TTX - Nhà dì Út có hai người con, cô chị là Thùy Trang, cô em là Bích Trang. Mỗi cô có một con và đều là con gái. Một ngày giáp Tết Mỹ, ngày hiếm hoi Houston có tuyết rơi, tôi hẹn gặp được cả ba bà cháu và trò chuyện về Tết.
Mâm cúng giao thừa ở Houston - Ảnh: NVCC
Dì đi thì cái xác ở đây, mà cái đầu dì còn ở bển. Cho nên lúc nào cũng vậy hết, mới qua cũng vậy, bây giờ cũng vậy. Mỗi lần nấu nướng cúng kiếng vậy là dì nhớ nhà lắm, nhớ bển dữ lắm!…
Dì Út
Tiffany Nguyễn, 15 tuổi, lớp 9, con gái của Bích Trang:
Con nhớ Tết nào nhất? - Con nhớ Tết năm ngoái, gia đình mình tụ lại, xong rồi ăn, rồi lì xì, rồi chúc Tết. Mấy năm trước thì sao? - Y chang vậy!
Con thấy Tết mình với Tết Mỹ khác nhau ra sao? - Tết mình thì mừng tuổi người lớn chúc người nhỏ, còn Tết Mỹ thì ăn chơi vui năm mới thôi!
Tết đến con phải làm gì? - Con giúp mẹ nấu đồ ăn, làm đồ cúng. Con có nhớ món ăn gì dịp Tết? - Con nhớ bánh tét, bánh chưng, thịt kho. Mỗi lần Tết, mẹ bày cho con khấn lúc giao thừa, năm tới con muốn sao thì con khấn vậy. Năm rồi, con chúc Tết em Kiến Nam (con của cậu), con thấy con lớn lên, giờ con biết coi nó, rồi em cũng lớn lên theo con luôn!
Con thấy không khí Tết Mỹ với Tết Việt cái nào vui hơn? - Con thấy hai Tết cũng bằng nhau, vì Tết nào con cũng gặp nguyên gia đình mình giống vậy. Tết Việt Nam mình ra ngoài chơi, chụp hình, đi chùa. Tết Mỹ chỉ có ở nhà cậu, có mấy phút countdown, cheer, rồi xong. Mấy đứa bạn Mỹ con cũng vậy.
Cho con chọn, con thích Tết nào? - Con nghĩ con thích Tết Việt hơn vì con được đi chùa, con được cúng, được cầu khấn, rồi học coi mẹ làm ra sao, để lúc con lớn lên được làm y chang mẹ. Thích nấu đồ ăn với mẹ, rồi cả nhà ăn vậy đó. Con thấy cũng mệt mà cũng vui.
Hai chị em Tiffany và Michelle đi chùa Tết năm 2008 - Ảnh: NVCC
Tết Việt Nam nhiều phần thiệt, nhưng mỗi phần có cái vui của nó. Mình mất công nhưng được lợi như vui vẻ, được phước lành
Michelle Cao
Michelle Cao, 16 tuổi, con gái của Thùy Trang:
Con biết Tết 16 lần rồi! Tết Việt Nam có mấy phong tục mà người Mỹ không có như cúng ông bà, đưa đón ông Táo. Tết Mỹ ăn party, coi quả cầu countdown ở Times Square rơi xuống thôi, không có gì đặc biệt lắm.
Tết Việt Nam có nhiều hoạt động, đi chùa, mặc đồ đẹp, không phải một ngày, mà là cả một tháng Tết. Tết Mỹ con thấy có Thanksgiving (lễ Tạ ơn), với New Year Eve (đêm 31-12 dương lịch) hai cái vui bằng nhau, nhưng con thích đêm 31 hơn. Con nghĩ đa số bạn con cũng sẽ nói giống vậy.
Nhớ tới Tết Việt Nam, con nhớ những gì? - Bắt đầu Tết là đi chợ Tết, mua bánh trái, bông mai, bông vạn thọ, trang trí trong nhà, sau đó mặc áo dài đi chùa, chụp hình, làm bánh tét, cúng ông Táo, đón ông Táo, chúc Tết, cúng ông bà đất đai. Mẹ nói hết tháng giêng mới hết Tết lận.
Con nhớ Tết nào nhất? - Tết nào con cũng nhớ, vì nó giống nhau. Như năm ngoái mình đi chùa, xong rồi về nhà cúng, sau đó ăn cơm chung, lì xì, trao nhau mấy lời chúc.
Mấy lời khấn vái bà ngoại chỉ cho con, mỗi câu thì con không nhớ lắm, nhưng nói chung mỗi năm con luôn luôn khấn cho gia đình mạnh khỏe, cho con với mấy em học được, làm ăn được, mấy cái đơn giản vậy đó!
Con có thích về Việt Nam ăn Tết không? - Ồ có chớ! Con nghe nói Tết Việt Nam vui lắm, có hội chợ, có ca nhạc. Ở Việt Nam không khí Tết vòng vòng quanh mình, còn ở đây chỉ có tại hội chợ đó thôi. Vì tới Tết nó đến mình cảm thấy vui cả tháng, như Noel ở đây vậy, có ca nhạc, có đèn trang trí...
Tác giả qua nét cọ của Thế Thông
Nguyễn Tri Phương Đông Họa sĩ thiết kế truyền thông, gốc Huế. Làm việc và giảng dạy thiết kế tại TP.HCM, từng đoạt 6 giải thưởng thiết kế quốc tế và Hoa Kỳ 2014, 2015. Hiện định cư và làm việc tại Houston, bang Texas, Mỹ.
Dì Út, bà ngoại của hai cháu:
Tết trên miền bắc không vui bằng (trước đây dì Út ở bang Connecticut, miền đông bắc Mỹ, sau dọn xuống Texas, phía nam) vì ở trển ít người Việt Nam, đi chợ mới thấy. Dưới đây Tết vui hơn, vì biết bao nhiêu người Việt Nam ở đây.
Người mình nhiều, lễ lộc, cửa hàng, bông hoa, trái cây, thịt cá, bánh tét bánh chưng đủ thứ. Ai cũng đi chợ nên nôn mua hơn, y như bên Việt Nam mình. Người Việt Nam đông, cảm thấy nhớ nhà nhớ quê hương, ăn như vậy, làm như vậy để coi như đang ở Việt Nam, bớt đi không khí lạc lõng ở xứ người.
Là làm lệ bộ cho con cháu nó biết và nhớ thế nào là tết lệ bộ, nhớ cúng kiếng ra sao, trưng bày như thế nào, dạy nó khấn đêm giao thừa, cho nó hiểu biết với chị em anh em… Hai ba đưa ông Táo về trời, chiều ba mươi rước ông bà, giao thừa cúng trời đất thần linh, cúng mùng một, rồi ba ngày Tết cúng ông bà mỗi bữa. Mùng ba cúng gà sớm, đưa ông bà đi hừng đông là phải hoàn tất.
Dì Út
Dì ở đây từ chín ba (1993) tới giờ, thích Tết dưới Houston này hơn, xuống đây mới là vui. Tết đây năm nào cũng gói bánh, chẳng những cho nhà này mà gói hết cho mấy nhà luôn. Gói bánh nè nha, kho thịt nè nha, rồi làm dưa chua nè nghe! Phải chuẩn bị bông hoa, nhà cửa làm đủ thứ như bên bển quê mình.
Mỗi Tết dì gói nhiều bánh không? - Gói mười mấy đòn á, có chay có mặn hai thứ luôn. Tính ra là người ít bánh nhiều.
Sao làm nhiều dữ vậy? - Phải làm nhiều cho con cháu nó vui. Nó là Tết mà. Đâu có năm nào quên được. Bịnh muốn chết cũng phải ráng làm. Nó vui chớ! Mua thì cũng được, nhưng mà mình mua thì không có gì nhớ Tết mấy. Làm để nhớ Tết ông bà quê hương cha mẹ của mình, để bớt nhớ phần nào đó.
Dì dượng làm vậy chắc cũng mệt ạ? - Mệt muốn chết luôn, có khi bịnh đó! Dì dượng thức khuya mà dậy sớm, làm gần chết luôn, làm y như ở bển. Nhưng mà vui, con cháu vui đó, mấy đứa tụi nó riết rồi cũng rành chuyện biết chuyện.
Lúc dì dượng còn đi làm, ăn Tết có đủ lệ bộ vậy không? - Ăn Tết cũng y chang! Phải thu xếp làm, ban đêm cũng làm, phải đúng y vậy. Bận rộn cũng vẫn làm, không có bỏ. Tại quen rồi, nếu mình bỏ đi thì cảm thấy buồn lắm, như mình mất mát một cái gì đó.
Ở đây mà không có Tết thì không có gì vui hết. Bởi vậy, có đau cũng ráng làm cho đủ. Lo cắm bông hoa, trái cây, nhất hạng là làm dưa muối, làm bánh tét vậy đó. Cũng đâu có ăn gì bao nhiêu đâu. Nhưng mà vui. Nhà nào cũng vậy. Cũng phải cúng kiếng đàng hoàng đầy đủ!
Như con Nghi (Michelle Cao) cũng phải khấn vái bằng tiếng Việt. Chị em nó phải rành tiếng Việt. Để nói chuyện với ông bà nè, với cha mẹ, rồi khi về Việt Nam mình cũng phải biết để tiếp chuyện, hầu chuyện với ông bà cô bác người ta mới thương. Chứ đừng có nói qua bên đây, đến khi về bển không biết gì, chuyện đó là không được.
Chẳng thà không có mình, không có ông bà cha mẹ, không có biết tiếng Việt, không dạy được thì không nói gì. Đằng này mình là ông bà của nó, tiếng Việt rành rẽ thì phải dạy cho nó biết. Mà những gì mình làm hằng năm, hằng ngày là cách dạy chúng nó. Để nó phải nhớ đến nguồn cội của nó.
Dì Út
- 24 cái Tết ở Mỹ rồi, dì nhớ Tết nào nhất? - 24 cái Tết Việt chớ! Năm nào cũng vậy hà. Dì đi thì cái xác ở đây, mà cái đầu dì còn ở bển. Cho nên lúc nào cũng vậy hết, mới qua cũng vậy, bây giờ cũng vậy. Mỗi lần nấu nướng cúng kiếng vậy là dì nhớ nhà lắm, nhớ bển dữ lắm!…
- Nhớ Tết, rồi dì còn nhớ gì nữa? - Nhớ quê hương. Quanh năm lúc nào cũng nhớ.
Nói rồi dì bùi ngùi một thôi một hồi...