Sống khỏe

Big data - người bạn và kẻ giật dây giấu mặt

TTO - Trong cuộc bầu cử năm 2016 ở Mỹ, những người trong gia đình và các mối quan hệ gần gũi khác hủy bỏ kết nối bạn bè với nhau trên Facebook, hoặc cãi nhau đến sứt mẻ tình cảm ngay trên bàn ăn vì bất đồng chính kiến.

Big  data - người bạn  và kẻ giật dây giấu mặt - Ảnh 1.

Báo chí Mỹ phân cánh rõ rệt. Kết quả bầu cử đi liền với những cáo buộc hướng về một kẻ giật dây giấu mặt: Big Data - cơ sở dữ liệu lớn.

Cuộc nổi dậy của thuật toán

Một trong vô vàn ứng dụng của Big Data dựa vào các thuật toán của Internet là khiến những gì ta bấm like, chia sẻ, nhận xét, thậm chí chỉ mở trang để đọc... trở thành một hệ số dự đoán để các nội dung tương tự tự động xuất hiện với tần suất cao hơn. Thuật toán ấy thấm hút vào cơ sở dữ liệu của nó mọi điều về nội dung/thể loại thông tin mà ta vừa đọc, địa chỉ trang web và nơi ta cư trú, chủng loại máy tính, số thời gian ta dừng lại ở một trang web, nội dung e-book ta đang đọc, các từ ta đánh dấu, thậm chí cả thời điểm ta lật trang...

Dựa vào các thông số thu được, các thuật toán sẽ tự động điều phối và gửi tới máy tính cá nhân những nội dung có cùng tần số. Nếu bạn thích đọc các trang làm đẹp, tường Facebook nhà bạn sẽ mau chóng giống một đại lộ của các thẩm mỹ viện, email của bạn sẽ mau chóng đầy các thư mời thử loại kem dưỡng da mới. Ai đó ghét ông Trump sẽ thấy toàn những post dìm ông ta xuống đáy vực. Ai ủng hộ ông ta sẽ được Internet cung cấp toàn những bài viết và hình ảnh mà trong đó ông ta xuất hiện như một vị cứu tinh.

Thiên kiến xác nhận luôn dẫn hướng

Tổ tiên của loài người sống hàng triệu năm trên vùng đồng cỏ savannah với rất nhiều mối hiểm nguy rình rập, từ các loài thú dữ đến các bộ lạc thù địch. Bối cảnh đó khiến việc tư duy tranh luận logic không quan trọng bằng việc xử lý tình huống hiệu quả và thu hút được sự ủng hộ của người trong bộ lạc. Một người có đầu óc khách quan, biết cân nhắc sự việc mà không để tình cảm chi phối sẽ không lãnh đạo bộ lạc hiệu quả bằng một người mạnh mẽ, dù không khách quan nhưng biết cách dùng tình cảm để lôi kéo, dù không có bằng chứng sự thật nhưng biết cách trấn an hoặc kích động đồng loại. Hàng triệu năm như vậy khiến loài người dần dần hình thành xu hướng nghiêng theo những gì mình tin là đúng, chứ không phải những gì được chứng minh là đúng (confirmation bias).

Theo nguyên tắc tiến hóa song hành (culture-gene coevolution), gen và cấu trúc não của chúng ta sẽ dần thay đổi để phù hợp với hình thái văn hóa có lợi nhất cho sinh tồn. Vì sự thật không quan trọng bằng niềm tin, nên hình ảnh từ thế giới xung quanh sẽ được sàng lọc trước khi đi tới trung tâm xử lý thông tin của não bộ. Ở vùng trên của thân não chúng ta có một đám dây thần kinh tên là Reticular Activating System (RAS). Mọi hình ảnh thông tin của thế giới đều đi qua RAS để tới bộ não. Nhưng nếu cái gì chúng ta cũng chú ý thì bộ não sẽ quá tải, vì vậy RAS đóng vai trò như người gác cổng, chỉ cho những thông tin quan trọng đi qua.

Vậy thông tin nào RAS cho là quan trọng? Đó là những thông tin mà chính chúng ta coi là thiết yếu. Ví dụ, bạn đi giữa phố đông người, ai đó gọi tên bạn bằng một âm thanh nhỏ hơn hẳn tiếng ồn ào xung quanh nhưng bạn vẫn nhận ra. Đó là khi giữa trùng trùng lớp lớp người, bạn vẫn có thể thấy lưng áo của một người thương mến. RAS là hệ thống sàng lọc để chúng ta có thể nhận ra những thông tin ta mong muốn, dù thông tin đó bé xíu, nhỏ nhoi, yếu ớt.

RAS thậm chí còn bóp méo hiện thực để khít với suy nghĩ của chúng ta. Trong một thí nghiệm của Stolier và Freeman, những khuôn mặt người da đen "hạnh phúc" bị đánh giá là "giận dữ" và những khuôn mặt phụ nữ "giận dữ" lại được cho là họ đang hạnh phúc. Đây là kết quả của định kiến xã hội cho rằng phụ nữ luôn phải tươi vui, còn đàn ông da đen thì toàn bạo lực. Bộ lọc RAS khiến chúng ta nhìn cuộc sống theo một lăng kính khác: lăng kính của những suy nghĩ mà chính chúng ta tự hình thành.

nguyen phuong mai_re

Thế giới quan của chúng ta bị nhào nặn theo hướng mà Internet tính toán rằng ta sẽ tương tác nhiều nhất. Ta bị giam cầm trong một không gian giả tạo, ảo tưởng, thiếu khách quan, thậm chí dối trá.

Tất cả chỉ với mục đích ve vuốt cái tôi mong manh dễ tổn thương và sự thèm khát được ở bên những kẻ cùng ý kiến với chính chúng ta. Tại sao ta lại có xu hướng dễ dãi như vậy?

__________________________

Nguyễn Phương Mai

Những hậu quả rất thực

Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu thế giới quan quanh ta chỉ toàn những gì ta đồng ý, hợp cạ và thích thú? Thứ nhất, ta dừng phát triển và trở nên thui chột, hệt như việc thực thể sinh học bị thui chột khi không có nguồn gen mới. Sự dễ dãi, thoải mái và cái tôi được cưng chiều sẽ mau chóng dẫn đến sự nghèo nàn về nhận thức. Những người sống trong bong bóng chỉ thấy toàn kẻ giống mình.

Đây chính là lý do mà logic và tranh luận khách quan trở nên quan trọng khi loài người từ bỏ cuộc sống đồng cỏ và xây dựng các hình thái xã hội cao cấp hơn. Bộ não cũng được "nâng cấp" với vùng vỏ não (neocortex) cho phép ta suy nghĩ sâu và đa chiều. Tuy nhiên, RAS tồn tại vì nó vẫn có ích và vì RAS là một phần của lịch sử phát triển não bộ, không thể nhanh chóng bị loại bỏ, nhất là khi lịch sử hiện đại chỉ là một giai đoạn rất ngắn so với tiến trình phát triển của loài người. Tuy nhiên, RAS điện tử của thời đại công nghệ 4.0 thì rất mới và chúng ta chỉ mới đang bắt đầu nhìn ra điểm yếu của nó.

Hậu quả thứ hai là ta sẽ bị chính cái bong bóng thực tại đó biến đổi. Khởi điểm bong bóng là do ta tạo nên. Nhưng dần dần bong bóng thiết lập một trật tự thế giới mới, khiến ta mất khả năng tiếp cận với các thông tin đa chiều. Bong bóng đó liên tục bồi đắp và củng cố các ý tưởng, thói quen, kết nối ta với các mối quan hệ cùng tần số, dần hình thành nên tính cách, khắc sâu thành niềm tin và lái số phận của chúng ta theo một hướng mà ta buông lơi khả năng làm chủ. Hãy so sánh với việc ta cầm bánh lái nhưng chỉ có con đường duy nhất hiện rõ, trong khi các con đường khác bị bong bóng bộ lọc làm lu mờ.

Hậu quả thứ ba của bong bóng bộ lọc thực tại là những hệ lụy của tư tưởng bầy đàn (group think). Khi một kiểu tư duy và suy nghĩ được cả một đám đông ủng hộ và tin tưởng, sức mạnh của nó được nhân lên nhiều lần. Những cá nhân trong bong bóng bộ lọc đó bị mất khả năng nhìn nhận khách quan và không thể chấp nhận những ý kiến khác mình. Xu hướng bầy đàn thời kỳ 4.0 có thể làm nên những điều kỳ diệu, nhưng cũng có thể tàn phá, hủy diệt, ví dụ như những nhóm cánh hữu hoặc cánh tả cực đoan.

Để người dân hiểu biết hơn

Sự cấm đoán hầu như không bao giờ là giải pháp triệt để. Trung Quốc cấm Facebook và Google, nhưng chỉ tạo ra một bong bóng bộ lọc mới. Cách tốt nhất là cạnh tranh lành mạnh và nâng cao hiểu biết cho người dân. 

Tại nhiều nước phát triển, giáo dục về Internet và mạng xã hội đã bắt đầu trở nên phổ biến. Trẻ em được dạy cách tiếp cận, sử dụng và giao tiếp trên mạng để có thể vừa sử dụng mạng hiệu quả vừa bảo vệ bản thân. 

Chúng ta - những người lớn - phải đủ hiểu biết và mạnh mẽ để đối mặt với sự đa dạng và phức tạp của thế giới. Và có nhiều phương pháp không phức tạp: từ tắt chế độ hiển thị các trang mà bạn thích trên mạng xã hội, dùng các phần mềm chặn quảng cáo và phần mềm cho phép bạn vào Internet giấu mặt (incognito), thường xuyên xóa bỏ lịch sử nhập trình duyệt web đến kiểm tra mọi tin tức trước khi share, đọc thật nhiều, từ mọi phía... Mạnh dạn nhấn like các tờ báo và tài khoản mạng xã hội trái chiều với mình.

Cả bộ lọc RAS trong não bộ và RAS Internet tuy hiệu quả, nhưng có tiềm năng "tẩy não" chúng ta bằng các thông tin dễ dãi, một chiều. Cách hiệu quả nhất để ta cân bằng lại là chủ động tìm đến điều ta cần, chứ không phải điều ta muốn. Nói cách khác, chẳng thà ta tự động "tẩy não" chính mình.

Bong bóng bộ lọc thực tại

Cuộc sống hiện đại của chúng ta có một phần lớn các trải nghiệm và tương tác bằng Internet. Tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 không kết nối những tư tưởng khác biệt mà với thiên kiến xác nhận, ta lại dễ dàng kết nối với những kẻ giống hệt như mình. Tại sao? Vì những kẻ có cùng suy nghĩ, cùng chính kiến, cùng sở thích, cùng tư tưởng sẽ khiến ta thấy giá trị của bản thân mình được khẳng định mạnh

mẽ hơn. Big Data và các thuật toán lợi dụng điều này để đóng vai trò như một RAS ngoài não bộ, đảm nhiệm việc thanh lọc thông tin, chỉ cho lọt những hình ảnh, sự kiện và tư tưởng có cùng tần số với những gì ta thích thú. Kết quả là sự thật và thế giới quanh ta trở thành một phiên bản thiếu hoàn chỉnh vì nó được sàng lọc qua thậm chí hai lần RAS.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,260,368       1,444