Sống khỏe

Trung Quốc đã sửa gen cho 86 người bệnh

TTO - Trong khi nhiều nước trên thế giới còn đang ngần ngại ứng dụng kỹ thuật chỉnh sửa gen trong chữa bệnh ở người, Trung Quốc đã ứng dụng nó với 86 người bệnh.

Trung Quốc đã sửa gen cho 86 người bệnh - Ảnh 1.

Minh họa về kỹ thuật chỉnh sửa gen Crispr - Ảnh: PHYS.ORG

Có thể thấy, trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gen vào y học, Trung Quốc đang chứng tỏ họ đầy tham vọng trong mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới.

Thế giới vẫn lo ngại

Theo báo Wall Street Journal (WSJ), từ năm 2015 tới nay, các nhà khoa học Trung Quốc đã chỉnh sửa gen của ít nhất 86 bệnh nhân ung thư và bệnh nhân HIV bằng kỹ thuật chỉnh sửa gen Crispr-Cas9.

Mặc dù chưa có bất cứ báo cáo khoa học chính thức nào trình bày về các thử nghiệm này cũng như kết quả của chúng, song khi chia sẻ thông tin với báo WSJ, các nhà khoa học Trung Quốc cho biết tình trạng sức khỏe một số người bệnh đã có tiến triển.

Đã có ít nhất 15 trường hợp tử vong, 7 người trong đó từng tham gia một thử nghiệm. Tuy nhiên theo các nhà khoa học, những trường hợp tử vong đều có nguyên nhân liên quan tới các tình trạng bệnh trước đó của họ, không phải do điều trị bằng kỹ thuật chỉnh sửa gen Crispr.

Những liệu pháp điều trị bằng gen này được tiến hành theo nguyên lý lấy các tế bào miễn dịch từ các bệnh nhân, chỉnh sửa gen của tế bào đó, sau đó đưa các tế bào này trở lại cơ thể.

Năm 2013, các nhà khoa học đã lần đầu tiên sử dụng phương pháp Crispr trên DNA người. Tới năm 2017, các nhà khoa học Mỹ tại Đại học Khoa học và Sức khỏe Oregan công bố đã sử dụng kỹ thuật này trong việc chỉnh sửa gen của phôi thai người. Dĩ nhiên các phôi thai người sau đó không được phép phát triển thêm nữa vì luật pháp Mỹ không cho phép.

Trung Quốc đã sửa gen cho 86 người bệnh - Ảnh 2.

Chỉnh sửa gene ở Mỹ - Ảnh: AP

Trung Quốc "thoáng" trong cấp phép

Trong năm 2017, FDA Mỹ đã phê chuẩn 3 liệu phép điều trị bằng gen, tuy nhiên không biện pháp nào trong đó sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa gen Crispr. Hai trong số 3 liệu pháp đó được dùng để điều trị các chứng bệnh ung thư giai đoạn cuối, cả hai đều dựa trên nguyên lý chỉnh sửa các tế bào miễn dịch của người bệnh. 

Phương pháp thứ ba được ứng dụng trong điều trị một chứng mù hiếm gặp ở trẻ em, nhằm chỉnh sửa các tế bào trong mắt.

Về lý thuyết, Bộ Y tế Trung Quốc phải cấp phép cho tất cả những cuộc thử nghiệm lâm sàng liên quan tới những thử nghiệm sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa gen. Tuy nhiên những nguyên tắc quản lý này theo WSJ cũng có vẻ khá thoải mái.

Báo Mỹ dẫn ví dụ về trường hợp của Bệnh viện ung thư Hàng Châu. Khi bệnh viện này gửi đề xuất thử nghiệm điều trị ung thư bằng cách chỉnh sửa các tế bào miễn dịch của người bệnh, họ đã được cấp phép chỉ trong một buổi chiều.

Mặc dù đã có một lượng dữ liệu (chưa đủ lớn) khẳng định độ an toàn ít nhiều của việc thực hiện kỹ thuật chỉnh sửa gene Crispr trên người, nhưng nhiều nhà khoa học trong giới vẫn lo ngại liệu pháp này có thể gây ra những đột biến gen không mong muốn và có thể không đem lại kết quả thực sự như mọi người kỳ vọng.

Thế nên cho tới nay, y văn thế giới vẫn chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào sử dụng liệu pháp điều trị bằng kỹ thuật chỉnh sửa gen Crispr thành công và đã được thẩm định về mặt khoa học. 

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,272,317       1,554