Sống khỏe

Số phó giáo sư tăng vọt, vì đâu?

TTO - Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước vừa công bố số lượng tân giáo sư, phó giáo sư được công nhận năm 2017. Trong đó đáng chú ý là số giáo sư, phó giáo sư tăng mạnh so với những năm trước.

Số phó giáo sư tăng vọt, vì đâu? - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga - phó chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước (hiện đã nghỉ hưu) - trao chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư cho một phó giáo sư vào tháng 2-2015 - Ảnh: N.HÀ

Cụ thể, năm 2017 tổng số ứng viên đạt phó giáo sư là 1.141 và 85 ứng viên đạt giáo sư. Con số tương ứng cho năm 2016 là 638 và 65.

Do kéo dài thời hạn nộp hồ sơ

Theo Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước, sở dĩ số ứng viên năm nay tăng vọt so với năm trước là do ngày hết hạn nộp hồ sơ muộn hơn gần 6 tháng so với năm 2016. 

Ngoài ra, nguyên nhân còn có thể do các ứng viên mong muốn được xét theo quy định hiện hành trước khi có sự thay đổi về tiêu chuẩn chức danh.

Ngày 2-2, trao đổi với Tuổi Trẻ, giáo sư - tiến sĩ khoa học Trần Văn Nhung - tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước - cho biết tính tại thời điểm xét duyệt hồ sơ, tân giáo sư trẻ nhất năm 2017 mới 35 tuổi. Đây là tân giáo sư trẻ nhất từ trước đến nay. 

Trước đây, giáo sư trẻ nhất Việt Nam đến hết năm 2016 là 37 tuổi. Còn phó giáo sư trẻ nhất năm 2017 là Đỗ Đức Thuận (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, 32 tuổi, sinh năm 1985) ngành toán học.

"Nếu tính số lượng công trình thì tân giáo sư trẻ nhất không phải là người sở hữu nhiều công trình khoa học nhất. Nhưng chất lượng các công trình khoa học rất tốt, rất ấn tượng. Nhiều công trình được đăng trên những tạp chí khoa học hàng đầu quốc tế. Hội đồng ngành toán luôn là một hội đồng chuẩn mực và khắt khe. Kết quả số phiếu công nhận chức danh giáo sư cho ứng viên này đạt 100% đã nói lên sự vinh danh dành cho tân giáo sư trẻ này là vô cùng xứng đáng" - giáo sư Nhung nói thêm.

Số phó giáo sư tăng vọt, vì đâu? - Ảnh 2.

Nguồn: Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Năm 2019 sẽ theo quy định mới

Thống kê của Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước cho thấy số ứng viên năm nay có tuổi đời trung bình trẻ hơn các năm trước.

Cụ thể độ tuổi trung bình của giáo sư là 55 (năm 2016 là 57) và phó giáo sư là 45 (năm 2016 là 44). Năng lực tiếng Anh của các ứng viên tốt hơn các năm trước. Đặc biệt là các ứng viên trẻ, được đi du học theo đề án 322, đề án 911 của Chính phủ; ứng viên của các cơ sở giáo dục ĐH có hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, ở một số hội đồng, năng lực ngoại ngữ - nhất là tiếng Anh - của các ứng viên còn hạn chế.

Theo giáo sư Nhung, dự kiến từ năm 2019 việc công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư được thực hiện theo những quy định mới nhằm nâng cao chất lượng khoa học, đảm bảo hội nhập quốc tế. 

"Việc đánh giá thành tựu của các ứng viên cần xem trọng cả 3 lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đào tạo và đóng góp cho xã hội. Vì vậy, các ứng viên tương lai cần lưu ý thành tích ở cả ba lĩnh vực này. Không chỉ phụ thuộc vào công bố quốc tế, các ứng viên có thành tích trong đào tạo và có những đóng góp quan trọng đối với xã hội cũng sẽ được ghi nhận xứng đáng. Ngoài ra, các ứng viên tương lai cần chú trọng đầu tư đặc biệt vào ngoại ngữ, nhất là trình độ tiếng Anh" - ông Nhung nói thêm.

5.316 bài báo khoa học

Số lượng bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí ISI và Scopus của ứng viên trong các năm gần đây tăng nhanh. Năm 2017, số bài báo của các ứng viên là 5.316 (trong đó vật lý là 1.177 bài báo, hóa học - công nghệ thực phẩm 1.027, y học 674, sinh học 597...). Ứng viên một số ngành khoa học xã hội và nhân văn đã có bài báo đăng trên các tạp chí ISI và Scopus. Cụ thể kinh tế có 102 bài báo, triết học - xã hội học - chính trị học: 14...

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,314,810       1,827