TTO - Bộ Lao động - thương binh và xã hội đã báo cáo Chính phủ về phương án hoãn lộ trình thực hiện cách tính lương hưu từ 1-1-2018.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội sáng 2-11 - Ảnh: CTV
Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung chia sẻ thông tin này với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 2-11.
Đây là vấn đề liên quan đến việc thực hiện khoản 2 điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội, có hiệu lực từ 1-1-2018, theo đó nhiều lao động nữ nghỉ hưu trong năm 2018 sẽ hưởng lương hưu thấp hơn hẳn so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017 (có thể lên đến 10%).
Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và một số đại biểu Quốc hội đã nêu ý kiến đề nghị tạm dừng thực hiện cách tính mới này. Hôm nay 2-11, ông Đào Ngọc Dung cũng cho biết Bộ Lao động - thương binh và xã hội đã báo cáo Chính phủ về phương án hoãn lộ trình thực hiện cách tính mới.
Ông Dung nhận định theo cách tính lương hưu mới, nhiều lao động nữ nghỉ hưu trong năm 2018 nhận lương hưu thấp hơn so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017 trở về trước.
"Tính đến ngày 1-1-2018, sẽ có khoảng 110.000 lao động nghỉ hưu trong đó có khoảng 50.000 lao động nữ. Theo cách tính của khoản 2, điều 56 Luật BHXH thì nam thiệt ít hơn vì nam có lộ trình 5 năm, còn nữ thì tính ngay nên sẽ bị thiệt nhiều hơn", ông Đào Ngọc Dúng nói.
"Trong 50.000 lao động nữ nghỉ hưu sẽ có có khoảng 21.000 người bị thiệt. Đặc biệt sẽ có khoảng 4.000 lao động nữ thiệt nhiều nhất khoảng 5-10% lương hưu".
Bộ trưởng cho biết sẽ trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ tính toán các giải pháp về việc dừng thực hiện khoản 2 điều 56 Luật BHXH, đảm bảo không để lao động nữ thiệt thòi, đảm bảo có đóng (BHXH) thì có hưởng và đặc biệt là không tạo ta những bức xúc trong xã hội.
Khoản 2 điều 56 Luật BHXH quy định: Từ ngày 1-1-2018, mức lương hưu hàng tháng của người lao động đủ điều kiện được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:
a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;
b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.
Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Theo các quy định pháp luật áp dụng trước thời điểm 1-1-2018, cứ mỗi năm đóng BHXH tăng thêm sau khi đạt tỷ lệ 45%, lao động nữ được tính thêm 3%. Việc giảm từ 3% xuống 2% là do quy định của Luật Bình đẳng giới năm 2014, mức 2% cho cả nam và nữ.
Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá đến năm 2016, phụ nữ có số năm đóng BHXH bình quân là 28,8 năm và nghỉ hưu ở độ tuổi 54,1 tuổi (cận kề với độ tuổi 55). Còn nam giới đóng BHXH 32 năm và nghỉ hưu ở độ tuổi 57.
Ủy ban này rằng giảm lương hưu của lao động nữ từ 3% xuống còn 2% thì giảm sút 4% tiền lương và sự sụt giảm này là không lớn. Nhưng Ủy ban cũng cho rằng kéo dài lộ trình cho lao động nữ được hưởng lương hưu theo mức 3% trong vòng 5 năm nữa thì tác động đến quỹ BHXH cũng không lớn.
Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội ủng hộ kéo dài thời gian cho lao động nữ được hưởng lương hưu theo mức 3% thêm vài năm nữa để họ đỡ khỏi thiệt thòi so với nam giới.