TTX - Bên cạnh tài năng, sự tìm tòi sáng tạo thì điều gì đã giúp nhà thiết kế Nguyễn Ngọc Thuận nổi tiếng với thương hiệu áo dài Thuận Việt luôn được yêu thích, là lựa chọn của bao nhan sắc Việt trong suốt 12 năm qua?
Rau, trái trên vườn cây sân thượng của Nhà thiết kế Thuận Việt - Ảnh: NVCC
Trong ngôi nhà xinh xắn ở quận Phú Nhuận (TP.HCM), Thuận cũng chọn một vài loài hoa phù hợp để trồng, lấy thêm cảm hứng sáng tạo mỗi khi thấy một "nàng hoa" hé nở.
Nhưng bất ngờ thay, cũng tại ngôi nhà đó, hoa kiểng chỉ đóng vai phụ và vườn rau củ quả trên sân thượng, bancông mới là "kiệt tác" của Thuận.
Ba bí quyết cho đất trồng
Thuận kể về cơ duyên trở thành "nông dân" trên sân thượng vườn nhà cách đây hai năm: "Tôi đọc báo thấy vấn đề an toàn thực phẩm rất đáng báo động, thêm vào đó là nỗi lo ngại cho sức khỏe của những người thân trong gia đình, đặc biệt là ba mẹ, nên mới quyết định gầy dựng một vườn rau nho nhỏ.
Ban đầu, tôi chỉ quanh quẩn trước bancông phòng mình với vài khay rau mầm, mồng tơi, rau muống… Khi có được những thành quả đầu tiên, tôi thấy bản thân mình và những người thân trong nhà đều ăn ngon miệng hơn, bớt lo lắng hơn nên bắt đầu mở rộng "phạm vi hoạt động" lên sân thượng".
Trên sân thượng, Thuận bắt đầu trồng một vài loại "cây thuốc" cho cha mẹ: nha đam, đinh lăng, gừng, sả, lược vàng, mật gấu…
Và như nhiều người mới "vô nghề" khác, Thuận cũng "hăng máu" trồng rất nhiều loại rau củ quả. Và cũng từ đó bắt đầu học được nhiều bài học… xương máu.
Thuận chia sẻ tiếp: "Thời gian đầu, tôi ngày nào cũng ôm nỗi ưu tư sao gieo mà hạt không nẩy mầm, sao cây lên cao mà không có trái, sao trái mình trồng nhỏ quá, sao sâu rầy nhiều thế này?...".
Thuận lao vào tìm hiểu tất tần tật thông tin về cách trồng rau quả và giờ đây anh đã có hẳn một "giáo trình" cho những ai muốn có một vườn rau trong nhà.
Điều đầu tiên tôi nghiệm ra để có những luống rau hay củ quả ngon lành thì đất là yếu tố quyết định quan trọng. Tôi đã mua và thử trồng cây với hầu hết các loại đất trên thị trường và rút ra được một kinh nghiệm: Rau trên sân thượng thường được trồng trong những chậu nhỏ, ít đất nên luôn thiếu nước, độ ẩm cần thiết cho sự phát triển của cây. Xơ dừa có khả năng giữ ẩm rất tốt nên là lựa chọn hợp lý
Thuận tiết lộ bí quyết đầu tiên.
Bí quyết thứ hai dành cho đất là đừng ngại đầu tư vào đất nếu muốn có một vườn rau sạch "ngon lành".
Thuận kể: "Khi trồng hết một lứa thì mình nên thay đất khác vào chậu rồi hãy trồng tiếp. Muốn tiết kiệm thì hãy lấy đất đó ra khỏi chậu, nhặt hết rễ của cây, rau cũ ra, cải tạo lại bằng cách phơi nắng vài ngày rồi trộn phân bò, phân trùn… vào xong mới dùng lại".
Bí quyết thứ ba mà Thuận chia sẻ là đừng bao giờ cho quá nhiều đất vào chậu rau hay cây.
"Mình cho đất vô dần theo sự phát triển của cây. Khi cây còn nhỏ thì cho ít đất thôi vì cho đất nhiều quá cây, rau không dùng hết chất dinh dưỡng mà mưa cũng có thể làm mất đi chất dinh dưỡng của đất. Khi nào thấy rễ cây trồi lên là biết cây cần thêm đất, và lúc đó hãy bổ sung đất vào để có kết quả tốt nhất" - Thuận nói.
Nhà thiết kế Thuận Việt với niềm vui thu hoạch rau, trái trên vườn cây sân thượng - Ảnh: NVCC
"Hữu cơ" từ phân bón đến thuốc trừ sâu
Và để cây ra nhiều trái, Thuận không ngại giúp cây thụ phấn. "Bí, mướp thì dễ nhưng bầu lại thụ phấn về đêm mà đêm thì không có nhiều ong bướm hỗ trợ quá trình thụ phấn cho cây" Thuận giải thích lý do chiều chiều anh lại bắc thang leo lên dàn bầu nhìn xem có bông nào nở thì hái bông đực "chấm" lên bông cái để cây thụ phấn. Anh còn soi đèn vào buổi tối để hỗ trợ quá trình thụ phấn cho bầu.
Và một vườn rau sạch đương nhiên phải dùng phân bón sạch. "Thi thoảng tôi mua phân cá, phân bò, phân trùn… để bón cho cây.
Tuy nhiên, lựa chọn của tôi vẫn là sử dụng phế phẩm từ rau, lá úa, vỏ chuối… ngâm vô thùng nước đậy kín để phân hủy và lấy nước đó tưới rau mỗi ngày". Dù có chăm sóc kỹ càng đến đâu, vườn rau cũng khó tránh khỏi sâu bệnh.
"Cây cũng như người, nếu có miễn dịch tốt thì sẽ ít sâu bệnh" - Thuận chia sẻ. Một trong những cách "miễn dịch" cho cây là cung cấp nguồn dinh dưỡng sạch (đất). Kế đó là phải "gần gũi" với cây.
Không ngày nào Thuận không thăm các "em rau" của mình. "Sâu thường đẻ trứng ở mặt sau của lá nên tôi luôn quan sát từng cành lá một, hễ thấy có sâu bọ là cắt tỉa cành lá đó ngay.
Tôi cũng thường xuyên cắt tỉa các cây ăn trái, chỉ giữ lại những nhánh khỏe, đẹp, không để cây quá rậm rạp rất dễ có sâu. Với những loại rau dễ nhiễm sâu bệnh như cải bẹ xanh, tần ô…, tôi khắc phục bằng cách lấy lưới rào lại. Còn với bầu, bí, mướp - những loại thường dễ nhiễm sâu "vẽ bùa", tôi ngâm nước tỏi, ớt phun định kỳ hằng tuần để trừ sâu".
Vườn rau 70m2 ở các tầng khác nhau của Thuận giờ đây có đủ các loại rau ngắn ngày như: mồng tơi, rau muống, càng cua, rau dền, rau mầm, bồ ngót, chùm ngây, rau lang, hẹ, cải bẹ xanh, cải ngọt…
Và anh cũng trồng thay phiên các loại bầu, bí đao, mướp, bí đỏ, cà chua bi, dưa leo, khổ qua, đậu bắp… Trong số đó, có rất nhiều loại giống lạ nhưng khác nhất vẫn là chủ nhân của vườn rau này nhất định không chịu gắn hệ thống phun tưới tự động như nhiều "nông dân thành thị" khác.
"Gắn hệ thống tưới tự động thì quá đơn giản, nhưng tôi muốn tự mình chăm tưới cây mỗi ngày hai lần sáng, chiều. Với một diện tích nhỏ mà tôi trồng nhiều loại rau, trái nên hệ thống tự động sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu nước của từng loại, tự mình tưới sẽ vừa đủ nước cho cây nhất.
Thời gian tưới cũng là thời gian tôi chăm sóc, bỏ lá úa, tỉa cành và cũng là thời gian tôi tập thể dục vào mỗi sáng, thư giãn vào mỗi chiều" - nhà thiết kế giải thích thêm.
Bí quyết là vậy nhưng có trồng mới biết gian nan. Thuận thổ lộ: "Ban đầu thì hăng hái lắm nhưng sau đó cũng có lúc mệt mỏi vì không lường được nỗi vất vả của "nghề trồng rau". Nhưng giờ thì tôi đã vượt qua hết những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu, và việc chăm trồng rau củ quả đã thành một thói quen trong cuộc sống hằng ngày, càng trồng càng hăng hái…".
Nên sẽ không có gì ngạc nhiên nếu một ngày đẹp trời bạn thấy nhà thiết kế áo dài nổi tiếng chở giỏ rau sạch chạy lòng vòng thành phố. Anh mang chúng gửi tặng những người mình quý mến và không quên "dụ dỗ" hãy trồng rau sạch giống Thuận, cho những người mình yêu thương.
Cà chua bi không dễ trồng có trái trên sân thượng nhưng Thuận vẫn có được những “vụ mùa” bội thu - Ảnh: NVCC
Nhà thiết kế Thuận Việt với niềm vui thu hoạch rau, trái trên vườn cây sân thượng - Ảnh: NVCC