TTO - Cây nêu là một yếu tố tạo nên cái Tết cổ truyền của dân tộc. Mỗi nơi, mỗi dân tộc lại có phong tục lấy cây nêu khác nhau.
Một em học sinh người Tày vào rừng lấy cây nêu lúc sáng sớm - Ảnh: XUÂN HÒA
Ngay từ rất sớm, nhiều thanh niên đồng bào dân tộc Tày ở huyện Bình Liêu, Quảng Ninh đã cùng nhau vào rừng lấy cây nêu để chào đón năm mới.
Trong một năm, người Tày ăn nhiều cái tết như Tết Nguyên đán, Tết mồng 3 tháng 3, Tết mồng 5 tháng 5, Tết rằm tháng 7 (15 tháng 7), Tết cơm mới (10 tháng 10)… Mỗi cái tết đều gắn với một tiết khí đánh dấu sự chuyển đổi của không gian và thời gian được đồng bào chào đón theo lệ tục riêng của dân tộc mình.
Đối với Tết Nguyên đán, hàng năm cứ vào sáng 30 Tết, đồng bào dân tộc Tày ở huyện Bình Liêu, đặc biệt là thanh niên và trẻ nhỏ, lại rủ nhau vào rừng lấy cây nêu về cho gia đình mình.
Cây nêu (mạy làng) được chọn từ cây tre trúc. Tuỳ theo khoảng rộng của sân và vóc dáng ngôi nhà mà chọn cây nêu to hay nhỏ cho phù hợp, miễn là cây đó phải đảm bảo các điều kiện: thẳng đẹp, gióng đều, tròn lẳn, ngọn phải có túm lá toả sum suê.
Anh Lý Minh Bàn, 23 tuổi, dân tộc Tày chia sẻ: "Người ta chọn cây tre cao, to, thẳng, không sâu mọt, cành lá xanh tươi mượt mà từ gốc đến ngọn, cây không quá già hoặc quá non. Đúng vào sáng 30 Tết, người ta chọn cây tre tốt nhất với dao sắc chặt tém gọn không làm xước thân, lá, nhẹ nhàng mang về làm cây nêu để quét nhà. Sau khi quét xong, nhà nào cũng dựng cây nêu trước sân nhà".
Nhiều thanh niên dậy từ 6h để vào rừng lấy cây nêu - Ảnh: XUÂN HÒA
Theo quan niệm của người Tày, cắm cây nêu là để loại trừ ma quỷ, giữ đất, giữ nhà. Mỗi dịp Tết đến Xuân về, khi mọi người cùng nhau vào rừng lấy cây nêu, họ vẫn hay kể rằng: Khi con người mới xuất hiện trên mặt đất, lúc ấy còn rất yếu thế. Quỷ dữ là bóng đen bao trùm, nắm giữ sức mạnh và toàn bộ đất đai. Người muốn làm nhà phải xin quỷ cho khoảnh đất bằng, nhưng quỷ không cho.
Sau đó, người năn nỉ cho phép cắm một cây vầu trên mặt đất, lúc mờ sáng và nói với quỷ là, không dám xin nhiều đất mà chỉ vẻn vẹn chỗ cắm cây và cái bóng của cây. Quỷ nghe nói "lọt tai", nên ưng thuận. Đến khi mặt trời lên và lúc về chiều nắng xiên khoai thì bóng cây cao vút bỗng trải dài, bóng cây đến đâu thì đất của người đến đó. Quỷ thua tài trí thông minh của người, phải "xa chạy cao bay", nhường đất đai cho con người.
Do vậy, cây nêu chính là biểu tượng của cây và rừng cây đánh đuổi tà ma, quỷ dữ. Đây không chỉ là một phong tục đẹp của đồng bào dân tộc Tày ở huyện Bình Liêu, Quảng Ninh mà còn là một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam.
Một thanh niên vui vẻ vác được 3 cây nêu lá toả sum suê về nhà - Ảnh: XUÂN HÒA
Anh Lý Minh Bàn, 23 tuổi chia sẻ: "Người ta chọn cây tre cao, to, thẳng, không sâu mọt, cành lá xanh tươi mượt mà từ gốc đến ngọn, cây không quá già hoặc quá non" - Ảnh: XUÂN HÒA
Anh Vi Xuân Thiện đang chọn cho mình 1 cây nêu to thẳng, cành lá xum xuê - Ảnh: XUÂN HÒA
Chọn cây nêu phải đảm bảo các điều kiện: Cây thẳng đẹp, gióng đều, tròn lẳn, ngọn phải có túm lá toả sum suê - Ảnh: XUÂN HÒA
Hai an hem Vi Xuân Thiện (19 tuổi) và Vi Xuân Trường (13 tuổi) vào rừng lấy cây nêu - Ảnh: XUÂN HÒA
Hai bố con chuẩn bị về nhà sau khi vào rừng lấy được cây nêu - Ảnh: XUÂN HÒA