Sống khỏe

Nộp đơn 20 năm mới được kết nạp hội nhà văn Việt Nam

TTO - Có nhà văn dù nộp đơn và chờ đợi từ 20 năm nhưng đến nay mới được kết nạp thành hội viên Hội nhà văn Việt Nam.

Nộp đơn 20 năm mới được kết nạp hội nhà văn Việt Nam - Ảnh 1.

Nhà thơ Hữu Thỉnh (trái) trao giải thưởng cho các tác giả - Ảnh: T.H

Đó là chia sẻ của nhà thơ Hữu Thỉnh tại lễ trao giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm 2017, diễn ra sáng 4-2, tại Hà Nội.

Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam nhấn mạnh năm qua đơn vị này đã đạt được nhiều thành tựu như tổ chức thành công ngày thơ Việt Nam, nhiều nhà văn được trao giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

"Lần đầu tiên chúng ta tổ chức thành công cuộc gặp mặt với các nhà văn Việt Nam đang sống và làm việc ở nước ngoài, không phân biệt chính kiến, lí lịch, cư trú, miễn là người Việt Nam đang cầm bút.

Đây là hoạt động chung của giới văn học nghệ thuật với quan niệm tất cả các nghệ sĩ ở mọi chân trời, hướng về Tổ quốc đều được đón nhận như những tinh hoa, tinh thần của dân tộc", ông Hữu Thỉnh nhấn mạnh một trong những thành công nổi bật của Hội nhà văn Việt Nam năm qua.

Một thành công nữa của Hội nhà văn mà ông Thỉnh hết sức vui mừng là kết nạp được nhiều hội viên trẻ.

Ông nói với một đất nước gần 100 triệu dân mà có 1000 nhà văn (hội viên Hội nhà văn Việt Nam) thì không còn ít. Vấn đề sống còn đối với Hội nhà văn là chất lượng.

Có những nhà văn nộp đơn, chờ đợi 20 năm nay mới được kết nạp vào Hội nhà văn.

Nhưng có những người rất may mắn là vừa mới nộp đơn đầu năm thì cuối năm được kết nạp rồi.

"Khi một nhà văn tham gia vào Hội nhà văn thì đồng nghĩa rằng, từ hôm nay, họ được tham gia vào giới tinh hoa của văn học đất nước. Danh hiệu nhà văn được hiểu theo nghĩa đó.

Viết văn thì cả nước viết. Nhưng đã nhận quyết định hội viên hội nhà văn Việt Nam thì được hiểu rằng anh, chị, bác, ông, bà đã tham gia vào giới tinh hoa của nền văn học đất nước", ông Hữu Thỉnh phát biểu.

Đây cũng là năm đầu tiên Ban liên lạc các nhà văn Việt Nam ở nước ngoài được thành lập với mục đích gắn kết các nhà văn trong và ngoài nước, hỗ trợ xuất bản các tác phẩm nhà văn hải ngoại ở trong nước.

Ông Thỉnh đánh giá rất cao tinh thần viết cho thiếu nhi chuyên nghiệp của nhà văn Vũ Hùng – người được trao giải thưởng sự nghiệp văn học cho bộ sách 18 cuốn viết cho thiếu nhi.

Còn nhà văn Vũ Hùng chia sẻ lý do ông lựa chọn những trang văn cho thiếu nhi bởi "hồi xưa viết những gì liên quan đến chính trị phải rất thận trọng. Còn viết cho thiếu niên chỉ là tình yêu đất nước, thiên nhiên, con người… Tôi chọn viết cho thiếu niên để tác phẩm được lâu dài hơn. Qua những tác phẩm ấy, tôi muốn giới thiệu về vẻ đẹp đất nước, chim muông, thiên nhiên Việt Nam là những thứ không thay đổi".

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, phó chủ tịch Hội, giải thích lý do năm nay không có giải thưởng cho thơ và văn xuôi: "Cả thơ và văn xuôi năm nay, nếu ai nói chúng ta mất mùa vì không có tác phẩm xứng đáng thì không phải.

Chúng ta vẫn có tác phẩm xứng đáng được tặng giải. Nhưng khi đưa vào xét, đối chiếu với những tiêu chí hiện hành thì tác phẩm đó vi phạm điều này, không thoả đáng điều kia. Dù tác phẩm đó vẫn thực sự gây được những ấn tượng nghệ thuật đáng trân trọng, ít nhất là trong một năm khi tác phẩm đó ra đời".

Về giải thưởng lý luận phê bình được trao cho Bóng người trong bóng núi, ông Khoa nhận xét đây là cố gắng mới của nhà văn Lê Thành Nghị. Cuốn sách đề cập đến một thế hệ nhà văn mặc áo lính, xuất hiện trong những năm chiến tranh. Nhà văn đã có cái nhìn mới với những phát hiện mới về vẻ đẹp anh bộ đội cụ Hồ.

Còn Cách tân nghệ thuật văn học phương Tây là đóng góp chính trong cả một đời nghiên cứu và giảng dạy của GS Phùng Văn Tửu.

Tác phẩm dịch Khổ vì trí tuệ do dịch giả Lê Mẫn Đức chuyển nghĩa được đánh giá là bản dịch hay nhất trong sách dịch năm nay.

Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2017:

Tập tiểu luận phê bình Bóng người trong bóng núi của nhà thơ, nhà lý luận phê bình Lê Thành Nghị.

Tập lý luận phê bình Cách tân nghệ thuật văn học phương Tây của nhà nghiên cứu lý luận phê bình Phùng Văn Tửu.

Kịch thơ Khổ vì trí tuệ của Aleksandr Griboedov, bản dịch của dịch giả Lê Đức Mẫn.

Giải thưởng sự nghiệp văn học cho bộ tác phẩm viết cho thiếu nhi (gồm 18 cuốn) của nhà văn Vũ Hùng.

Hội nhà văn Việt Nam trao giải thưởng cống hiến lần hai cho các tác giả: nhà văn Văn Linh, nhà văn Phượng Vũ, nhà thơ Hữu Đạt, nhà thơ Hồ Khải Đại, nhà thơ Hải Hồ, nhà văn Nguyễn Văn Xuân, nhà thơ Hoài Anh, cố nhà văn Võ Hồng, nhà văn Từ Bích Hoàng, nhà thơ Lê Văn Ngăn.

Hai nhà thơ từ chối giải của Hội Nhà văn TP.HCM

TTO - La Mai Thi Gia với tập Thơ Trắng và Nguyễn Thị Thanh Long với tập Những ký âm ngân có tên trong danh sách tặng thưởng của Hội Nhà văn TP.HCM vừa tuyên bố từ chối giải này.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,304,495       1,803