TTO - Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma rời khỏi chính trường là giải pháp đã được dự kiến. Tòa phúc thẩm Tòa án tối cao Nam Phi đã cáo buộc ông liên quan đến 783 tội về nhận hối lộ, trốn thuế và tham ô tài sản.
Jacob Zuma nổi tiếng là "người không thể bị đánh chìm" - Ảnh: AFP
Lúc 3h sáng ngày 13-2 (giờ địa phương), hội nghị của Ủy ban Điều hành quốc gia - cơ quan quyền lực cao nhất của Đại hội Dân tộc Phi cầm quyền, ở ngoại ô Pretoria mới kết thúc. Hội nghị đã nhất trí với giải pháp: Tổng thống Jacob Zuma phải "rút lui".
Trong khi đó, Tổng thống Jacob Zuma 75 tuổi vẫn yêu cầu cho ông thêm thời gian từ 3 đến 6 tháng để chuẩn bị từ chức.
Vướng tai tiếng vẫn thăng quan tiến chức
Từ thời còn trẻ, ông Jacob Zuma đã đứng trong hàng ngũ những người đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Nam Phi. Ông đã từng chịu cảnh lao tù 10 năm với nhà lãnh đạo Nelson Mandela trên đảo Robben.
Sau khi chế độ phân biệt chủng tộc chấm dứt, đứng trên đỉnh cao quyền lực, ông đã không còn giữ được phẩm chất.
Hai năm sau khi giữ chức phó chủ tịch Đại hội Dân tộc Phi (ANC), năm 1999 ông được bầu làm Phó tổng thống. Năm 2005, ông bị truy tố về hành vi nhận hối lộ trong vụ Nam Phi ký hợp đồng mua vũ khí trị giá 30 tỉ rand (5 tỉ USD) với nhiều doanh nghiệp châu Âu.
Ông bị bãi nhiệm khỏi chức Phó tổng thống nhưng cuối cùng cố vấn tài chính của ông nhận tội kiểu "Lê Lai cứu chúa". Cơ quan công tố thông báo hủy bỏ lệnh truy tố vì cho rằng lệnh truy tố đối với ông Jacob Zuma có động cơ chính trị.
Ông Jacob Zuma tiếp tục con đường chính trị, được bầu làm chủ tịch ANC rồi đắc cử Tổng thống năm 2009.
Ngay sau đó, đảng Liên minh dân chủ (đối lập) đã tìm cách mở lại hồ sơ truy tố ông Jacob Zuma trước đây. Đến năm 2016, công sức của đảng đối lập mang lại kết quả. Tòa phán quyết quyết định hủy bỏ lệnh truy tố đối với ông Jacob Zuma là vô lý.
Ngày 12-4-2017 tại Pretoria, những người ủng hộ đảng đối lập mang quan tài giả biểu tình đòi Tổng thống Zuma từ chức - Ảnh: AFP
Ông Zuma đã vi phạm Hiến pháp và Quốc hội đã thất bại trong việc tính sổ với ông ấy. Chúng ta cần phải giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử mới"
Chủ tịch đảng Liên minh dân chủ đối lập Mmusi Mainmane
Tháng 3-2016, Tòa án hiến pháp phán quyết ôngJacob Zuma đã vi phạm pháp luật khi lấy tiền công quỹ sửa căn biệt thự riêng. Công trình sửa chữa tốn đến 20 triệu USD. Sau đó, tòa buộc ông phải trả lại 0,5 triệu USD.
Đến tháng 10-2017, tòa phúc thẩm tòa án tối cao thông báo Tổng thống Jacob Zuma liên quan đến 783 hành vi phạm tội liên quan đến nhận hối lộ, trốn thuế và tham ô tài sản, trong đó có 18 hành vi phạm tội về nhận hối lộ, lừa đảo, tống tiền và rửa tiền liên quan đến vụ hợp đồng mua vũ khí trước kia.
Dù vậy, Tổng thống Jacob Zuma được gọi với biệt danh là "người không thể bị đánh chìm". Phe đối lập đã từng 8 lần đề nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm nhưng không thành công.
Từ chức hoặc bị bỏ phiếu bất tín nhiệm
Hiến pháp Nam Phi quy định Tổng thống chỉ được giữ chức trong hai nhiệm kỳ. Dự kiến cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới sẽ được tổ chức vào tháng 4-2019. Như vậy phải 14 tháng nữa ông Jacob Zuma mới hết nhiệm kỳ.
Từ khi được bầu giữ chức chủ tịch ANC vào tháng 12-2017, ông Cyril Ramaphosa đã tăng cường các động thái để động viên Tổng thống Jacob Zuma êm thắm từ bỏ quyền lực theo nguyện vọng của phần lớn thành viên trong đảng cầm quyền.
Chủ tịch ANC Cyril Ramaphosa, người có thể giữ chức Tổng thống trong tương lai của Nam Phi, phát biểu trước hình ảnh của huyền thoại Nam Phi Nelson Mandela - Ảnh: AP
Những người đã tham nhũng và ăn cắp tiền của người nghèo sẽ phải bị xét xử. Đó là những gì Nelson Mandela mong muốn"
Chủ tịch ANC Cyril Ramaphosa
Nếu ông Jacob Zuma cứ khăng khăng không từ chức, ANC có thể thực hiện nhiều giải pháp tiếp theo. Thứ nhất, ANC bắt buộc phải trình Quốc hội đề nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Tổng thống. Nếu kết quả bỏ phiếu bất tín nhiệm đạt từ 50% trở lên, ông Jacob Zuma buộc phải ra đi.
Giải pháp thứ hai là luận tội Tổng thống sau khi Tổng thống bị truy tố hình sự. Quy trình này phức tạp hơn, mất thời gian hơn và cần có đa số từ 2/3 nghị sĩ trở lên ủng hộ.
Theo Hiến pháp, nếu Tổng thống từ chức, Phó tổng thống Cyril Ramaphosa đồng thời là Chủ tịch ANC sẽ đảm nhiệm chức Tổng thống.
Bằng như Tổng thống Zuma ra đi sau quá trình bỏ phiếu bất tín nhiệm, Chủ tịch Quốc hội sẽ giữ tạm quyền cho đến khi các nghị sĩ bầu ông Cyril Ramaphosa giữ chức Tổng thống trong thời hạn 30 ngày.
Trước tình hình khủng hoảng chính trị, nhiều đảng đối lập đã đề nghị giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử trước thời hạn để đất nước khỏi sa lầy.
Bà Nkosazana Dlamini-Zuma, vợ cũ ông Jacob Zuma (trái) và ông Cyril Ramaphosa tại đại hội ANC bầu Chủ tịch vào ngày 16-12-2017 - Ảnh: Bloomberg
Là một nhà chính trị lão luyện, ông Jacob Zuma đã tích cực ủng hộ người vợ cũ Nkosazana Dlamini-Zuma ra tranh cử chủ tịch ANC. Nếu bà này đắc cử sẽ được giới thiệu ra tranh cử Tổng thống. Song cuối cùng Phó tổng thống Cyril Ramaphosa đã chiến thắng trong cuộc bầu cử chủ tịch ANC vào giữa tháng 12-2017.
Ông Cyril Ramaphosa là người đang muốn khôi phục uy tín cho ANC trong bối cảnh giới chóp bu tham nhũng, nghi vấn đề xung đột lợi ích, kinh tế lụn bại và tỉ lệ thất nghiệp lên đến 27,7 %.
Khi Tổng thống Jacob Zuma nại cớ không từ chức nếu không có bảo đảm không bị truy tố hình sự, ông Cyril Ramaphosa đã kiên quyết khẳng định: "Những người đã tham nhũng và ăn cắp tiền của người nghèo sẽ phải bị xét xử. Đó là những gì Nelson Mandela mong muốn".
Trong hầu hết các vụ tham nhũng dính líu đến Tổng thốngJacob Zuma đều xuất hiện cái tên dòng họ của doanh nhân Ấn Độ giàu có Gupta. Họ đã bị truy tố về hành vi sử dụng quan hệ với tổng thống Nam Phi để tác động bổ nhiệm một số thành viên chính phủ và thu hoạch nhiều hợp đồng béo bở với nhà nước. Gia đình Gupta bác bỏ các cáo buộc này.