TTO - Cái tin thằng Mùng Tám đi thi hát cải lương rồi đoạt giải cao nhất dậy sóng rần rần khắp xóm làng. Ai đời thằng con hoang bị hất hủi nay vẻ vang làm anh nghệ sĩ.
Minh họa: KIM DUẨN
Chuyện xôn xao cả buổi chợ sớm, đến tận khi khói đốt đồng hanh nồng khắp miền quê heo hút.
Mùng Tám sanh nhằm ngày sao hội. Má trộm vía lấy đó đặt tên.
Mùng Tám thích cải lương, thích sống chết chứ chẳng phải vừa. Nó hát mọi nơi nó có mặt, từ những ruộng lúa trổ đòng đòng, mùa giáp hạt, bát ngát một màu vàng trĩu trịt đến mỗi bận nó xuôi theo con nước lớn ròng mà ra dòng cái Rãi Quạt.
Nó hát có lớp có lang đàng hoàng dù chẳng học qua thầy đờn nào hết. Nó ngấm từng câu ca từ thuở bên võng mẹ ru, đến chập chững bập bẹ thì cũng toàn nghe cải lương mà thôi. Riết nó nằm lòng ron rót sáu câu vọng cổ, mấy cái tuồng tích xưa cũ.
Được cái nó ca mùi ơi là mùi. Giọng nhừa nhựa, đục ngầu như đám phù sa ven sông bồi lở hai bờ. Phả cái hơi ra, nghe chì chiết the thắt như đám bấc mỗi mùa thổi ràn rạt mấy bụi mù u sau nhà.
Mỗi bận cúng đình, khi đã thấm ngà rượu gạo Nha Mân, nó vô câu nào nghe nhức nhối câu đó. Ngộ kỳ là nó chỉ toàn hát mấy câu não ruột, đoạn trường ai oán, biệt ly thương sầu mà thôi. Đời nó buồn từ hồi còn trong bụng má nó lận. Nên trời sinh cái giọng nó thê lương như phận mình. Nghiệt vậy đó.
Thì nghiệt vậy đó, mà nó thành anh nghệ sĩ, kiểu một bước lên mây vẫn còn ngây đực mặt chẳng hiểu mình là ai, giữa thế giới phù hoa bên ngoài cánh đồng làng. Nào giờ nó có quen lối sống đô hội phồn hoa đầy hào nhoáng nhưng cũng quá nhiều đãi bôi.
Tháng chạp, bấc về lạnh cô tịch, tiết trời âm âm xám xịt. Đám lục bình kết giề lững lờ trôi. Mùng Tám ngồi trên bến, khỏa nước rửa lại mớ đọt bí vừa hái, nay giỗ má, như lệ thường, nó có gì cúng đó.
Sớm đi chợ, mấy dì ghẹo anh nghệ sĩ sao giỗ mẹ tiết kiệm vậy trời. Giờ giàu rồi làm linh đình, mời bà con chòm xóm cái coi. Nghệ sĩ gì đâu mấy dì ơi, mình đi hát ai thương gì thì cho, mình dành dụm lại đặng sau này thủ thân, chứ không phải ai nghệ sĩ cũng giàu đâu mấy dì.
Hồi ấy, Mùng Tám làm thợ đụng, kiểu đụng đâu làm đó, ai kêu mần chi nó lấy sức trâu của mình ra mà mần. Chẳng nề hà, chẳng trả giá. Ai thương cho nhiều. Ai không thương cho ít.
Nó cũng cầm lấy mà cười rằng: "Phận nghèo dù trong dù đục cũng là do bởi đoạn trường một kiếp nhân sinh. Thì thôi đây còn chút tình gửi lại cuộc đời, để rồi mai này đường xa diệu vợi tăm tối thì xin người, người ơi, người hỡi, đừng nhớ đừng thương đừng tiếc đến cái thằng mang tên Tám Mùng".
Bà Bảy quệt môi trầu, móm mém háy nó một cái. Tổ cha mày, hái có mấy trái dừa hà, cho vậy chê ít hả? Xuống xề nghe trúc trắc vậy mà vẫn tái tê hen.
Bảy ơi, mấy ông soạn giả người ta có học, người ta viết nó mướt rượt như tóc cô Út vậy đó. Còn con có học hành chi đâu nè. Con nghĩ sao con ca vậy, nên nó gồ ghề sần sùi như con vậy đó.
Bảy thương thì Bảy gả Út Trong cho con nghen. Út Trong về dạy con lễ nghĩa nhân tình, con qua con ca lại ngọt như mía lùi Bảy nghe.
Chèn đét ơi! Bây học cái thói tán tỉnh ở đâu vậy? Nè cầm thêm hai chục rồi đi lẹ lẹ ông con ơi. Gả nó cho ông chắc đói ròng đói rã, đói bỏ cha bỏ mẹ mà biệt xứ quá bây.
Từ bận đó thằng Mùng Tám thôi không còn nhìn Út Trong nữa. Có gặp nhau giữa lộ, nó cũng cúi gầm mặt mà đi.
Nó thương Út Trong lắm đó. Nhưng ngặt nỗi Bảy cũng nói đúng quá chừng. Nó nghèo đến cái mồng tơi cũng không có mà rớt.
Lại mang phần tứ cố vô thân. Cả cái làng này đâu biết tía nó là ai. Mỗi má nó biết. Mỗi lần nó hỏi, má nó đều lặng thinh không nói. Má nó chỉ hát vậy nè: "Se sẻ nó đẻ cột đình, bà ngoại đẻ má, má đẻ mình bạn ơi".
Nó học thuộc câu đó để mỗi bận đi học, lũ bạn đè đầu cưỡi cổ nó bằng hai chữ con hoang thì nó cũng ráng hát lại câu đó rồi chạy một mạch về nhà.
Lén má, nó trốn sau bụi mù u mà khóc. Cũng chỉ là khóc mấy lần, rồi nó nín luôn. Không thèm khóc nữa. Đó là cái lần nó bắt đầu biết thương má, trong tâm trí non nớt của một đứa đâu chừng bảy hay tám tuổi.
Thắp nén nhang cho má giữa những cơn bấc xạc xào ngoài hiên. Giỗ nào cũng mình ên nó, đứng nhìn với lên bàn thờ có khung ảnh má.
Má nè, năm nay con đỡ rồi nghen, con giờ là anh nghệ sĩ đó, mà đi hát người ta kêu con đổi tên đi, con đâu có chịu, con chỉ thích mỗi cái tên Mùng Tám má đặt, để luôn nhắc nhớ về quá khứ của mình.
Kể má nghe chuyện này nè, nay canh bí con thiếu vài cọng ngò, hông phải quên, mà ban nãy đi chợ về giữa đường gặp cô Út Trong, con đánh liều nhét tay cổ mấy cọng ngò, hát cái câu ca hồi xưa giờ hổng dám hát với cổ.
Thằng Mùng Tám lấy giọng: "Đưa tay anh ngắt cái cọng ngò...".
Câu hát chưa dứt thì thấp thoáng ngoài cổng rào Út Trong kéo cửa, tay cầm mớ trái cây, miệng cười thẹn thùng.
Bấc nở đóa hoa duyên.
Trời tháng chạp, mà lòng Mùng Tám đã Tết.