Rốt cuộc cũng tìm được chút thời gian để gặp nhau. Gặp nhau là chúc nhau, và cũng để chúc nhau thật nhiều thứ vào ngày cận kề năm mới, song nhất định phải chúc phúc.
Sẽ là khiếm nhã nếu đường đột hỏi ngược lại để biết thế nào là phúc và cách hiểu về hạnh phúc của mọi người có giống nhau không. Trúng lô đề, sinh con đầu, giật giải cầu lông ở phường, được thừa kế ba cái nhà mặt tiền quận 1, mua được mớ tôm tươi - cái gì là hạnh phúc thực sự và đối với ai? Nhân thể cũng phải bàn thêm: Có học được cách trở nên hạnh phúc không, và làm sao để chế ngự bất hạnh?
Có một ngành khoa học nghiên cứu hạnh phúc
Nhìn chung là đi tìm các điều kiện để con người thấy mình hạnh phúc. Xuất xứ ở những nước phú quý hồi thập kỷ 1980, môn khoa học xã hội này hay bị lắc đầu chê cười là việc của lũ no cơm rực ruột, song nó hoàn toàn có ý nghĩa nhân văn và góp phần bày cho con người tối ưu hóa cái sản phẩm vốn hiếm hoi tên là hạnh phúc - hiếm hoi vì ít ai cho là mình không có đủ, thêm bao nhiêu cũng chẳng thừa.
Nhưng trước khi đo đếm được sự ít - nhiều thì phải thống nhất về định nghĩa, thế nào là hạnh phúc. Hầu như trong ngôn ngữ nào cũng có sự kết dính giữa “hạnh phúc” và “may mắn”, đôi khi người ta dùng một chữ cho cả hai nghĩa.
Người Mỹ chẳng hạn, họ phân biệt rõ “luck” ám chỉ cái hạnh phúc tình cờ, cái may mắn ngẫu nhiên, như thể đi siêu thị mua được xô bột giặt nửa giá vì người ta sắp đóng cửa kiểm kê. Còn “happiness” có hàm ý bao la hơn, nhỏ thì vừa xin được chữ ký của thần tượng bolero vẫn ao ước xưa nay, lớn thì được người yêu chấp nhận lời cầu hôn. Cả khi “luck” có tác động đến “happiness” thì nó cũng không nằm trong trọng tâm của ngành nghiên cứu hạnh phúc. Vậy ở đây ta chỉ bàn đến cái đại phúc, niềm hạnh phúc của đời người.
Những nghiên cứu đầu tiên về hạnh phúc của con người, không có gì lạ, đều do các triết gia tiến hành. Aristotle (384-322 trước Công nguyên) được coi là người nêu ra định nghĩa sớm nhất: Mỗi sinh vật có một sứ mệnh, phụ thuộc vào khả năng và cơ hội của nó. Do con người có trí khôn, nên cuộc sống hạnh phúc của con người là kiến tạo và sử dụng các khả năng và cơ hội.
Vậy thì theo Aristotle, đó không phải là một cảm xúc chủ quan như chúng ta hiểu hôm nay, mà là sự thỏa mãn khách quan các đòi hỏi của trí lực bẩm sinh?
Như đã nói, ngành nghiên cứu xã hội học về hạnh phúc hôm nay đóng một vai trò nặng ký, vì nó mang ý nghĩa toàn cầu. Đừng nghĩ đơn giản các nước có GDP cao là hạnh phúc, và cũng không chỉ ở những nước nghèo đói là lắm người bất hạnh. Ngoài yếu tố cơm ăn áo mặc, còn vô số tác nhân tạo ra hạnh phúc.
Michael Argyle (1925-2002), người Anh, là tác giả đầu tiên của một bộ câu hỏi kinh điển nhằm xác định tình trạng hạnh phúc, trong đó quan trọng nhất là nhận thức “nghiên cứu hạnh phúc không có tiền đề lý thuyết”: Ông chủ trương làm thí nghiệm và quan sát các biểu hiện, sau đó mới đúc kết thành kinh nghiệm và cô đọng thành lý thuyết.
Các học trò của ông lấy đó làm xuất phát điểm, đưa đến cái gọi là “kinh tế học hạnh phúc (happiness economics)”. “Té ra sự phấn đấu vươn tới hạnh phúc cũng có động cơ kinh tế! Mặt trái của hưởng thụ vật chất là những bức xúc sinh ra trong quá trình kiếm ra tiền để hưởng thụ” - giáo sư kinh tế học người Thụy Sĩ Mathias Binswanger nói, gọi đó là “vòng luẩn quẩn”, và khuyến cáo con người phải tự giải phóng mình khỏi lòng tham vô đáy, bằng cách học tạo ra sự cân bằng giữa làm việc và hưởng thụ (work-life-balance).
Giờ thì ta đã hơi quá đà trong khi đào bới các lý thuyết. Tờ giấy nào cũng có hai mặt, một trang làm chẳng nên tờ. Có hạnh phúc thì phải có bất hạnh. Xin kể một chuyện có thật, có thể xảy ra với bất cứ ai.
“Hạnh phúc 1” và “Hạnh phúc 2” Nhà xã hội học người Đức Gerhard Schulze đúc kết ở tuổi 70 ra hai dạng hạnh phúc: “Hạnh phúc 1” là thoát được mọi đau khổ và thiếu thốn, nôm na là an khang và rủng rỉnh. Quan điểm phổ quát này đã có từ thời các đại triết gia Epicurus (Hi Lạp) và Schopenhauer (Tây Phổ). “Hạnh phúc 2” là cuộc sống tươi đẹp được xây trên cái nền là “Hạnh phúc 1”. Nói cách khác, “Hạnh phúc 1” mới chỉ là phương tiện để vươn tới hạnh phúc hoàn hảo, người ta hoàn toàn có thể nói bằng chữ của Gerhard Schulze: “Sống để làm gì, nếu chẳng để sống hạnh phúc?”. |
Có thể cải hóa bất hạnh?
Mo Gawdat phải chịu một đòn số phận nặng nề, nhưng không tuyệt vọng. Viên kỹ sư gốc Ai Cập là phó giám đốc chương trình phát triển ý tưởng mới của Google. Sau nhiều năm nghiên cứu chủ đề này, Gawdat lập ra một công thức dạy người ta học cách trở nên hạnh phúc. Năm 2017 ông xuất bản cuốn Solve for Happy: Engineer Your Path to Joy (tạm dịch: Giải pháp hạnh phúc: Hãy tạo cho mình đường đến niềm vui)
SPIEGEL ONLINE: Thưa ông Gawdat, ông đã viết một cuốn sách về hạnh phúc. Phải chăng lúc nào ông cũng hạnh phúc?
Gawdat: Không có người nào luôn luôn hạnh phúc. Tôi không phải là vị thánh hay một sư tổ. Tôi chỉ hứa: Nếu bạn bất hạnh, sẽ có một cách để bạn hạnh phúc trở lại. Người ta có thể quy hoạch hạnh phúc.
Ông định nghĩa thế nào là hạnh phúc?
Trước tiên phải thống nhất là ta không nói đến những dịp hội hè hay nghỉ phép - đó là những cuộc vui. Tôi đã thảo ra một danh mục dài, gồm các khoảnh khắc và tình thế mà tôi thấy hạnh phúc hoặc bất hạnh, tôi cũng bổ sung thông số của người khác nữa. Kết quả là một phương trình phổ quát: Hạnh phúc là sự khác biệt giữa các sự kiện trong đời bạn với ước nguyện và kỳ vọng của bạn, mong muốn cuộc sống của mình nên như thế nào.
Khi các sự kiện không diễn ra như bạn mong đợi, bộ não của bạn sẽ lo lắng và phát ra một cảm xúc tiêu cực - mếch lòng, tội lỗi, xấu hổ, sợ hãi... Nhưng nếu mọi chuyện diễn ra đúng kế hoạch thì não bạn sẽ làm một việc rất đáng chú ý: nó câm miệng. Nó im re. Và đó chính là tâm thức mà tôi gọi là hạnh phúc. Là khi bạn cảm thấy cuộc sống rất ổn như hiện tại. Và ta phải tìm cách quay về tình trạng cơ bản đó, như khi tất cả chúng ta mới sinh ra.
Tức là, với thời gian trôi đi, chúng ta đã quên mất khả năng hạnh phúc?
Hoàn toàn chính xác. Người ta luôn được nghe, phải làm những việc này và phải mua sắm những thứ kia để được hạnh phúc. Nghiên cứu của tôi đã chỉ ra điều ngược lại. Việc duy nhất mà ta phải làm để đạt được hạnh phúc là ngừng bất hạnh ngay lập tức. Cái gì còn lại sau đó, chính là hạnh phúc. Hạnh phúc không phải một mặt hàng mà ta có thể bỏ tiền ra mua, mà nó nằm sẵn trong ta rồi.
Nhưng làm sao ta có thể ngừng bất hạnh được? Ta phải giảm mọi kỳ vọng đi chăng?
Đó cũng là một giải pháp. Khi ta có những mong đợi thấp hoặc sát thực tế hơn, rất có thể ta sẽ dễ hài lòng hơn. Nhưng ý tôi khác: bạn nên có những mong đợi và đòi hỏi cao nhất! Vấn đề chỉ là: ta sẽ xử lý ra sao, khi những mong đợi và đòi hỏi ấy không được thỏa mãn? Chuyện không dễ.
Xin đơn cử một ví dụ trong cuộc đời tôi: Trước đây ba năm tôi mất đứa con trai. Nó mới 21 tuổi, và chết do lỗi của bác sĩ trong một vụ cắt ruột thừa rất đơn giản. Tôi từng có kế hoạch lớn cho nó và mong cuộc đời mở rộng vòng tay đón nó. Thế mà nó đi. Sự khác biệt giữa mong đợi và thực tế thật khủng khiếp.
Tôi buộc phải tự hỏi: Làm gì bây giờ?... Tôi quyết định sẽ không gục ngã. Sự thực là con tôi sẽ không bao giờ quay trở về nữa. Tôi nằm thượt ra và than khóc cũng không thay đổi được gì. Tôi quyết định sẽ chủ động đón lấy nỗi đau, tôi gọi đó là “chính thức chấp nhận”. Tôi có thể chấp nhận số mệnh không?
Ông nói là ông đã ra quyết định. Nghe rất duy lý. Có thể nhồi hạnh phúc vào một công thức toán học không?
Chắc chắn là được. Thoạt tiên ta phải hiểu là thế giới sẽ không cho ta cái gì khiến ta hạnh phúc hay bất hạnh. Vấn đề là cách ta xử lý những gì thế giới cho ta.
Hạnh phúc hay sự hài lòng cũng giống sức khỏe. Mỗi tuần ta đi tập gym năm lần, thì ta sẽ khỏe khoắn hơn. Đó là điều có thể đoán trước được. Nếu ta muốn trở nên hạnh phúc, ta phải xếp nó vào hàng ưu tiên trong cuộc đời ta và bỏ công sức để đạt được nó. Để hạnh phúc, ta phải đồ mồ hôi, phải rèn luyện.
Có nghĩa là, ai bất hạnh, người đó không rèn luyện đến nơi đến chốn?
Đó là cả một quá trình. Lúc qua ngưỡng 30, tôi thấy kiệt quệ, mặc dù nhìn bên ngoài thì tôi không thiếu gì cả. Tôi bắt đầu nghiên cứu về hạnh phúc. Tôi rèn luyện. Hôm nay tôi đạt đẳng cấp là chỉ cần bảy phút để từ tình trạng bất hạnh tiến đến tình trạng hạnh phúc. Nhưng tôi đã mất nhiều năm tập luyện để được như thế. Tôi hi vọng cuốn sách của tôi sẽ hướng dẫn từng bước một cho mọi người nhanh chóng đạt được hạnh phúc hơn.
Công thức hạnh phúc của tôi là nhấn mạnh vào 6 Ảo Tưởng Lớn gây náo loạn như Cái Tôi, Chế Ngự hay Sợ Hãi chẳng hạn, chúng làm nhiễu loạn Phương Trình Hạnh Phúc. 7 Điểm Mù ảnh hưởng xấu đến cuộc sống thực tế, và bức tranh méo mó sẽ làm ta bất hạnh. Còn Tình Yêu hay Cái Chết, đó là những điểm bám của ta.
Ông có thể cho một ví dụ?
Ta lấy ví dụ là Cái Tôi. Nếu tôi nghĩ là một chiếc Mercedes sẽ làm tôi hạnh phúc thì đó là ảo tưởng. Vì chiếc xe không phải là chiếc xe, mà là biểu tượng thể hiện cá nhân tôi. Tôi muốn người ta nhìn thấy tôi trong đó. Nó là Cái Tôi. Ấy thế rồi tôi thấy một người khác có máy bay riêng - và tôi lại thấy mình kém cỏi. Cứ thế thì tôi sẽ không bao giờ tìm thấy hạnh phúc.
Nhưng một khi tôi ngộ ra là tôi chỉ muốn có chiếc ôtô vì Cái Tôi của tôi cần nó, thì đó là bước đầu tiên. Đó là khởi đầu để ta tiến bước, thay vì đi mua một chiếc ôtô đắt tiền mà thực ra chẳng ai cần. Từ đó trở đi, ngày càng nhiều dịp ta cảm nhận được hạnh phúc hay thỏa mãn.
Như vậy hạnh phúc liên quan nhiều đến việc ta suy ngẫm về chính mình?
Nhất định. Hành trình đến với hạnh phúc bắt đầu trong đầu ta, nhưng sẽ chấm dứt ở các cảm xúc của ta. Bạn hãy học cách nhận diện các cảm xúc một cách có ý thức. Chỉ như thế thì bạn mới sắp xếp được cuộc sống để nó khiến bạn hạnh phúc. Hạnh phúc là một quyết định.■