TTCT - Khi những men say đã giảm, giờ là lúc thích hợp nhất để nhìn lại kỳ tích U-23 nhằm hướng đến tương lai...
Để niềm vui của U-23 được trọn vẹn sẽ còn là một hành trình dài với bóng đá Việt. Ảnh: Nam Trần |
Khi nhìn lại, mới thấy bên cạnh niềm vui lớn với thành tích á quân U-23 châu Á, một lực lượng cầu thủ trẻ có tài lẫn có giáo dục, một vị HLV có trình độ..., vẫn còn nhiều nỗi lo.
Thành tích bóng đá trẻ không phải là tất cả
Không ít người ngạc nhiên khi không thấy truyền thông Nhật Bản chì chiết, ta thán, báo động gì cả cho nền bóng đá đang là số 1 châu Á nhưng đội tuyển U-23 của họ đã bị Uzbekistan hạ đến bốn bàn trắng.
Cũng không ít người ngạc nhiên khi thấy U-23 Uzbekistan đoạt cúp vô địch sau khi thắng sít sao đội Việt Nam 2-1 trong một trận đấu kỳ lạ trên mặt sân đầy tuyết, kịch tính - ghi bàn ấn định 2-1 ở phút 119 - nhưng báo chí nước này chỉ đưa những dòng tin ngắn đơn giản.
Tóm lại, báo chí trong khu vực châu Á nếu có dành nhiều đất đai, thời lượng cho vòng chung kết U-23 châu Á 2018 thì chủ yếu chỉ nói về “hiện tượng Việt Nam”!
Đơn giản bởi, trong bóng đá, giải trẻ vẫn chỉ là giải trẻ; hoàn toàn không có chuyện đội nào thành công ở U-17 thì sẽ thành công ở U-20, hay thành công ở giải U-23 thì vài ba năm sau sẽ thành công ở cấp độ đội tuyển - thước đo chính để xếp hạng một nền bóng đá.
Chính vì vậy, chúng ta mới thấy bóng đá Uzbekistan làm mưa làm gió ở các giải U-17, U-20, U-23 nhưng cấp độ đội tuyển thì thành tích cao nhất chỉ là xếp hạng tư Cúp châu Á vào năm 2011!
Cũng chính vì vậy mới thấy tại sao một trận chung kết mà tuyết bay mù trời, mặt sân trắng xóa nhưng mặc kệ, vẫn cứ tổ chức cho xong.
Hay Trung Quốc, một quốc gia nổi tiếng về mặt “làm màu” với thế giới, nhưng lại đi cào tuyết bằng tay chứ không phải là xe cơ giới hiện đại - đơn giản bởi chỉ là giải trẻ thôi mà nên cơ sở vật chất, sân bãi cũng chỉ thế mà thôi.
U-23 là thế hệ vàng 2.0?
Nếu chỉ tính bóng đá Việt Nam kể từ khi đất nước hoàn toàn thống nhất thì lứa Hồng Sơn, Minh Chiến, Huỳnh Đức... đã được mọi người gọi là “Thế hệ vàng”.
Sau lứa đó, bóng đá Việt thật sự chìm vào khủng hoảng. Đã có lúc tưởng rằng Thế hệ vàng 2.0 ra đời với lứa Văn Quyến nổi đình nổi đám ở vòng chung kết U-16 châu Á 2000 tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, “vàng” chưa đủ tuổi đã bị tan chảy bởi cá độ, cờ bạc, gái gú...
Khi Văn Quyến và các đồng đội đứng trước vành móng ngựa sau vụ bán độ ở Bacolod, Philippines năm 2005, nhiều người đã khảo sát sâu rộng về hệ thống đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam và giật mình: Người lớn chỉ chăm chăm dạy con trẻ kỹ năng đá bóng chứ không hề quan tâm đến giáo dục, bao gồm dạy chữ và dạy làm người.
Còn nhớ ngày ấy khi đi tìm hiểu về lò đào tạo thành công nhất của bóng đá Việt là Đoàn bóng đá Sông Lam Nghệ An, chúng tôi đã giật mình khi nghe kể câu chuyện các cậu bé 13-14 tuổi chỉ học văn hóa quấy quá theo chương trình bổ túc.
Các thầy thì đến 17h là ai về nhà nấy. Từ đó đến tối, mặc các cầu thủ nhí ra sao thì ra. Và khoảng thời gian từ 17h trở đi đó đập vào mắt các em nhỏ là gì?
Là hình ảnh các đàn anh trong đội lớn diện đồ hiệu đi chơi với bạn gái, đi nhậu, đánh bài... Vì vậy, chuyện Văn Quyến và một số đồng đội ra tòa là điều tất yếu phải xảy ra.
Chính từ những bài học đau lòng đó, khi lò đào tạo của bầu Đức ra đời, vấn đề rèn giũa nhân cách, dạy văn hóa, ngoại ngữ đã được chú trọng không kém chuyện ăn, chuyện học đá bóng. Tiếp đến, các lò Viettel, Hà Nội T&T, VPF khi ra đời cũng rất chú trọng chuyện này, khác hẳn ngày xưa.
Chính vì vậy, những người theo dõi kỹ bóng đá Việt đã tự tin khẳng định: Ở lứa tuổi U-23, các cầu thủ vừa tạo nên kỳ tích ở Trung Quốc dễ thương nhất từ xưa đến nay. Không ai không cảm thấy tự hào lây khi xem clip đội trưởng Lương Xuân Trường trả lời báo chí quốc tế bằng tiếng Anh trôi chảy với ngôn ngữ khiêm cung, phong thái lễ phép.
Song liệu lứa U-23 này có trở thành Thế hệ vàng 2.0 hay không, hay lại “yểu mệnh” như lứa Văn Quyến?
Chúng ta đã thấy biết bao cán bộ là “hạt giống đỏ”, được đào tạo hết sức bài bản nhưng gục ngã bởi những viên đạn bọc đường.
Vì vậy, dù được đào tạo tốt hơn trước đây, song cũng chẳng có gì đảm bảo lứa U-23 hiện nay sẽ trở thành vàng không sợ lửa! Tôi nói điều đó bởi nhớ lại nỗi lo của bầu Đức, đó là khi lứa Lương Xuân Trường vừa “ra ràng”, ông tuyên bố chỉ muốn đưa họ ra nước ngoài thi đấu chứ quá sợ V-League...
V-League là mấu chốt
Vâng, muốn lứa cầu thủ tài năng U-23 hiện nay trở thành Thế hệ vàng 2.0, không thể không nói đến V-League.
Đơn giản bởi cuộc sống nghề nghiệp của một cầu thủ chính là CLB, là giải vô địch quốc gia - nơi đem lại cho họ số lượng trận đấu lớn gấp nhiều lần so với số lần khoác áo đội tuyển quốc gia; thật sự là lò luyện kim để trui rèn cầu thủ trưởng thành.
Nhưng nhìn lại V-League hiện nay của ta thì ra sao? Đầy rẫy bạo lực, đầy rẫy mưu ma chước quỷ, đầy rẫy tiếng còi méo mó của trọng tài... Từ đó đã dẫn đến việc khán đài V-League ngày càng vắng khán giả.
Trong một môi trường như vậy, bầu Đức lo cho các “viên ngọc quý” của ông là phải. Bởi bây giờ họ chỉ là những chàng trai mới lớn, nhìn đời, nhìn nghề bằng một cặp mắt trong trẻo. Nhưng dần dà họ sẽ nghĩ gì khi biết giải đấu mà mình đang cống hiến, đang sống với nó là một giải đấu mà không ít người dùng để mưu cầu lợi ích cá nhân, đi ngược lợi ích cộng đồng?
Chắc chắn họ sẽ nản. Nản thì chí ít tim cũng nguội với nghề, hoặc nặng hơn là sẽ “tặc lưỡi” làm bậy một cú khi có lời đề nghị khiếm nhã đưa ra. Và đã “tặc lưỡi” được lần một thì sẽ có lần hai, lần ba... rồi trượt ngã.
Nhưng muốn V-League thay đổi theo chiều hướng tích cực, giúp các cầu thủ trẻ tài năng một môi trường trui rèn đúng nghĩa thì phải làm sao?
Câu trả lời là: “Người lớn” - ở đây là những người có trách nhiệm trong việc quản lý thể thao, quản lý bóng đá - cũng phải tài năng, có tâm hồn trong trẻo như U-23 vừa qua! Thú thật, mong muốn này quá khó, còn khó hơn cả chuyện U-23 lập kỳ tích.
Qua cái lễ đón U-23 trở về đầy sạn khiến dư luận sục sôi mấy ngày qua, thật sự thất vọng về năng lực và tư cách của không ít nhân vật đang nắm vận mệnh của thể thao, của bóng đá nước nhà.
Người ta đã bất chấp tất cả khi mượn danh U-23 để chường mặt mình ra - một sự chường mặt không vô tình chút nào, nếu nhớ rằng Đại hội Liên đoàn Bóng đá Việt Nam nhiệm kỳ VIII sắp diễn ra!
Chợt nhớ đến một lần trò chuyện với bầu Đức, tôi nửa đùa nửa thật nói với ông rằng: Muốn giúp bóng đá Việt Nam thật sự bay cao, bên cạnh việc mở lò đào tạo cầu thủ thì có một việc quan trọng không kém, nếu không muốn nói là quan trọng hơn, đó là thành lập lò đào tạo cán bộ quản lý bóng đá!
Bầu Đức cười lớn đầy chia sẻ và bảo: “Cái đó thì bó tay!”.■
Nên nuôi “gà chọi” hay không? Nói về sự thành công của U-23 vừa qua, không thể không cảm ơn các lò đào tạo cầu thủ trẻ như Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG, Viettel, VPF, Sông Lam Nghệ An... Tuy nhiên, liệu mô hình đào tạo mà dân thể thao gọi là nuôi “gà chọi” này có thật sự bền vững khi tuyển chọn cầu thủ từ 12-13 tuổi đưa vào trường, lo tất tần tật mọi thứ? Vài mươi năm trước, thế giới đã làm mô hình này và những lò đào tạo gặt hái được nhiều thành công như Ajax, La Masia, JMG... Tuy nhiên, trong khoảng chục năm trở lại đây, mô hình nuôi “gà chọi” này đã không còn khi các nhà hoạt động về giáo dục - xã hội cho rằng lợi bất cập hại khi cách ly những đứa trẻ ra khỏi vòng tay gia đình. Chính vì vậy, JMG phải lặn lội sang châu Á, châu Phi mở lò đào tạo bởi nhiều nước ở hai khu vực này còn có đời sống khá thấp, chưa thật sự quan tâm nhiều đến vấn đề nhân quyền, giáo dục. Còn La Masia với Ajax thì người ta phải chịu nhiều tốn kém, đó là khi tìm được một tài năng trẻ nào thì phải gánh luôn cả gia đình vào làng đào tạo để đảm bảo không tách các cầu thủ nhí khỏi cha mẹ. Song song đó, tất cả đều phát triển hệ thống bóng đá học đường rộng khắp. Chúng tôi thật sự ấn tượng khi trong một chuyến đi phượt mới đây, đến những vùng xa xôi của Thái Lan như Pai, Chiang Dao... thì thấy dù là trường làng cũng đều có ít nhất hai sân cỏ khá đẹp cho học sinh chơi bóng đá. Chúng ta đã nói khá nhiều chuyện này ở Việt Nam khi bàn về việc phát triển bóng đá bền vững, nhưng bao giờ thì làm được? Sau thành công của U-23 được không? |