Sống khỏe

Truy đóng bổ sung BHXH cho giáo viên

TTO - Bạn đọc phản ánh với Tuổi Trẻ về việc sai lệch thông tin bảo hiểm xã hội (BHXH) của giáo viên tại trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, quận Tân Bình, TP.HCM.

Truy đóng bổ sung BHXH cho giáo viên - Ảnh 1.

Bạn đọc thắc mắc vì sao nhà trường nhiều năm qua không phát sổ BHXH cho giáo viên, khi yêu cầu kế toán cho xem sổ thì bị từ chối; 6 tháng hoặc 1 năm không in quá trình đóng bảo hiểm để giáo viên theo dõi, kiểm tra; không dán công khai bảng lương và các khoản đóng BHXH, bảo hiểm y tế của giáo viên. 

Sau khi tra cứu trên trang BHXH TP.HCM và làm việc với BHXH quận Tân Bình, nhiều giáo viên phát hiện có sai lệch về thời gian đóng bảo hiểm, mức lương, mức đóng bảo hiểm, số liệu quản lý vẫn là của 5-7 năm trước.

Giáo viên vào ngành tháng 8-2013 đến nay đã hai lần nâng lương, nhưng mức đóng BHXH vẫn là 1.989, không thay đổi; giáo viên vào ngành tháng 8/2009 đến nay đã ba lần nâng lương nhưng mức đóng BH hiện nay là 2.34.

Trả lời thắc mắc trên, bà Nguyễn Thị Thu - phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho biết: 

Khi tham gia BHXH, cơ quan BHXH sẽ cấp cho mỗi người 1 sổ bảo hiểm. Căn cứ theo quy định pháp luật, trước năm 2016, sổ bảo hiểm được phát về thông qua đơn vị để quản lý sổ cho người lao động. 

Khi người lao động nghỉ việc, đơn vị sẽ hoàn tất các thủ tục với cơ quan bảo hiểm và trả về người lao động.

Từ năm 2016, căn cứ theo luật BHXH được bổ sung, có hiệu lực ngày 1-1-2016, sổ BHXH sẽ được cơ quan BHXH giao trả cho người lao động để họ tự kiểm soát quá trình tham gia của mình, việc này đang được triển khai thực hiện. 

Vì vậy, trường Nguyễn Thượng Hiền giữ sổ BHXH của giáo viên thời gian qua là đúng, còn theo luật mới, mọi thứ đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Để nhận sổ đó, BHXH đang hướng dẫn các đơn vị hoàn thiện. Bản in tham gia BHXH sẽ được gửi về trường cho từng người lao động để rà lại: tiền lương, chức danh, phụ cấp, địa điểm làm việc… Nếu chưa đúng, đơn vị phải đóng bổ sung cho người lao động.

Làm xong, BHXH sẽ in lại bản quá trình tham gia bảo hiểm cho người lao động đến cuối năm 2016, tương tự sẽ có một bản khác vào cuối mỗi năm. Những đơn vị nợ tiền, chắc chắn chúng tôi không in hết quá trình, chỉ đến tháng đóng đủ, qua đó, người lao động sẽ biết thiếu đủ thế nào.

Trường Nguyễn Thượng Hiền trước nay tham gia tại BHXH thành phố, từ quý 4 năm 2016, Bảo hiểm thành phố phân cấp về BHXH Q.Tân Bình. 

"Qua đơn phản ánh, chúng tôi cho rà soát lại và đúng với phản ánh của người lao động. Tiền lương tham gia BHXH của một số anh, chị trong danh sách đến giờ chưa được nhà trường điều chỉnh. 

Tôi đã yêu cầu BHXH Tân Bình làm việc với nhà trường, đề nghị nhà trường nhanh chóng truy đóng bổ sung cho người lao động. Ngoài điều chỉnh tiền lương, nhà trường phải tính thêm lãi suất chậm nộp.

Cá nhân tôi nghĩ đây là tình hình chung ở nhiều trường, họ vẫn chưa thật sự quan tâm lắm. Khi người lao động thay đổi tiền lương, họ chưa làm việc với BHXH để điều chỉnh phù hợp", bà Thu nói.

Với người lao động sắp nghỉ hưu hoặc chuyển đơn vị công tác, bà Thu cho biết: "Người lao động sẽ nhận lại sổ BHXH, nếu thấy số liệu không đúng, người lao động phải làm việc với đơn vị sử dụng lao động, đơn vị sẽ đóng bổ sung. 

Nếu đơn vị giải thể hoặc phá sản, người lao động sẽ thiệt thòi, vì vậy luật mới đã thay đổi để người lao động tiện theo dõi quá hàng năm. Đồng thời cứ 6 tháng, đơn vị sử dụng lao động phối hợp với BHXH công khai thông tin BHXH cho người lao động bằng hình thức nào tùy đơn vị. 

Ngoài ra, quá trình tham gia BHXH của người lao động cả nước hiện đã được công bố trên cổng thông tin BHXH Việt Nam, còn website của BHXH thành phố chỉ mới cập nhật đến năm 2016".

Liên quan đến thắc mắc của giáo viên, ông Võ Văn Dũng - hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thượng Hiền cho biết: "Trường có phát sổ cho giáo viên. Cuối tháng 7 vừa qua, BHXH quận có in và phát tờ điều chỉnh thông tin về trường. Tháng 7 nghỉ hè nên đầu năm học mới nhà trường mới triệu tập giáo viên để kê khai theo mẫu.

Sau khi khai, quận cập nhật, giáo viên tra lên mạng sẽ biết hết, mọi thông tin sẽ công khai, trước giờ do giáo viên chưa biết việc này nên còn thắc mắc. Trường đang triển khai cho từng tổ trưởng để về phổ biến cho mỗi giáo viên. Trong thời gian đó, đôi khi giáo viên nóng ruột, hiểu lầm.

Ngoài ra khoảng 2 năm nay có nhiều giáo viên mới về trường, khoảng nửa năm sau mới nhận quyết định của ngành, lúc đó mới làm sổ bảo hiểm được".

Về thông tin đóng bảo hiểm sót, không liên tục cho giáo viên, ông Dũng trả lời: "Có thể có trục trặc khi chuyển hồ sơ về quận. Trước nay, trường có nhiệm vụ làm (đóng bảo hiểm) cho giáo viên, không để sai sót người nào. Tất cả quy trình đều làm đầy đủ.

Ngoài ra, bảng lương tháng nào cũng công khai ở phòng tài vụ. Mỗi người một bậc lương, ai cũng biết lương mình".

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,365,001       1,283