Sống khỏe

Đi đâu cho hết 3 ngày Tết ở Sài Gòn?

TTO - "Đi đâu cho hết 3 ngày Tết" là câu hỏi mà mọi người vẫn thường đặt ra cho những ai ăn Tết tại Sài Gòn. Dưới đây là một số gợi ý cho bạn.

Đi đâu cho hết 3 ngày Tết ở Sài Gòn? - Ảnh 1.

Du xuân bằng buýt đường sông là điểm mới cho người dân ăn tết tại Sài Gòn năm nay - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ba năm rồi gia đình anh Hữu Chiến (33 tuổi, Q. Thủ Đức) chưa về quê tại tỉnh Quảng Trị ăn tết. Có hai con sinh đôi còn nhỏ, kinh tế lại càng thêm khó khăn, nên thay vì gia đình 4 người về quê, anh đưa mẹ vào ăn tết cùng.

"Cũng chỉ còn mỗi mẹ, mấy anh em ‘chia’ mẹ ra ăn tết cùng vậy. Mấy năm nay cũng chỉ đi loay quanh Sài Gòn cho xong mấy ngày tết. Năm nay có mẹ vô nên tôi muốn tìm các địa điểm nào cho mẹ biết tết Sài Gòn mà gia đình mình cũng hưởng chút không khí đủ đầy ra sao"- anh Chiến nói.  

Du xuân với tuyến buýt sông Sài Gòn

Năm nay ở TP.HCM ngoài các sự kiện truyền thống như đường hoa Nguyễn Huệ, đường hoa Phú Mỹ Hưng, Hội hoa Xuân, Lễ hội sách... còn có một số điểm mới,nbn là du lịch đường sông đang phát triển. 

Một số nhà đầu tư đã có du thuyền đưa du khách đi tham quan, từ Bến Bạch Đằng đi các nơi như Củ Chi, Cần Giờ... Hoặc tuyến buýt sông cũng mới được đưa vào khai thác, rất thú vị có thể đi tham quan nhà vườn, cây cảnh ở các khu vực như Q.9, Thanh Đa, Linh Đông…

Đường hoa Nguyễn Huệ

Theo thông tin từ ban tổ chức đường hoa Nguyễn Huệ, đường hoa năm nay sẽ phục vụ 7 ngày từ tối 13-2 (28 tháng Chạp) đến tối 19-2 (mùng 4 Tết). Dịp tết này cũng trùng với ngày Lễ tình nhân 14-2 (29 tháng Chạp) nên trong đường hoa sẽ có cụm hình ảnh đôi bạn chó tình nhân hạnh phúc được sắp xếp, cắt tỉa khéo léo từ những loại cây và hoa nhiều sắc màu. 

Các bạn trẻ đến du xuân, dù đang có đôi có cặp hay vẫn đang đợi "nửa yêu thương" cũng đừng quên chọn tiểu cảnh đáng yêu này cho bộ sưu tập hình ảnh "check-in" đường hoa của mình.

Không gian đường hoa sẽ có những giai điệu nhẹ nhàng từ các chiếc chuông gió được thiết kế tinh tế bằng những thanh tre sắp xếp xen kẽ trên nền hoa. Ban đêm, hệ thống đèn bên trong thân tre sẽ khiến những chiếc chuông gió trở nên lung linh, huyền ảo càng làm không khí thêm lãng mạn.

Hiệp hội Du lịch cùng với Sở Du lịch thành phố phát động chương trình Du xuân phương Nam, Du xuân Sài Gòn. Các điểm có thể du xuân phương Nam không chỉ Sài Gòn mà còn các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Vũng Tàu và các tỉnh miền Tây.

Tới thời điểm mùng 5 Tết, hầu hết các sự kiện dịp Tết đều kết thúc để mọi người chuẩn bị trở lại làm việc bình thường. Nhưng không khí Tết vẫn còn rất rộn ràng, nhộn nhịp kéo dài đến tận Rằm tháng Giêng, và đặc biệt những người sau khi về quê ăn Tết vẫn có thể hưởng không khí Tết Sài Gòn khi quay lại như vào các khu du lịch, mua sắm, ẩm thực tại trung tâm Sài Gòn, các điểm vui chơi giải trí như Đầm Sen, Suối Tiên… vẫn hoạt động phục vụ.

Khu du lịch Đầm Sen hoạt động xuyên suốt từ 30 tháng Chạp đến hết mùng 10 tết, với đường hoa nhiều màu sắc có các hiệu ứng ánh sáng vào ban đêm. 

Hoạt động biểu diễn bay khí cầu Airship sẽ diễn ra 3 lần/ngày, từ mùng 1 tết đến mùng 5 tết. Sau giờ biểu diễn, Airship được đặt tại quảng trường La Mã để du khách chụp hình.

Đặc biệt, "ngày hội cún cưng" diễn ra từ 10h-17h mùng 10 tết sẽ có các hoạt động sân chơi cho những chú cún kết hợp biểu diễn xiếc chó. Bạn trẻ là chủ nhân các cún cưng khi đi vào công viên sẽ được khuyến mãi miễn vé cổng hoặc giảm 50% vé trọn gói (1 cún cưng chỉ được sáp dụng ưu đãi cho 1 chủ nhân đi kèm). Tham gia ngày hội, chủ nhân và cún cưng sẽ được giao lưu, chụp ảnh cùng chú Chó Rôbôt khổng lồ, biểu tượng năm Mậu Tuất.

Một địa điểm khá thú vị thu hút không chỉ các bạn trẻ mà người dân các vùng lân cận đến chơi trong thời gian gần đây là khu nhạc nước Kenton Node (huyện Nhà Bè). Bắt đầu từ 8h30, con đường ánh sáng với các hoạt động giải trí biểu diễn đường phố, khu ẩm thực… và điểm nhấn chính là chương trình nhạc nước kéo dài trong 30 phút.

Xa hơn nữa, các bạn trẻ cũng thường đi các khu du lịch sinh thái nhà vườn ở Q.9, Củ Chi, Cần Giờ, hoặc các tỉnh lân cận đi về trong ngày như Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu…

Chụp ảnh "tết tình yêu"

Những ngày giáp tết này, Sài Gòn luôn nhộn nhịp, nhiều địa điểm chụp ảnh "check-in" không khí tết đang được các bạn trẻ tại TP.HCM chia sẻ ngập tràn trên mạng xã hội. Từ các trung tâm thương mại, khu vui chơi được trang hoàng lộng lẫy đến các không gian cổ xưa, độc lạ…

Đi đâu cho hết 3 ngày Tết ở Sài Gòn? - Ảnh 2.

Các bạn trẻ đi chơi Tết tại phố ông đồ (Quận 1)- Ảnh: QUANG ĐỊNH

Những ngày này, tại phố ông đồ (Nhà văn hóa Thanh Niên, Q.1) luôn có rất đông bạn trẻ đến chụp ảnh với mai, đào, bao lì xì, thư pháp. Nhiều bạn cũng đến xin chữ với hy vọng năm mới nhiều niềm vui, may mắn. 

Anh Thư (sinh viên năm 3, ĐH Kinh tế TP.HCM) cho biết: "Trường mình ở gần đây nên năm nào vào dịp này mình cũng ghé qua để chụp ảnh với bạn bè. Mình thích những nơi ngập tràn màu vàng, màu hồng của hoa mai, hoa đào như thế này, nhìn thôi cũng thấy nôn nao rồi".

Trong khi đó, bạn Thanh Thúy (làm công nhân, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) bật mí: "Mỗi năm mình đều sắm áo quần đẹp để ra khu trung tâm chụp ảnh đăng facebook, zalo rồi mới về quê. Năm nay, mẹ mình lên chơi nên mình sắm đồ cho mẹ rồi rủ đi cùng luôn". Các trung tâm thương mại cũng được nhiều bạn trẻ lựa chọn chụp ảnh vì thường được trang hoàng lộng lẫy cả bên trong lẫn mặt ngoài.

Ngược lại với xu hướng tìm tới các khu trung tâm nhộn nhịp, nhiều bạn trẻ chọn chụp ảnh ở những địa điểm "độc, lạ" như các đền thờ, đình, lăng, chợ. Một số địa điểm phổ biến tại TP.HCM được cộng đồng chụp ảnh chia sẻ khi chụp tết như Lăng ông bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), đình, chùa người Hoa (khu vực Q.5), chợ Bình Tây, chợ hoa Hồ Thị Kỷ, đường Hải Thượng Lãn Ông… 

Trung Tân (sinh viên ĐH Công nghệ TP.HCM) cho biết: "Ảnh chụp ở những địa điểm này sẽ đẹp và có chiều sâu, mang màu sắc hơi buồn buồn một tí. Mẫu chụp cũng không phải chờ đợi nhiều vì không đông người".

Theo kinh nghiệm từ nhiều bạn trẻ yêu thích chụp ảnh, để có bộ ảnh "độc, lạ", người chụp lẫn mẫu chụp cần phải lưu ý một vài nguyên tắc như: Ở những nơi đông người tránh chen lấn, xô đẩy hay cố tình lấn vào các khu vực không được cho phép vì dễ gây hỏng các công trình, các cụm tiểu cảnh.

Riêng với các khu vực đền chùa, trước khi chụp phải hỏi ý kiến người quản lý để biết khu vực nào được chụp, khu vực nào không được và phải có sự chủ động chuẩn bị cành mai, cành đào cũng như các đạo cụ phù hợp (vì thường những địa điểm này không được trang trí nhiều). Khi chụp ảnh, cần tinh tế, tránh ồn ào hay bật flash liên tục làm ảnh hưởng đến nơi tôn nghiêm.

6 ám ảnh thâm căn cố đế của con gái mùa Tết 6 ám ảnh thâm căn cố đế của con gái mùa Tết Bạn trẻ khéo tay trang trí "tài", "lộc" cho dưa hấu tết Bạn trẻ khéo tay trang trí 'tài', 'lộc' cho dưa hấu tết Khám phá nơi chụp ảnh Tết tuyệt đẹp ở Sài Gòn Khám phá nơi chụp ảnh Tết tuyệt đẹp ở Sài Gòn
     
Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,250,450       821