TTO - Những bạn hữu thân quý của nhà văn Nguyễn Quang Thiều rất ấn tượng với món cá nướng của làng Chùa, món ăn họ chỉ có cơ hội thưởng thức khi ông Thiều về quê chuẩn bị cho Tết.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho biết ông là người đổi mới rất nhiều thứ nhưng trong cách ăn Tết thì không đổi mới. Tết nào cũng thế, gia đình ông lại rời phố về quê ăn Tết.
* Gia đình ông chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán như thế nào?
- Hằng năm chúng tôi sẽ đóng cửa nhà ở thành phố, vợ chồng con cái cùng các cháu về làng Chùa ăn Tết. Cái lệ này đã có từ khi cha mẹ tôi còn sống, trừ những năm tôi đi học ở nước ngoài còn ở Việt Nam là tôi về quê ăn Tết.
Đến giờ các cụ đã mất 10 năm rồi, nhà cửa ở quê nhờ người trông coi, nhưng cứ đến Tết là gia đình tôi lại về quê.
Chúng tôi sẽ cùng nhau chuẩn bị bàn thờ, lau chùi cọ rửa đồ thờ. Ở làng tôi con đường ra nghĩa trang của làng bao giờ cũng được dọn dẹp sạch sẽ nhất, nghiêm trang nhất.
Mọi người từ người trẻ đến người già đều ăn mặc thật tươm tất để ra mộ, mời người đã khuất về ăn Tết. Hồi bé chiều 30 Tết tôi thấy cả làng ra thăm mộ, một cách mơ hồ tôi cảm nhận được sự linh thiêng của tục lệ đó.
Chúng tôi còn cùng nhau làm các món ăn truyền thống như cha mẹ tôi đã từng làm. Trong Tết, các gia đình sẽ tới thăm nom nhau, đóng góp cho quỹ khuyến học, vinh danh những người có thành tích trong dòng họ…
Sau một năm làm việc bận rộn, có quá nhiều việc làm ta xao nhãng, dường tất cả những gì đẹp nhất của gia đình, dòng họ, của văn hóa đều được hồi phục lại trong những ngày Tết.
Những người phụ nữ trong gia đình nhà văn Nguyễn Quang Thiều chuẩn bị cho ban thờ ngày Tết - Ảnh: NVCC
* Nghe nói làng Chùa quê anh có những món rất đặc biệt cho ngày Tết?
- Quê tôi có một món tất cả mọi người đều làm là cá nướng. Cuối năm mọi người tát ao hồ bắt lên rất nhiều cá trắm, cá chép, cá trôi. Họ sẽ rửa cá, ướp với gừng và một chút muối, cặp cá bằng kẹp tre bánh tẻ rồi mỗi ngày nướng hai đến ba lần. Họ để cá gần bếp lửa cho nó ám khói, cho đến khi vẩy con cá vàng suộm.
Cá phải nướng bảy lửa, bảy khói, rồi treo lên gác bếp. Với kĩ thuật nướng rất từ tốn này, con cá có thể để được hai đến ba tháng. Ngày xưa mọi người hay dùng lõi ngô khô để đốt. Khói lõi ngô quện vào con cá cho một hương vị thơm đặc biệt.
Thịt con cá nướng rất dai, săn chắc. Khi ăn, nướng lại một chút cho nóng, xé từng miếng ăn với cơm gạo mới và nước mắm ngon rắc chút hạt tiêu.
Làng tôi còn có món thịt lợn quay. Họ sẽ quay thịt ba rọi, phần mỡ chảy ra họ sẽ cho vào một cái âu, rồi ngâm miếng thịt quay vào trong hũ mỡ, đổ một lớp muối lên. Như vậy sẽ có thịt để dành ăn Tết.
Thỉnh thoảng người ta sẽ lấy đũa chọc vào hũ mỡ lấy chút mỡ muối đó ra ăn cơm, nên người làng tôi vẫn dùng từ "một đũa mỡ".
Có thịt quay, cá nướng, có hõm rau cần là yên tâm chờ tới ngày hội làng rồi. Bà con từ miền khác đến chơi nhà dăm ba ngày sẽ được thết đãi những món này.
Trong những ngày Tết, những thức ăn thừa như cá nướng, thịt gà, thịt lợn, hành muối, dưa muối sẽ được người dân bỏ vào một vại đựng nước vo gạo nếp. Tất cả sẽ lên men, thơm vô cùng. Đây là nguyên liệu để nấu món canh bỗng.
Khi đã no nê cá, thịt suốt ba ngày Tết, người ta sẽ chuyển sang ăn bún với canh bỗng và rau diếp hái trong vườn cho nhẹ nhàng, thanh cảnh.
Ngôi nhà tại làng Chùa của nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Ảnh: NVCC
* Các con ông đón nhận Tết cổ truyền như thế nào?
* Có hay không tâm lý coi nhẹ văn hóa truyền thống, dẫn đến việc ngày nay người Việt phàn nàn quá nhiều về Tết nhất, thưa ông?
- Tôi nghĩ rằng tâm lý này ngày càng phổ biến vì trong mỗi gia đình, lớn hơn là xã hội, đất nước chưa tổ chức ngày Tết này thực sự đúng nghĩa. Nhiều người chưa thực sự đặt cảm hứng của mình cho sự kiện này.
Khi ta làm bằng toàn bộ tình cảm, tâm hồn, sự hiểu biết, thấu hiểu thì mới có thể truyền cảm hứng và mới tạo nên sức mạnh.
Như đội U23 Việt Nam vừa qua, cái chúng ta nhìn thấy không chỉ tuần túy là bóng đá nữa. Ta nhìn thấy sự trong sạch của bóng đá, thấy niềm kiêu hãnh của đất nước, thấy sự gắn kết của tập thể, sự dâng hiến. Tất cả đã tạo sức mạnh truyền đến người dân.
- Tôi vẫn nhớ khi các con còn nhỏ tôi cứ nói mãi về bà nội của tôi. Một buổi sáng cô con gái bốn tuổi tỉnh dậy khóc và nói "hôm qua cụ nội tặng cho con một con tò he bằng đất nung, con để đây, nhưng giờ mất rồi".
Thực ra đó chỉ là giấc mơ nhưng lại nói lên rất nhiều điều. Khi những đứa trẻ được cảm nhận đầy đủ về nghi lễ truyền thống, sự gắn kết mật thiết với gia đình chúng sẽ nhớ rất lâu.
Các con tôi coi Tết như một sinh hoạt đặc biệt. Đến các cháu của tôi cũng hào hứng chuẩn bị đồ thờ, làm mâm ngũ quả, dọn dẹp nhà cửa, gói bánh, nướng thịt, nướng cá, ra phần mộ thắp hương.
Gia đình tôi hơn 60 năm nay vẫn chỉ ăn Tết ở quê. Năm nay tôi có con dâu mới, cháu cũng rất hào hứng về quê ăn Tết.
Các con tôi cũng từng đi du học, nhưng cứ Tết đến là chúng gọi điện về hỏi bố mẹ về quê ngày nào, đã chuẩn bị gói bánh, nướng cá chưa, đào, mận trong vườn có nở hoa không? Chỉ bằng những câu hỏi đó tôi biết các con tôi rất quan tâm đến Tết.
* Để làm được điều đó bản thân người đứng đầu gia đình cũng phải hào hứng với Tết trước đã phải không ông?
- Người già sống thế nào thế hệ sau sẽ sống như thế. Nếu người lớn tuổi đánh mất cảm hứng với Tết, thì những đứa trẻ cũng không tìm thấy sự thiêng liêng trong ngôi nhà của mình nữa.
* Giờ đây người ta có mốt trốn Tết bằng cách đi du lịch. Ông nghĩ thế nào về điều này?
- Tôi có viết một bài Năm bí mật làm nên văn hóa Việt, trong đó với tôi Tết là một trong những di sản quan trọng nhất có thể truyền lại toàn bộ vẻ đẹp tinh thần, vẻ đẹp văn hóa Việt Nam.
Tết là thời gian tưởng nhớ cố hương, hồi ức về những người đã khuất, là gắn kết của con người trong khoảng thời gian giao mùa đặc biệt.
Đó là khoảng thời gian người ta có cơ hội suy ngẫm về những khiếm khuyết của mình trong năm cũ, là cơ hội để những người chưa may mắn năm trước dựng lại đức tin cho chính mình. Tết là khoảnh khắc chứa đựng bên trong rất nhiều điều mà ngày thường chúng ta không bao giờ có được.
* Làm cách nào để con trẻ hứng thú với truyền thống Tết của dân tộc?
- Tuổi thơ tôi gắn bó với Tết, cha mẹ tôi khiến tôi cảm thấy xúc động thật sự vì những hoạt động họ chuẩn bị cho Tết. Càng lớn tuổi tôi càng cảm nhận được sự thiêng liêng của Tết. Đó cũng là những giá trị đã hun đúc nên tâm hồn, cách sống của mình. Bây giờ tôi cũng chuẩn bị Tết giống với cha mẹ của mình.
* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện! Chúc ông và gia đình có một năm mới an khang, thịnh vượng!
Lối vào làng Chùa từ đê sông Đáy. Ngôi làng là nguồn cảm hứng để nhà văn Nguyễn Quang Thiều sáng tác - Ảnh: NVCC
Năm nào gia đình nhà văn cũng trở về ngôi nhà của cha mẹ mình ở làng Chùa để ăn Tết - Ảnh: NVCC
Hoa trong vườn của nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Ảnh: NVCC
Lối vào ngôi nhà của Nguyễn Quang Thiều rợp bóng cây.