TTO - Với vụ án VN Pharma Bộ Y tế chỉ làm được một việc là đưa các quan hành chánh ra trước tòa nói toàn những chuyện bạch tuộc trơn lu!
Tòa án là cơ quan tượng trưng cho quyền lực của quốc gia. Bị cáo, bị hại, nhân chứng, người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan... có nghĩa vụ phải khai báo trung thực và nghiêm túc khi bị triệu tập ra trước tòa.
Xưa nay, người ta vẫn nghe câu "Án tại hồ sơ". Thế nhưng, "Án tại hồ sơ" là quan điểm rất xưa; bởi hồ sơ chỉ bao gồm những bút lục chết. Cái sống động là những diễn biến tại phiên tòa. Có những hồ sơ nói một đằng mà diễn biến tại phiên tòa lại làm sáng tỏ những điều mới mẻ, bất ngờ hoàn toàn không có trong hồ sơ.
Cho nên quan điểm coi trọng diễn biến cụ thể tại phiên tòa, quan điểm tranh tụng để làm sáng tỏ mọi việc được coi là tiến bộ nhất.
Tòa án nhân dân cấp cao TP.HCM đưa vụ án Công ty VN Pharma buôn bán thuốc ung thư H - Capita giả ra xét xử phúc thẩm trong tinh thần đó.
Nội dung phiên tòa đã được báo chí tường thuật đầy đủ; chúng tôi chỉ bàn một khía cạnh khác. Đó là thái độ thiếu tôn trọng luật pháp của các quan chức Bộ Y tế đại diện ngành y tế ra tòa theo sự triệu tập của TAND cấp cao.
Đáng lẽ với vai trò phó chánh thanh tra của bộ, ông Giang Hán Minh phải nắm rõ hoặc nếu chưa kịp nắm rõ thì phải hỏi lại các nhân vật của Cục Quản lý dược câu hỏi căn bản tại sao lại duyệt cho phép VN Pharma phân phối 9.300 hộp thuốc chống ung thư giả ấy trên thị trường.
Đáng lẽ, ông Minh phải xin ý kiến của bộ trưởng hoặc một thứ trưởng hữu quan về những nội dung phải đại diện cho ngành mà khai báo trước tòa, nhân danh lòng kính trọng tòa án - cơ quan đại diện cao nhất cho quyền lực quốc gia.
Ấy vậy mà khi trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử, ông Minh không có một câu nào ra hồn ra vía để tòa làm sáng tỏ thêm nội dung vụ án.
Với một tác phong hết sức hành chánh, ông Minh chỉ nói được mỗi một câu: "Tôi sẽ báo cáo lại lãnh đạo bộ để trả lời bằng văn bản". Và để giải thích cái không biết của cá nhân mình, ông Minh nói ông mới được phân công phải ra dự phiên tòa nên không nắm rõ được vụ việc!
Hai nhân vật khác là ông Trương Quốc Cường - thứ trưởng kiêm cục trưởng Cục Quản lý dược và ông Nguyễn Tiến Đạt - phó cục trưởng, đều không ra tòa với lý do tòa không triệu tập đích danh. Hai ông này mắc cỡ chăng? Hai ông này cứ ứng xử y như rằng chuyện thuốc giả lưu hành trên thị trường là hoàn toàn không thuộc trách nhiệm của họ.
Dư luận hoàn toàn nhất trí với vị đại diện Viện Kiểm sát cấp cao khi đề nghị Hội đồng xét xử phải "mời" cho được ông Cường và ông Đạt ra tòa. Có làm cương quyết vậy thì lãnh đạo Bộ Y tế mới hiểu ra rằng không nên giỡn mặt với quyền lực cao nhất của quốc gia.
Có khi nào Bộ Y tế nhầm lẫn việc đưa các đại diện bộ ra trả lời trước tòa cũng giống như cử cán bộ của mình đi dự... hội nghị chăng?
Sao lại phải "báo cáo bằng văn bản"? Diễn biến của phiên tòa là cái gì hết sức linh động; chủ tọa phiên tòa có thể kết luận tại chỗ, đưa ra phán quyết ngay. Tòa và đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao đâu có dư thì giờ mà đợi Bộ Y tế "báo cáo bằng văn bản" hoặc chờ đợi ông Cường, ông Đạt rảnh rỗi mới ra tòa khai báo?
Trong khi đó, một vụ nhỏ xíu như phát biểu của ông Hoàng Công Truyện "chê" bà bộ trưởng thì Bộ Y tế lại phản ứng cấp kỳ, đòi kỷ luật ông Truyện ngay để bây giờ bị hố nặng.
Đáng lẽ với một vụ án liên quan đến ngành như thế này, Bộ Y tế phải chuẩn bị những công văn cần thiết trình tòa trước khi các cán bộ của mình "phó hội" trước tòa. Bộ Y tế đã không biết thể hiện tinh thần tôn trọng tòa án và tôn trọng nhân dân.
Việc bộ làm được chỉ là đưa các quan hành chánh ra trước tòa nói toàn những chuyện bạch tuộc trơn lu!