Sống khỏe

Chuyện cuối tuần: Hồn tết đất Phan

TTO - 'Tết này nhà chưa dộng cốm hả con?', ngoại xách giỏ từ quê ra, ngồi chưa nóng chỗ đã quanh quất mắt tìm, thắc thỏm.

Chuyện cuối tuần: Hồn tết đất Phan - Ảnh 1.

Cốm nếp - Ảnh tư liệu

Mẹ tôi giấu biệt bị cốm óng ánh thắt nơ gói sẵn vừa mua ở siêu thị, trả lời ngoại bằng việc ra chợ xách về một túm nổ.

Tết có ngoại ra chơi, tôi sướng rơn vì được trở về tuổi nhỏ cùng với cốm.

Cốm đây là cốm Hộc xứ Phan Rang, Phan Thiết, là viên cốm đóng từ hạt nếp già rang chín nổ lục bục như bắn pháo bông trong chảo rang, nên được dân Cốm xứ Phan (và hình như cả dân Cốm miền Trung) đều gọi bằng cái tên đầy sức vang: hạt nổ.

Nếu như cốm Bắc nhắc nhớ về một mùa thu Hà Nội bần thần gió heo may, cốm dẹp miền Tây gợi một mùa hội Ok Om Bok vang vang nhịp chày Khmer thì cốm Hộc, tên gọi nghe bộ thô khan ấy, lại là âm thanh dễ làm thao thiết bất cứ lòng người xứ Phan nào. Thao thiết vì biết rằng: sắp tết!

Có thức quà nào đặc trưng cho tết đất Phan trong ký ức tôi như cốm Hộc?

Khi cứ nghe những đợt bấc ngang ngược bỗng đằm xuống, nghe nôn nao mùi tết dậy lên giữa những con nắng ủ ê, ngước lên một mái tôn, ngó vào một sân nhà lại thấy giữa màu củ cải củ kiệu phơi trắng tinh, màu những lát chuối dần khô ngả sẫm nâu là ngà ngà, rắn rỏi sắc vàng từ những mâm phơi cốm.

Nhà ngoại tôi có nghề rang nổ. Ngược về những ngày tết nơi quê ngoại, tôi hay gặp mình - một con nhỏ ốm nhom ngồi chống cằm mơ màng bên một bếp lò. 

Đấy là cái lò không xây, không tô ximăng chi cả. Chỉ gạch xếp bên trong, ngoài đắp bùn lẫn đất đỏ động cát nhưng vẫn chắc, vẫn bền bỉ chứa lửa qua bao nhiêu năm tháng. Bên cái lò rang ngó dã chiến ấy, tôi chóc ngóc ngồi đợi một mùi hương.

Mùi hương lạ lắm. Vừa lơ đãng lại vừa đắm say, nồng đượm. Vừa sang trọng, thơm thơm hương nếp lại mộc mạc đến quê kiểng bởi mùi gì như mùi bùn ruộng, mùi mồ hôi đất, mồ hôi người.

Mùi nổ chín đấy!

Hạt nếp ủ khốc liệt nắng gió đất Phan cuối cùng đã nở hoa và tỏa hương. Ngoại lùa nhanh đầu chổi quét, hương tràn từ miệng chảo xuống cái rổ tre. Ngoại xoay tròn, đưa lên hạ xuống nhịp nhàng thành rổ, hương túa cả theo những mảnh vỏ trấu được sảy ra bay vèo. Ngoại tôi gọi khâu "múa rổ" duyên sao là duyên ấy là: xảo nổ.

Mắt ngoại kém dần. Tết quê ngoại, đến mợ tôi cũng mua hai ba túm nổ rang sẵn về thay vì chụm củi, chở trấu nhóm lò rang. Mùi nổ chín, mùi của cái đẹp lúc còn nguyên sơ chỉ còn là mùi hương ký ức.

Đành vui với túm nổ còn được mợ, được mẹ tôi mua về từ buổi chợ tết đầy bánh trái kẹo mứt.

Để bầy cháu nhỏ trong nhà lại được chụm đầu bên mâm nổ ăm ắp, vừa lựa trấu vừa chọc giỡn nhau thay vì bặm môi nhíu mày nhấp lia lịa trên màn hình iPad. Để em trai tôi còn bị vợ nhằn sao thắng đường cháy hết trọi, rồi quên bỏ gừng hay sao mà nước đường hổng thơm gì hết, thay vì ngồi bên cạnh gọi nhau ăn cơm bằng tin nhắn Zalo.

Những mùa tết ngoại ra chơi là những mùa tết nhà tôi rộn tiếng người. Nào ồn ào tiếng mẹ gọi em trai tôi bưng xoong nước đường, xách bị nổ đã lượm sạch trấu ra nhà dộng cốm thuê đầu hẻm. 

Nào vội vàng tiếng chân em dâu tôi chạy về hai ba lượt, khi vì quên bị nho khô, khi đem thêm lon sữa bò. Rồi cả tiếng ba tôi sốt ruột ra vô canh giờ nhắc lấy cốm.

Ngồi cắt những tấm giấy gói vuông vuông, tôi nghĩ về viên cốm, khối vuông vức đẹp đến lạ lùng từ tấm áo ngà óng màu đường, từ miếng nho khô xinh xẻo điểm giữa một mặt vuông đến vị ngọt dịu thơm thơm của nếp rang chín quyện cùng nồng nồng hương gừng, beo béo hơi sữa.

Sao lâu nay tôi không nhận ra cốm cũng hệt ngoại tôi, sợi dây kết nối hồn tết đất Phan và hồn người.

Chỉ biết ước thầm những cái tết sau, sau nữa... bên cạnh tôi vẫn luôn có ngoại và cốm Hộc.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,306,746       1,718