Thời tiết chuyển từ mùa đông sang xuân là thời điểm thuận lợi cho dịch bệnh viêm màng não mô cầu gia tăng, bệnh diễn tiến nhanh, nguy hiểm.
Xuất hiện ban hoại tử ở da. Ảnh minh họa. Nguồn: vicare.vn
Bệnh viêm não, màng não do mô cầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan qua đường hô hấp do vi khuẩn Neisseria Meningitidis gây ra, vi khuẩn não mô cầu gồm 4 tuýp chính (A,B,C,D) trong đó tuýp A và B gây bệnh nhiều nhất.
Viêm não mô cầu diễn tiến nhanh, nguy hiểm
Thời tiết chuyển từ mùa đông sang xuân là thời điểm thuận lợi cho dịch bệnh viêm màng não mô cầu gia tăng. Bệnh viêm não mô cầu diễn tiến nhanh, nguy hiểm. Do đó, khi thấy người bệnh có biểu hiện như: Sốt cao, đau đầu, buồn nôn… đặc biệt khi thấy xuất hiện ban hoại tử ở da cần đưa ngay đến bệnh viện để điều trị kịp thời.
Bệnh viêm não mô cầu do vi khuẩn não mô cầu gây ra, loại vi khuẩn này cư trú ở vùng hầu họng, bình thường vi khuẩn chung sống hòa bình với con người nhưng nếu vì lý do nào đó sức khoẻ giảm sút, độc lực vi khuẩn biến đổi thành chủng vi khuẩn có độc lực cao thì có thể gây bệnh cho người đó và lây lan cho người khác trong cộng đồng.
Viêm não mô cầu gây ra nhiều bệnh cảnh trên người trong đó hay gặp nhất là thể viêm màng não mủ và thể nhiễm trùng huyết:
- Thể viêm màng não mủ: Bao gồm các triệu chứng như sốt cao, đau đầu, buồn nôn, cứng gáy, động tác chậm chạp, lơ mơ và hôn mê. Nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời sẽ diễn biến nặng và dẫn đến tử vong.
- Thể nhiễm khuẩn huyết: Có thể diễn biến tối cấp hoặc cấp tính, đối với người diễn biến tối cấp tử vong rất nhanh trong vòng 2 giờ hoặc 24 giờ đầu kể từ khi nhập viện; đối với thể cấp tính bệnh nhân sốt cao, xuất hiện ban hoại tử trên da và có biểu hiện sốc nhiễm trùng.
Nếu bệnh nhân được điều trị kịp thời, đúng phác đồ, trang thiết bị hỗ trợ tốt có thể cứu sống bệnh nhân.
Chủ động phòng bệnh viêm não mô cầu
- Đối với bệnh nhân viêm não mô cầu cần phải được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và phải được cách ly, hạn chế tiếp xúc không để lây bệnh cho người xung quanh.
- Đối với người nằm trong vùng dịch hoặc tiếp xúc với bệnh nhân viêm não mô cầu thì phải được uống thuốc dự phòng bằng kháng sinh Ciprofloxacin 500mg một viên.
- Thường xuyên súc họng bằng nước muối hoặc các dung dịch sát trùng mũi họng, giữ vệ sinh cá nhân, nhà ở, nơi làm việc đảm bảo thông thoáng sạch sẽ.
- Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh viêm não mô cầu chủ động hiệu quả nhất, hiện nay có hai loại vắc xin phòng bệnh 3 tuýp vi khuẩn A, B và C.
+ Vắc xin Meningo AC do Pháp sản xuất chỉ định tiêm cho trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên và người lớn, lịch tiêm mũi 2 cách mũi 1 là 3 năm, liều tiêm 0,5 ml/lần.
+ Vắc xin VA – Mengoc – BC do Cu-Ba sản xuất chỉ định tiêm cho trẻ trên 3 tháng tuổi trở lên, lịch tiêm mũi 2 cách mũi 1 là 2 tháng, liều tiêm 0,5 ml/lần.
Hai loại vắc xin được tiêm ngừa rộng rãi cho các đối tượng được nhà sản xuất khuyên dùng, vắc xin có giá trị phòng bệnh cao, an toàn.