Sống khỏe

Đã bao lâu mình không làm đẹp?

TTO - 30 người câm điếc tại TP.HCM vừa tham gia lớp học trang điểm tổ chức lần đầu tại TP.HCM.

Niềm vui khi được làm đẹp - Biên tập video: SONG MY

Khi Ông Đức Kim Hạnh (27 tuổi, quê Lâm Đồng) - người khởi xướng của dự án Mộc khoe sắc - hỏi: "Đã bao lâu rồi bạn không làm đẹp?", những kí hiệu 15 năm, 30 năm, 40 năm được mọi người thể hiện bằng tay. Hầu như những người có mặt cho biết lâu lắm rồi họ mới có thời gian để ngắm nhìn lại mình trong gương, để tự làm đẹp cho bản thân mình.

Dù không nói, không nghe được, mọi người luôn nở nụ cười, dùng tay để bày tỏ sự hào hứng, thích thú của mình khi được tham gia lớp học. Tại đây, mọi người được các thành viên của Hành trình Mộc khoe sắc hướng dẫn cách làm đẹp, cũng như các kiến thức về làm đẹp.

Đã bao lâu mình không làm đẹp? - Ảnh 2.

Người khiếm khuyết về nghe, nói trong lớp học trang điểm - Ảnh: S.W

Bà Phạm Cao Phương Thảo -  "người mẹ" dạy chữ, dạy ứng xử xã hội… cho hơn 200 đứa con khiếm thính tại cộng đồng những người điếc câm TP.HCM (DCOH) - có mặt tại lớp học để làm phiên dịch. Bà giúp cho học viên là người câm điếc dễ dàng nắm bắt nội dung học.

Bà Thảo bật khóc kể lại việc chứng kiến người câm điếc vẫn bị phân biệt, bị kỳ thị và không được  xem là những người phụ nữ như bao người khác. Do đó, họ không có cơ hội để được chăm chút cho bản thân cũng như làm đẹp. 

"Các bạn ở DCOH thích làm đẹp lắm. Có bạn muốn theo nghề trang điểm nhưng không ai dạy. Mỗi lần có truyền hình quay, các bạn được trang điểm là thích lắm. Mấy anh nam cũng ngồi yên cho mấy cô trang điểm", bà Thảo kể lại.

"Mình tin rằng phụ nữ nào cũng thích làm đẹp, mong muốn bản thân mình đẹp hơn. Nhưng với các chị, các cô bị câm điếc ở đây, những điều ấy lại quá xa xỉ. Người làm phụ bếp, người đi nhặt ve chai…để lo mưu sinh hằng ngày nên không có điều kiện cũng như không có tiền sắm sửa", Kim Hạnh cho biết.

Trong buổi học, ngoài nữ còn có nam tham gia. Các anh nam cho biết học để về chỉ lại cho bạn gái, người nhà. Anh Phạm Khiêm nói: "Tôi thấy rất vui, thoải mái và nhìn thấy mọi người đều đẹp. Cảm ơn đã dạy trang điểm cho tôi và các bạn".

"Buổi dạy trang điểm cho người khiếm thính kéo dài vài tiếng, nhưng đọng lại cho chúng tôi và những người tham gia những cung bật cảm xúc khó tả, với nụ cười, nước mắt và cả những quyết tâm yêu lấy chính mình nhiều hơn nữa", Kim Hạnh nhớ lại.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,314,439       1,924