học đã có những bước tiến vượt bậc trong thế kỷ 21, nhưng con người chỉ mới khảo sát được 5% diện tích đáy biển toàn thế giới. 

Thủy quái có thật? - Kỳ cuối: Chờ tiến bộ khoa học - Ảnh 5.

Một trong những loài cá lạ mà cả cộng đồng Twitter không nhận dạng được - Ảnh: ScienceAlerts

Đại dương sâu thẳm là nơi chứa những bí ẩn của thiên nhiên con người chưa biết đến, có nhiều loại động thực vật lạ mà khoa học chỉ mới biết đến sự tồn tại của chúng gần đây. 

Có thể Nessie và những con thủy quái đã đề cập ở các bài trước là những loài động vật mà con người chưa biết đến.

Vì vậy có lẽ phải khá lâu nữa, với những tiến bộ mới trong kỹ thuật dò quét nghiên cứu đáy sâu và robot thám hiểm dưới nước, người ta mới có câu trả lời chính xác: thủy quái có thật hay chỉ là huyền thoại?

Mới đây, Roman Fedortsov - một ngư dân chuyên đánh cá đáy sâu người Nga, đăng lên Twitter ảnh chụp các loài động vật biển sống dưới đáy sâu tình cờ lọt vào lưới của anh.

Nhiều tờ báo khoa học nước ngoài đã nhanh nhạy chia sẻ những hình ảnh này và thu hút rất nhiều quan tâm của bạn đọc trong và ngoài cộng đồng khoa học.

Có những loài cá cực hiếm, đến nay giới nghiên cứu thủy sinh vật mới chỉ tìm thấy một vài con. Đặc biệt là có một số loài mà cộng đồng người dùng Twitter cũng không thể nhận dạng được là loài gì.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,250,610       864