TTO - Tin tặc Nga được cho đang âm thầm tấn công điện thoại thông minh của các binh sĩ NATO trong một nỗ lực nhằm lấy thông tin về các kế hoạch của liên minh quân sự phương tây.
Binh sĩ NATO trong đợt điều động tới Ba Lan hồi tháng 4-2017 - Ảnh: REUTERS
Báo Wall Street Journal ngày 4-10 dẫn nguồn tin từ binh sĩ và các quan chức NATO cho biết Nga đã tấn công vào điện thoại thông minh của khoản 4.000 binh sĩ NATO hiện đóng quân tại Ba Lan và các quốc gia thành viên NATO vùng Baltic.
Báo cáo cho biết Matxcơva cũng sử dụng các máy bay không người lái có gắn thiết bị theo dõi để truy cập thông tin trên những chiếc điện thoại này, như vị trí của người sử dụng.
Trung tá lục quân Mỹ Christopher L’Heureux, chỉ huy căn cứ NATO tại Ba Lan, cho biết sau khi tham gia một cuộc tập trận bắn đạn thật vào hè năm nay, khi quay trở lại xe tải đề căn cứ, ông phát hiện bằng chứng cho thấy ai đó đã cố truy cập vào điện thoại của ông.
Tin tặc này thời điểm đó sử dụng địa chỉ IP của Nga, cố bẻ gãy lớp bảo mật trên điện thoại. Ông L’Heureux cũng cho biết ai đó đã cố theo dõi ông thông qua chiếc điện thoại thông minh của ông
Không chỉ Trung tá L’Heureux, ít nhất 6 binh sĩ khác dưới sự chỉ huy của ông cũng bị tấn công. Hồi tháng 3, một binh sĩ Estonia của NATO phát hiện điện thoại của anh có dấu hiệu kỳ lạ: một bài nhạc hip-hop bất ngờ mở lên mặc dù anh không hề tải về trước đó và các số liên lạc trong danh bạ điện thoại biến mất một cách bí ẩn sau đó.
Thông tin được đưa ra trong bối cảnh Nga vừa tiến hành cuộc tập trận Zapad 2017 chung với Belarus từ hôm 14 tới 20-9 vừa qua, khiến NATO ngày một nghi ngờ về các ý định của Matxcơva trong tương lai.
Nhận định về vấn đề này, chuyên gia Keir Giles đến từ Viện nghiên cứu chính sách quốc tế Chatham House, nói: "Nga luôn tìm cách nhắm vào các binh sĩ NATO để khai thác tình báo. Tuy nhiên, chiến dịch quấy rối và theo dõi như vậy trong thời gian qua là chưa từng có".
Giới chức phương Tây lo ngại các điện thoại thông minh bị tin tặc xâm nhập có thể được dùng để gây ra sự hỗn loạn trên chiến trường và giảm đi năng lực phản ứng của NATO bằng cách gửi đi các chỉ thị sai nếu một cuộc chiến nổ ra.
Nguy hiểm hơn, đối phương có thể khai thác thông tin nhạy cảm từ chiếc điện thoại bị xâm nhập nếu chủ nhân của nó là một quan chức cấp cao trong NATO, theo New York Post.
Phía Nga hiện chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.