TTO - Trên chuyến xe đưa những người con tha hương về tổ ấm vui vầy ngày tết cũng chuyển chở bao nhiêu câu chuyện, nỗi niềm, tâm trạng.
Dịp giáp Tết, những chuyến xe rời thành phố mang theo bao câu chuyện tình người - Ảnh minh họa: NAM TRẦN
Trước thềm đón tết, những người bạn, đồng hương thường nhắn hỏi nhau: "Mùng mấy được nghỉ tết?", "mua được vé chưa?", "vé mắc lắm không?"… Họ san sẻ nỗi bồn chồn, lắng lo và háo hức.
Chị Trần Thảo kể: "Ngày còn sinh viên, cứ độ xuân đến tết về là trúng mùa thi cử. Vừa ôn thi vừa làm thêm vào buổi đêm, đến khuya mới về tới kí túc xá, đã mệt nhoài nhưng tôi ráng đan chiếc khăn len làm quà tặng mẹ. 28 tháng Chạp, tôi xách lỉnh kỉnh balo lên tàu về nhà. Ngồi cạnh tôi là hai mẹ con trông nhợt nhạt.
Hỏi thăm mới hay, người mẹ làm công nhân, rồi ngày cuối tuần đi rửa chén cho nhà hàng để đủ tiền nuôi cậu bé suy dinh dưỡng. Tôi rưng rưng. Sau một hồi ngần ngừ trong suy nghĩ, tôi liền lấy chiếc khăn len đỏ thẳm đã đan tặng mẹ quàng lên cổ cậu bé.
Mẹ tôi rất vui vì con gái mẹ đã biết chia sẻ hoàn cảnh với người khác, nhưng tôi lúc ấy chỉ nghĩ là cậu bé đang lạnh cần được sưởi ấm. Tôi đã đan một chiếc khăn khác cho mẹ".
Và kỉ niệm trên chuyến tàu về quê ăn tết năm đầu sinh viên đã theo chị Thảo mãi, bởi ánh mắt hạnh phúc của người mẹ, nụ cười hây hây trên môi cậu bé như hoa nở mùa xuân.
Với Anh Vũ, quãng thời sinh viên là năm tháng rực rỡ nhứt đời người. Vũ vẫn còn cảm giác lâng lâng khi hồi nhớ chuyến phượt của nhóm bạn đi từ Sài Gòn về Ninh Thuận trước tết 4 ngày.
"Mặc dù gia đình không đồng ý để chúng tôi về quê bằng cách phượt như thế, chúng tôi cũng chơi liều. Tuổi trẻ mà. Cảm giác cả đoàn nối đuôi nhau băng băng sa lộ, từng cung đường, ngã rẻ khắp nơi tưng bừng hoa vàng hoa đỏ, nhạc sôi động thật đã. Đến tối, đoạn qua tỉnh Đồng Nai, chúng tôi dừng nghỉ chân tại quán cà phê võng thì thấy hai vợ chồng trẻ chở dưa hấu gặp sự cố. Xe vấp đá, anh chị ngã nhoài, dưa hấu lăn tứ tung.
Dịp cận tết, xe cộ đông, xe tải cán chẹp trái dưa, có xe thì né, có người đá dưa qua bên lề để không phải cán vào. Mười mấy đứa nam sinh chúng tôi ùa ra phụ anh chị nhặt dưa, thoáng chốc là xong. Chị quệt giọt nước mắt nói lời cảm ơn, khiến chúng tôi xúc động.
Chúng tôi mua ủng hộ anh chị vài cặp dưa, anh khéo tay khắc lên chữ ‘Tâm’ mà không phải là ‘Phát tài phát lộc’ hay ‘Vạn sự như ý’. Trên đường về, tôi cứ nghĩ hoài ý nghĩa của nét chữ khắc uốn lượn đó".
Với Nguyễn Ân, 4 năm đại học ở Sài Gòn là 4 năm anh đi xe đò về quê ăn tết. Quê Ân tận Cà Mau nên vé rất cao, anh phải đặt trước tết hơn một tháng. Năm nào bắt xe đò về quê ăn tết cũng để lại kỉ niệm trong Ân. Bởi, theo Ân, chuyến xe đò như một lát cắt nhỏ của cuộc sống, mỗi con người mang một câu chuyện của riêng họ, có người muốn tỏ bày chia sẻ, có người khép mình chẳng muốn ai đụng chạm đến, có người rôm rả cười nói qua điện thoại với người nhà…
Ân tâm sự: "Xe chúng tôi bị trễ hơn 30 phút vì bà già nghèo nài nỉ bác tài xin được quá giang về nhà, vì bà không có tiền trả tiền xe. Trên xe nhiều người bắt đầu phàn nàn tài xế sao không cho lăn bánh. Rồi một anh bộ đội trả tiền cho bà, để bà được lên xe về nhà.
Mọi người dè chừng, né tránh bà. Quá nửa chặng đường, đứa bé ói mửa trên xe, ai nấy đều khó chịu vì mùi chua lan khắp xe, tiếng em bé khóc thét. Bà già nhẹ nhàng đưa cho người mẹ trẻ chai dầu gió, hướng dẫn cách xoa vùng bụng, thái dương, lòng bàn chân, lòng bàn tay để giữ ấm cho cháu. Người mẹ cảm ơn và bắt chuyện hỏi thăm bà. Chẳng biết có phải mùi dầu gió thoảng nồng mà chuyến xe năm đó ấm áp vô cùng".
Tết năm ngoái, Di Phạm đang du học tại Nhật Bản nhưng đã khiến ba mẹ một phen bất ngờ khi cô âm thầm săn vé máy bay về quê hương ăn tết. Di nói, cảm giác bước xuống sân bay không người đón mới thật trống trải, nhưng cô đã nhanh chóng gạt đi cảm giác đó để bắt xe đò về nhà. Rảo bước trên con đường làng dẫn vào nhà bao nhiêu kỉ niệm một thời ấu thơ tung tăng đón tết ùa về trong. Để rồi, mới đến cổng nhà, nước mắt Di đã tuôn trào, và cảm xúc vỡ òa khi ba mẹ bất ngờ ôm con gái.
Năm nay, Di đang làm luận văn không về quê được, nhưng cô nói: "Tết đúng thật là nhà. Và cảm xúc, câu chuyện trên đường về quê ăn tết cũng ý nghĩa như chính tết vậy!".