TTO - 'Đi diễn với bà con thì vui lắm nhưng mệt hơn ngày xưa. Vật nhau chụp ảnh từ lúc xuống sân khấu cho đến lúc ra đến xe cô ạ', Xuân Hinh chia sẻ.
Xuân Hinh vừa về hưu năm nay, nhưng không 'hiu hắt', thậm chí nếu muốn "xô chậu" vẫn dư dả, chỉ là có sức mà làm không thôi.
Giờ là thời điểm "kẻ chọc cười dân dã" có thể chọn làm những thứ mình tâm đắc, vì vẫn tâm niệm phải cày cuốc để giả nợ tiền nhân.
Ngày xưa Tết rất đầm ấm. Người ở nhà chờ đợi, người xa cũng mong về. Giờ thì Tết đã phôi pha ít nhiều, nhưng với tôi cắt Tết đi là không được. Cả năm đi làm đâu có điều kiện gặp gỡ họ hàng đâu, tết phải về chứ. Thỉnh thoảng tôi lại bảo mấy "ông trẻ": "Tôi lạ gì các chú, trốn Tết để đỡ tốn kém, đỡ phải chào hỏi họ hàng chứ gì". Chả có gì thì vẫn phải về quê chứ. Người quê quanh năm lam lũ, mình về thêm bát thêm đũa họ cũng đâu suy nghĩ nhiều, cái mà người ta cần là tình cảm. Người ở thành phố về biết ý thì cũng biếu người ở quê đồng quà tấm bánh cho thơm thảo.
Xuân Hinh
Nghệ sĩ Xuân Hinh - Ảnh: NVCC
* Hôm trước tôi gọi điện thoại hỏi anh về hề Chèo, anh có nói bây giờ có bảo anh cũng không làm nữa. Anh nói thật hay đùa?
- Tôi nói vậy lúc nào nhỉ (cười)? Người nghệ sĩ của sân khấu dân tộc ăn lộc tiền nhân, phải trả nợ cho tiền nhân. Tôi là người được ăn lộc tiền nhân quá nhiều, nếu Giời cho sức khỏe còn phải giả nợ đầy, giả nợ đủ.
Những công trình, tác phẩm như Cu Sứt, Bói ông bói bà, Thầy bói đi chợ, Hề mồi, Hề gậy, Từ Thức gặp tiên, Mẹ Đốp, Thầy đồ dạy học, Vợ chồng thuyền chài, Vợ chồng chủ quán, Người ngựa ngựa người; hát Văn, hát Quan họ, hát Xẩm… là cách tôi dâng lên tiền nhân.
Tôi vẫn đắm đuối nhặt nhạnh những câu thơ, câu hát của các cụ để lại, sưu tầm, nghiên cứu, thể nghiệm và phát triển văn hóa dân tộc. Mình là người ăn lộc của các cụ nhiều, thì phải làm nhiều là đương nhiên.
Trong tâm hồn tôi chỉ muốn làm đẹp cho văn hóa dân tộc. Mình được tiền nhân phù hộ vì từ hề Chèo đến hát Xẩm, hát Văn, Quan họ, tôi đều làm hết mình.
Tôi yêu văn hóa dân tộc, nên mới quyết tâm đi học đại học về Chèo. Tôi quan niệm ông bà cho một sào ruộng, con cái phải làm ra một mẫu mới là con có hiếu. Chứ còn cứ gặm dần để ăn, bán dần đi thì là con cái bất hiếu. Mình phải biết chắt lọc tinh hoa từ các cụ để sáng tạo ra những sản phẩm tốt nhất.
Nghệ sĩ Xuân Hinh
Xuân Hinh trong một tiểu phẩm
* Show diễn kỉ niệm 40 năm "Xuân Hinh kẻ chọc cười dân dã" của anh lỗ lãi thế nào?
- Ơn trên là từ khi làm về sân khấu dân tộc tôi chưa bao giờ lỗ. Hôm đó hát Xẩm, hát Văn, hát Quan họ, rồi biểu diễn Hề Chèo… toàn văn hóa dân tộc cả nhưng mọi người rất thích.
Vé bán hết trước hai ngày, giá vé cao nhất là 5 triệu đồng. Show diễn này là do các Mạnh Thường Quân, đồng nghiệp yêu quý mình thúc giục mình làm. Rồi trợ duyên cho mình để có động lực làm.
Mà làm là phải có lãi, chứ có như các nhà hát đâu, dựng vở hàng năm, tổng duyệt, đi thi lấy thật nhiều huy chương, rồi đưa thẳng vào kho… thì để làm gì?
Cấy lúa là phải ra hạt, vợ chồng lấy nhau phải có con, diễn phải có khán giả, phải có tác phẩm để lại cho đời, và phải có tác động đến xã hội.
Xuân Hinh trong vai hề Chèo Cu sứt - Ảnh: NVCC
* Xem ra Xuân Hinh không cần một sân khấu dạng "thánh đường", mà ở đâu có Xuân Hinh là tự khắc có sân khấu?
- Sân khấu phải là thánh đường, nghệ sĩ sân khấu dân tộc rất cần những địa điểm diễn như vậy, nhưng rất khó để có.
Tôi cần một chỗ làm để tự làm, tập trung những người có tài năng thật sự, để biểu diễn, truyền dạy và biểu diễn văn hóa dân tộc, nhưng lực bất tòng tâm.
Các nhà hát hiện nay không mấy khi đỏ đèn nhưng muốn thuê thì cũng không thuê được, vì họ vẫn giữ để phục vụ cho các mục đích kinh doanh không liên quan đến nghệ thuật.
* Lâu nay dân thành phố cứ nói sân khấu dân tộc không có khán giả là đúng hay sai? Xuân Hinh vẫn đắt sô đấy thôi.
- Xuân Hinh vẫn đi diễn ở nước ngoài, ở các vùng quê. Tôi có những khán giả người miền Nam sinh sống tại nước ngoài nói với tôi đã xem các chương trình Hề Chèo của tôi tới 80 lần. Có những khán giả đi bộ bốn tiếng đồng hồ đến để xem mình diễn.
Tôi có thể diễn rất nhiều nếu tôi có đủ sức, hầu hết các buổi biểu diễn của tôi đều bán vé và đều lãi. Đi diễn cho bà con vui lắm. Đến tuổi này mà vẫn còn khán giả quý mến như thế này là quý lắm rồi. Gớm khổ, thời bây giờ diễn vài tiếng thì chụp ảnh cũng vài tiếng, vật nhau chụp ảnh với các bà, các cô, các cháu mệt hơn ngày xưa.
Xuân Hinh
Xuân Hinh - Ảnh: NVCC
* Anh đã diễn mấy trăm tác phẩm, tác phẩm nào anh tâm đắc nhất?
- Tác phẩm tâm đắc nhất của tôi chính là hai đứa con.
* Nghe nói con anh đi du học Mỹ, chắc nghệ sĩ phải cày chăm chỉ?
- Cháu nó có học bổng, nhưng tất nhiên đi học là phải tốn kém, cha mẹ cũng phải thêm thắt. Đây, tôi vất vả nhăn nheo, tóc bạc hết cả rồi (cười).
* Trong gia đình anh, vợ anh và anh ai phải chịu ai?
- Chắc tôi phải chịu chứ, đi diễn suốt ngày, ra ngoài gặp gái đẹp cũng phải chịu chết vì trót có vợ rồi. Ngậm đắng nuốt cay bao nhiêu năm giời (cười).
Vợ là người trông cái dạ dày của mình, bà ấy cho ăn rau bẩn hay rau sạch làm sao biết được nên phải biết đường sống tử tế với vợ con chứ. Có được sức khỏe để lao động đến tuổi này cũng là nhờ bà ấy đấy.
Tôi lúc nào cũng đeo cái chữ Nhẫn to tướng ở ngực. Nào, xem ai chịu ai?
Vợ tôi là người gốc Hà Nội, còn tôi "Việt kiều" Bắc Ninh. Cô ấy yêu mình từ lúc mình chẳng có gì trong tay, chưa nổi tiếng.
Xuân Hinh trong một tiểu phẩm
* Xuân Hinh ngoài đời rất vui vẻ, không biết khi về nhà anh thế nào? Anh theo văn hóa dân gian, các con anh có ai muốn theo bố?
- Ngày xưa tôi cũng nóng tính lắm. Nhưng đầu là cái ngăn kéo, cái gì tốt thì giữ, còn rác rưởi thì phải tống ra khỏi đầu.
Trong gia đình tôi luôn nhẹ nhàng với con cái, chẳng bao giờ mắng con. Các cháu ngoan, học hành tốt. Cả hai đều có giọng hát, nhưng các cháu không theo con đường của tôi.
Nghề này vất vả lắm. Kiếp con tằm mà. Các cháu trẻ chắc không đủ kiên nhẫn. Mình phải trải qua bao thăng trầm, cay đắng mới có những tác phẩm hay cho khán giả. Tôi tôn trọng lựa chọn của các con. Khi các con đã lựa chọn phải tự chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình.
* Là nghệ sĩ theo sân khấu dân tộc hiếm hoi đắt sô, anh có nhận về những thị phi, ghen tị?
- Sự đời trâu buộc ghét trâu ăn là bình thường. Trâu họ buộc sân bê tông, trâu tôi ở sân cỏ, làm gì mà chẳng có người lồng lộn lên.
Vì thế gian miếng ăn là miếng tồi tàn. Thiếu ăn một tí là lộn gan lên đầu. Chuyện bình thường, có gì phải đau đầu.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện, chúc anh và gia đình một cái Tết thật đầm ấm!
Một số hình ảnh của Xuân Hinh: