Những năm gần đây, tác động của đô thị hóa, thách thức của biến đổi khí hậu tác động đến chất lượng cuộc sống người dân và phát triển bền vững của thành phố Cần Thơ.
Tác động của biến đổi khí hậu khiến mức độ ngập của thành phố ngày càng nhiều, tình trạng khô hạn xảy ra và ảnh hưởng đến môi trường sống người dân tại khu vực trung tâm cũng như trong khu vực sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, tình hình giảm mực nước ngầm diễn biến nhanh, lún sụt đất; môi trường không khí, tiếng ồn, bụi… tác động đến chất lượng cuộc sống. Quá trình kết hợp đầu tư, lồng ghép các chương trình còn thiếu tính đồng bộ, kinh nghiệm; việc kiểm soát để đảm bảo được sự đồng bộ và hiệu quả còn nhiều hạn chế…
Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng, thành phố cần xây dựng hạ tầng xanh nhằm đảm bảo cảnh quan môi trường, giảm tiếng ồn, đa dạng sinh học, giảm tình trạng ngập úng, giảm năng lượng sử dụng, tăng cường thu hút đầu tư và phát triển du lịch.
Theo các chuyên gia, cơ sở hạ tầng xanh chính là giải pháp trọng tâm của Chiến lược Chống chịu cho TP. Cần Thơ. Đó là mạng lưới các không gian xanh và cơ sở hạ tầng được kết nối để thực hiện chức năng như một hệ sinh thái tự nhiên nhằm mang lại những lợi ích cho con người. Các lợi ích của hạ tầng xanh gồm: đóng góp vào việc giảm áp lực ngập lụt đô thị, cải thiện chất lượng nước, góp phần giảm sụt lún, cải thiện vi khí hậu, góp phần vào đa dạng sinh học, tạo cơ hội về giao thông và hoạt động ngoài trời.
Phát triển hạ tầng xanh với mục đích giảm lũ cần lưu ý trữ nước và giữ nước đô thị phải mang tính phi tập trung cao; kết hợp giữa các giải pháp công trình-hệ sinh thái, thể chế và xã hội; kết nối cũng là yếu tố then chốt của hạ tầng xanh. Hạ tầng xanh phụ thuộc vào địa hình, bối cảnh của từng địa phương; tuân theo các nguyên lý về sử dụng đất và khoa học về thủy văn; mang lợi ích chung cho cả tự nhiên và con người…
Bày tỏ mong muốn phát triển hạ tầng xanh cho thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh cho biết, Cần Thơ mong muốn tìm ra các giải pháp và tiêu chí giúp thành phố chọn được các chủ đề và các cây trồng trên những tuyến đường để tạo được bản sắc riêng của Đồng bằng Sông Cửu Long và TP. Cần Thơ; chọn được những loại cây trồng phù hợp, mang lại hiệu quả chất lượng môi trường và mang lại giá trị kinh tế, ứng dụng vào các dự án trong thời gian tới.