Sống khỏe

Thủy quái có thật? - Kỳ 2: 'Quái vật' hồ Loch Nes

TTO - Nhắc đến thủy quái, không thể không nhắc đến Nessie - thủy quái sống ở hồ Loch Ness từng khiến báo chí thế giới tốn không biết bao nhiêu giấy mực.

Đoạn video về 'quái vật' hồ Loch Nes được kỹ sư Timothy Dinsdale quay 

Hồ Loch Ness là một hồ nước ngọt dài 37km gần thị trấn Inverness ở Scotland. Điểm sâu nhất của hồ là 230m. Đến nay, đã có 1.000 trường hợp báo cáo về sự xuất hiện của Nessie ở hồ này. 

Năm 2017 là năm tin tức về sự xuất hiện của Nessie tăng đột biến.

Từ truyền thuyết đến cú lừa ngoạn mục

Theo truyền thuyết, Nessie xuất hiện lần đầu tiên vào năm 565, sự việc này từng được đề cập trong một quyển tiểu sử nói về một con quái vật từ dưới nước xông lên bờ tấn công một người đàn ông đi ngang hồ. 

Rất lâu sau đó, vào năm 1802, một người nông dân tên Anderson đã chứng kiến một con vật rất to, dài chừng 45m, trồi lên mặt hồ.

Nhưng những sự kiện trên đã chìm lắng theo thời gian, không còn ai nhớ nữa. Cho đến năm 1933, một con đường mới được xây dựng, người dân có điều kiện đi ngang hồ nước đẹp hoang sơ này nhiều hơn. 

Và, bắt đầu có nhiều người cho rằng họ đã nhìn thấy con vật xuất hiện.

Thủy quái có thật? - Kỳ 2: Quái vật hồ Loch Nes - Ảnh 2.

Hồ Loch Ness ở Scotland nổi tiếng nhờ con thủy quái Nessie - Ảnh: Express.uk

Tháng 5-1933, tờ báo địa phương Inverness Courier đăng tin cặp vợ chồng George Spicer khi lái xe trên con đường dọc hồ đã nhìn thấy "một con vật to lớn bò từ đám rừng dương xỉ cạnh bờ hồ băng ngang qua mặt đường, lội xuống hồ và lặn mất". 

Tin này đã đánh động sự quan tâm của báo chí và công chúng, một số tờ báo của Anh đã cử phóng viên đến đây để tìm hiểu.

Năm 1934, một bác sĩ phụ khoa người Anh tên Robert Kenneth Wilson đã bán cho tờ báo Daily Mail một bức ảnh chụp về một con vật giống khủng long có chiếc cổ dài đang lội dưới hồ. Bức ảnh được báo đăng tải ngày 21-4-1934, làm cho con vật chưa rõ nguồn gốc càng nổi tiếng hơn.

Nhưng đến năm 1975, rồi năm 1994, giới chuyên môn đã chứng minh tấm ảnh này là giả mạo. Con quái vật trong tấm ảnh thật ra chỉ là một chiếc tàu ngầm đồ chơi có gắn bên trên một cái cổ dài. 

Đây là trò chơi khăm nhằm trả đũa báo Daily Mail, nguyên do là năm 1934, tờ báo có thuê một người thợ săn tên Marmaduke Wetherell lùng bắt con vật. 

Wetherell sau đó đã dùng chân hà mã làm giả dấu chân Nessie trên bờ hồ. Khi sự việc bị phát hiện, báo Daily Mail đã công khai nhạo báng ông này. 

Quá xấu hổ và bực tức, Wetherell và người con rể Christian Spurling đã làm mô hình con quái vật thả xuống hồ rồi chụp ảnh. Sau đó họ đưa phim cho Robert Kenneth Wilson để tráng rửa và bán cho Daily Mail, làm tờ báo bị lừa một vố đau.

Thủy quái có thật? - Kỳ 2: Quái vật hồ Loch Nes - Ảnh 3.

Tấm ảnh chụp Nessie năm 1934 của bác sĩ Robert Wilson, sau này bị phát hiện là giả mạo

Những năm sau đó, tuy cũng có một vài người chụp ảnh, quay phim được con vật nhưng đều không đủ rõ ràng để làm bằng chứng rằng con vật có thật. Tuy thế, công chúng lại rất yêu thích con vật và trìu mến đặt tên cho nó cái tên là Nessie, dựa theo tên hồ Ness.

Nhưng nổi tiếng nhất cho đến nay vẫn là đoạn phim quay vào tháng 4-1960 của kỹ sư hàng không Timothy Dinsdale, cho thấy có một con vật đang bơi làm nổi sóng trên mặt hồ. 

Đoạn phim đã được gửi đến Trung tâm Phân tích Không ảnh JARIC của Tình báo Không quân Anh để phân tích. JARIC kết luận đoạn phim là thật, có một vật đang di chuyển với vận tốc khoảng 16km/h, phần nổi trên mặt nước rộng khoảng 2-3m, cao khoảng 1,5m.

Năm 1993, hãng truyền thông Discovery Communications (Mỹ) làm một bộ phim tài liệu khoa học tựa đề Khám phá Loch Ness, họ lấy bản phim gốc rồi làm tăng độ phân giải bằng kỹ thuật số. 

Một người trong nhóm kỹ thuật viên xử lý phim gốc phát hiện có một cái bóng mà trước đây người ta không chú ý, khi phóng to và tăng thêm độ phân giải thì thấy đó là phần sau của một con vật khuất dưới nước. 

Thủy quái có thật? - Kỳ 2: Quái vật hồ Loch Nes - Ảnh 4.

Một bức đăng trên báo chí Anh về thuỷ quái Nessie - Ảnh: DailyStar

"Trước đây tôi luôn cho rằng Nessie chỉ là thứ lường gạt vớ vẩn. Nhưng khi xem đoạn phim đã được xử lý lại, tôi không còn dám đoan quyết như thế", kỹ thuật viên này phát biểu.

Đã có nhiều tổ chức cũng như cá nhân tìm đến Loch Ness để khám phá xem thủy quái Nessie có thật hay không. Trong thập niên 1960, một số trường đại học ở Anh đã dùng máy sonar rà quét khắp hồ. 

Tuy họ không tìm thấy gì, nhưng cũng có một số trường hợp không giải thích được khi kết quả dò thủy âm cho thấy có một vật to lớn đang di chuyển dưới đáy hồ.

Nessie là hậu duệ khủng long?

Thủy quái có thật? - Kỳ 2: Quái vật hồ Loch Nes - Ảnh 5.

Bức ảnh chụp mới nhất (tháng 9-2016) được cho là thủy quái Nessie đang bơi trên mặt hồ Ness - Ảnh: Express.uk

Kiên trì nhất trong việc tìm kiếm Nessie là Viện Khoa học Ứng dụng Boston (Mỹ), họ đã nhiều lần cử các đoàn nghiên cứu do Robert Rines, một khoa học gia từ Học viện Công nghệ MIT dẫn dầu, đến hồ trong các năm 1972, 1975, 2001 và lần cuối vào năm 2008.

Năm 1972, họ dùng phương pháp kết hợp định vị thủy âm và chụp ảnh tự động dưới nước để tìm kiếm Nessie. Trong một lần quét, sóng sonar cho thấy có một vật thể (hoặc các vật thể) đang di chuyển có chiều dài từ 6-9m ở độ sâu 11m. 

Trong số các bức ảnh chụp được, có một bức cho thấy một cái vây bơi giống như vây của loài khủng long tiền sử Plesiosaur.

Có một lần, máy sonar cho thấy có hai vật thể dài khoảng 9m, cùng lúc, máy ảnh chụp tự động dưới nước cho thấy chính giữa đám bong bóng nước đang cuồn cuộn bốc lên có hai vật thể lớn màu trắng có bướu. 

Khi thấy bức ảnh này, những người tin về Nessie cho rằng đó chính là hai con đang bơi cùng nhau, có nghĩa là dưới hồ còn có nhiều con khác nữa.

Năm 1987, một nhóm nghiên cứu khác thuộc tạp chí khoa học Journal of Scottish Natural History (Scotland) đã dùng 24 chiếc thuyền có gắn máy sonar dàn hàng ngang rà soát khắp hồ. Kết quả quét sonar cho thấy có một vật thể to lớn đang di chuyển dưới nước ở độ sâu 180m. 

Sau khi kiểm tra lại, chuyên gia về sonar Darrell Lowrance cho biết "Có cái gì dưới đó, nhưng chúng tôi không biết là cái gì, nó to lớn hơn loài cá, có thể là một loài động vật mà chúng ta chưa hề biết tới".

Thủy quái có thật? - Kỳ 2: Quái vật hồ Loch Nes - Ảnh 6.

Kỹ sư Tim Dinsdale, người đã quay được đoạn phim nổi tiếng thế giới về Nessie năm 1960 - Ảnh: Wikipedia

Năm 2001, máy quay phim dưới nước điều khiển từ xa của nhóm nghiên cứu Robert Rines đã thu được hình ảnh về một vật thể lớn dưới đáy hồ giống như cái xác đang phân hủy và thấy có một số loài sò và nấm chỉ sống ngoài biển. 

Họ cho rằng có thể có một con đường ngầm thông từ hồ ra biển nên Nessie và các loài sinh vật khác từ biển có thể vào đến nơi này và ngược lại.

Năm 2003, hãng truyền thông BBC (Anh) cũng cử một nhóm chuyên viên đến hồ dùng máy sonar rà quét khắp hồ, kết quả là không tìm thấy gì. BBC đưa ra kết luận rằng thủy quái Nessie không có thật.

Vào năm 2008, sau lần khảo sát cuối cùng, ông Robert Rines cho rằng có thể Nessie đã chết. Lý do là dò quét sonar không còn thu được những kết quả đáng chú ý như các lần trước, và cũng ít ai còn thấy Nessie nổi lên nữa (nhưng năm 2017, Nessie lại tái xuất hiện nhiều lần).

Dựa theo các mô tả của những nhân chứng và các ảnh chụp, một số nhà sinh vật học và giới nghiên cứu chuyên nghiệp cũng như nghiệp dư cho rằng Nessie thuộc loài khủng long sống dưới nước tên Plesiosaur

Loài này đã tuyệt chủng trong vụ thiên thạch khổng lồ rơi xuống Trái đất cách đây 65 triệu năm làm toàn bộ loài khủng long tuyệt chủng.

Không chỉ ở châu Âu, châu Mỹ và châu Phi là có thủy quái sông hồ, ở châu Á - trong đó Việt Nam, cũng có nhiều truyền thuyết dân gian và tin tức của giới truyển thông đề cập về những con quái vật sống dưới hồ và ngoài biển.

Mời đón đọc Kỳ 3: Những con 'quái' nổi tiếng châu Á

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,259,888       885