TTO - Các vụ không tặc và cướp máy bay ở Việt Nam sau năm 1975 chủ yếu là để bay ra nước ngoài tị nạn chính trị. Những vụ này với thế giới thì đầy.
Cảnh sát sơ tán hành khách trong vụ không tặc ngày 17-2-2014 tại sân bay Genève (Thụy Sĩ) - Ảnh: AFP
Tôi xin được tị nạn chính trị
Phi công phụ người Ethiopia
Phi công phụ cướp máy bay
Khoảng 4h sáng 17-2-2014, sân bay Genève (Thụy Sĩ) nhận được cảnh báo về chuyến bay lạ mang số hiệu ET702 của Ethiopia. Máy bay cất cánh từ Addis-Abeba (Ethiopia) chở 202 người đã không hạ cánh xuống Rome (Ý) như lịch bay. Hóa ra nhân lúc phi công chính đi vệ sinh, phi công phụ người Ethiopia 31 tuổi đã nắm quyền điều khiển máy bay. Anh ta đe dọa sẽ cho máy bay rơi nếu có ai vào buồng lái.
Trao đổi qua điện đài với đài kiểm soát không lưu Thụy Sĩ, ban đầu phi công phụ đề nghị hạ cánh để tiếp nhiên liệu, sau đó mới nói thật là cướp máy bay. Thụy Sĩ bác bỏ yêu cầu hạ cánh nhưng máy bay vẫn tiếp tục bay đến Thụy Sĩ.
Trên đường bay, phi công phụ trao đổi với nhân viên không lưu: "Tôi xin được tị nạn chính trị". Đến 6h cùng ngày, anh ta điều khiển máy bay Ethiopia đáp xuống sân bay Genève. Vài phút trước đó, đồng hồ báo nhiên liệu đã chỉ đến vạch cảnh báo. Phi công phụ lấy thang dây khẩn cấp trong buồng lái leo xuống máy bay trước ánh mắt ngạc nhiên của mọi người.
Trả lời cảnh sát, anh ta nêu lý do bản thân đang bị đe dọa ở Ethiopia và muốn được bảo đảm không bị trục xuất khỏi Thụy Sĩ và cho biết đã chuẩn bị kế hoạch không tặc từ lâu. Theo hồ sơ từ Ethiopia, phi công phụ có sức khỏe bình thường, làm phi công đã 5 năm và không có tiền án.
Tên không tặc Libya cướp máy bay của Hãng Afriqiyah Airways ngày 23-12-2016 - Ảnh: Reuters
Không tặc chụp ảnh tự sướng với hành khách
Câu chuyện tên không tặc Seif al-Din Mohamed Mostafa người Ai Cập 58 tuổi cướp máy bay Airbus A-200 của Hãng hàng không EgyptAir (Ai Cập) hôm 29-3-2016 đã làm thế giới ngạc nhiên hơn là lo sợ.
Lúc 8h46 sáng hôm ấy, máy bay mang số hiệu MS181 chở 55 người cất cánh từ Alexandria bay đi Cairo (Ai Cập). Mostafa đeo đai bom yêu cầu phi công chuyển hướng, nếu không hắn sẽ cho nổ máy bay. Đầu tiên hắn đòi bay đến Thổ Nhĩ Kỳ nhưng phi công nói không đủ nhiên liệu. Do đó, hắn chọn sân bay Larnaca trên đảo quốc Cyprus. Ai Cập và Cyprus lo ngại đây là vụ tấn công khủng bố. Tại Cyprus, Mostafa trả tự do cho con tin, chỉ giữ lại bảy người.
Hắn liên tục thay đổi yêu sách. Ban đầu hắn yêu cầu chuyển bức thư dài bảy trang cho vợ cũ của hắn ở Cyprus. Người vợ cũ được đưa đến sân bay để thuyết phục hắn. Sau đó, hắn đòi xin tị nạn chính trị, rồi lại muốn máy bay đổ đầy xăng để bay đi Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau bốn tiếng thương lượng, Mostafa đầu hàng. Đai bom của hắn chỉ là đồ giả. Các nhân chứng kể lại không khí trên máy bay rất thoải mái. Một số người còn chụp ảnh tự sướng với tên không tặc. Ban đầu báo chí loan tin Mostafa cướp máy bay để bày tỏ tình cảm với vợ cũ. 50 ngày sau, luật sư của Mostafa thông báo thân chủ cướp máy bay vì động cơ chính trị. Bức thư Mostafa đưa cho cảnh sát không phải thư gửi vợ cũ mà tiết lộ số phận của nạn nhân người Ý Giulio Regeni.
Nghiên cứu sinh tiến sĩ Giulio Regeni 28 tuổi mất tích ở Cairo ngày 25-1-2016. 10 ngày sau, thi thể nạn nhân được tìm thấy bên vệ đường với nhiều dấu vết tra tấn. Vụ này gây căng thẳng ngoại giao đến mức Ý triệu hồi đại sứ ở Ai Cập về nước và tuyên bố chỉ tái lập quan hệ với Ai Cập khi nào sự thật về cái chết của Giulio Regeni được làm sáng tỏ.
Trong thư, Mostafa khai từng bị giam cạnh buồng giam của Giulio Regeni và tận mắt nhìn thấy nạn nhân bị tra tấn nhiều lần. Mostafa từng đấu tranh cho dân tộc Palestine, tham gia huấn luyện quân sự ở Liên Xô cũ, làm gián điệp ở Trung Đông và ngồi tù bốn năm ở Syria. Mostafa đã xin tị nạn chính trị tại Cyprus.
Tên không tặc Mostafa (trái) chụp ảnh tự sướng với hành khách - Ảnh: Twitter
Chế bom giả trên máy bay
Ngày 3-9-1996, trên đường bay từ Beirut (Lebanon) đến Varna (Bulgaria), máy bay Tupolev Tu-154 mang số hiệu 7081 của Hãng hàng không Hemus Air (Bulgaria) chở 158 người đã bị cướp.
Tên không tặc Hazem Salah Abdallah 22 tuổi là người đã rời bỏ hàng ngũ Mặt trận Nhân dân giải phóng Palestine ở Palestine. Hắn lên máy bay từ Beirut mà không mang theo hành lý. Khi nhân viên an ninh nghi ngờ vặn hỏi, hắn trả lời luôn đi du lịch không mang theo hành lý.
Máy bay cất cánh, Abdallah vào buồng vệ sinh lắp ráp một quả bom giả rồi ra ngoài tuyên bố có bom và yêu cầu máy bay bay đến Oslo (Na Uy). Lúc máy bay đáp xuống Varna, tên không tặc đồng ý đổi 149 hành khách lấy nhiên liệu. Bulgaria cho phép máy bay tiếp tục bay đi Na Uy với phi hành đoàn Bulgaria gồm tám người. Tại sân bay Oslo, lực lượng đặc nhiệm đã được triển khai. Trong quá trình đàm phán, Abdallah xin tị nạn chính trị, sau đó nhanh chóng đầu hàng.
Trong phiên tòa xét xử, Abdallah khai bị Mặt trận Nhân dân giải phóng Palestine ép buộc tham gia và khi hắn không đồng ý thì bị săn lùng nên phải xin tị nạn chính trị. Hắn chọn Na Uy vì đây là quốc gia tham gia quá trình đàm phán hòa bình Israel - Palestine. Hình phạt tối đa cho tội danh không tặc ở Na Uy là 21 năm tù. Luật sư bào chữa cho rằng bị cáo mắc bệnh tâm thần và đề nghị tha bổng. Dù vậy, tòa vẫn kết án Abdallah bốn năm tù với nhận định bị cáo chuẩn bị kế hoạch và gây án trong tình trạng tỉnh táo. Sau khi thi hành án, Abdallah đã bị trục xuất về Lebanon vào tháng 8-1999.
Quay phim không tặc gặp không tặc
Ngày giáp Giáng sinh 23-12-2016, hai tên không tặc khống chế máy bay Airbus A320 của Hãng Afriqiyah Airways (Libya) chở 118 người và yêu cầu bay đến đảo quốc Malta. Sau vài giờ thương lượng, hai tên không tặc đầu hàng và xin tị nạn chính trị. Lựu đạn và súng ngắn của chúng chỉ là đồ giả. Hai tên này trước đây ủng hộ nhà lãnh đạo Muammar al-Gaddafi (bị lật đổ năm 2011).
Điều thú vị là lúc máy bay hạ cánh xuống Malta, tại sân bay có một đoàn làm phim Mỹ đang quay bộ phim Entebbe (sẽ trình chiếu vào tháng 3-2018). Phim nói về một vụ không tặc có thật xảy ra ngày 27-6-1976 với nội dung như sau: máy bay mang số hiệu F-BVGG của Hãng Air France chở 258 người bay từ Hi Lạp về Pháp. Phần lớn hành khách là công dân Israel. Bốn tên không tặc đưa máy bay đến Entebbe (Uganda). Chúng yêu cầu trả tự do cho các tù nhân Palestine cùng 5 triệu USD tiền chuộc. Ngay sau đó, Israel mở chiến dịch Sấm rền giải cứu con tin. Bốn tên không tặc bị tiêu diệt. Ba con tin và chỉ huy đội giải cứu Yonatan Netanyahu thiệt mạng. Yonatan chính là anh ruột của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hiện nay.
********
Kỳ tới: Không tặc khủng bố