TTCT- Quá trưa, khi con nước thủy triều vừa xuống, bóng của những người phụ nữ làng biển đổ dài trên ghềnh đá Bàn Than (thôn Thuận An, xã Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam).
Những người phụ nữ thôn Thuận An, xã Tam Hải bám trên những ghềnh đá ngoài biển để đục lấy hàu. -Ảnh: LÊ TRUNG |
Họ lỉnh kỉnh mang theo dùi sắt, rổ nhựa trèo lên các mỏm đá sắc nhọn, cần mẫn đục lấy những con hàu bám chặt trên ghềnh đá. Tiếng đục đá lách cách vang cả một góc biển.
Nghề của người chịu khó
12h trưa đứng bóng, nắng chói chang, bà Phạm Thị Liên (79 tuổi, thôn Thuận An) đội nón cời, cầm rổ nhựa lom khom đi về phía bãi đá Bàn Than.
Ngồi xuống một mỏm đá bằng phẳng khi triều vừa rút, bà bắt đầu công việc thường ngày: cầm cục đá đập mạnh vào chiếc dùi sắt nhọn xuống lớp vỏ cứng của con hàu bám chặt trên đá vừa mới lộ ra khi triều rút. Lớp vỏ hàu cứng tách làm đôi.
Bà cầm một que sắt nhỏ khác cẩn thận gắp con hàu sữa mềm mại ra khỏi lớp vỏ cứng như đá ấy, bỏ vào rổ. Cứ thế, bà đục hết con này đến con khác, mồ hôi nhễ nhại nhỏ xuống tảng đá sôi lên vì nắng nóng. Tiếng đục đá chìm trong tiếng sóng ràn rạt vỗ bờ.
Bà Liên làm nghề đục hàu kiếm sống từ thời còn con gái, đến nay chừng 50 năm. Bà kể lúc xưa đàn ông đi biển, đàn bà ở nhà hằng ngày ra những ghềnh đá để đục hàu kiếm sống. Biển cả đã cho ghềnh đá Bàn Than thứ hàu sữa tuyệt hảo mà bất cứ ai cũng phải thèm.
Thời điểm con hàu lộ ra trên đá là cỡ 11h-12h trưa, lúc thủy triều rút. Hàu bám chặt trên đá với lớp vỏ cứng nên đồ nghề của họ là một chiếc dùi bằng sắt mũi nhọn, một cục đá đóng vào dùi cho hàu tách vỏ.
“Phải tìm những con hàu có lớp vỏ khít thì hàu mới còn sống để đục. Tay phải cầm dùi chắc, đập mạnh xuống thì mới tách được vỏ hàu chứ không dễ ăn mô” - bà Liên nói.
Những bãi đá bằng phẳng này chỉ có người già mới đục. Phía những ghềnh đá cao, xa hơn phía ngoài biển, sóng đập mạnh, là nơi nhiều phụ nữ trẻ cùng thôn hành nghề. Ở đó nhiều hàu hơn nhưng người già không thể ra đó vì rất nguy hiểm.
Với sức già của bà Liên, mỗi buổi chiều cần mẫn đục hàu, bà kiếm được chừng một, hai chén hàu, đem bán cho quán ăn, nhà hàng được 40.000 - 60.000 đồng. Nhưng chừng đó cũng tạm đủ trang trải cuộc sống cho hai vợ chồng già, khỏi phiền đến con cháu.
Men theo những tảng đá to đến bãi Dài thuộc thắng cảnh Bàn Than, chúng tôi gặp gần chục phụ nữ bám vào những mỏm đá cao cheo leo, bên dưới gần chục mét là mặt biển để đục lấy hàu.
Họ ngồi trên những mỏm đá nhọn sắc ấy mà không có lấy một điểm tựa, có thể rơi xuống biển bất kỳ lúc nào. Vì thế nhiều người mang theo áo phao, phao cứu sinh để đề phòng trường hợp rớt xuống biển, người khác dễ thấy mà cứu.
Chị Trần Thị Lợi (47 tuổi, thôn Thuận An) kể họ phải đục ở những nơi này bởi hàu ở đây thịt chắc, nhiều sữa, được các nhà hàng ưa chuộng nên mua giá cao. Cũng giống như bao người phụ nữ làng biển khác, chồng đi biển, chị Lợi không có nghề gì ổn định nên hằng ngày ra các ghềnh đá đục hàu bán lấy tiền trang trải cuộc sống gia đình.
Nghề đục hàu cũng tùy theo con nước. Khi sóng yên, nước lặng thì mỗi buổi chiều phơi nắng, có thể đục được chừng năm chén hàu (gần 1kg), kiếm được khoảng 120.000 - 140.000 đồng. Hàu biển tự nhiên thường ngon hơn hàu nuôi nên giá cao gấp đôi.
“Hàu thường sinh sản mạnh vào mùa nắng ấm (từ tháng 3 đến tháng 8) nên thời điểm này chị em tranh thủ làm. Chứ đến mùa mưa lạnh thì khó làm lắm” - chị Lợi nói.
Ở làng biển Thuận An, trước đây phụ nữ làm nghề đục hàu rất nhiều, nhưng nay chỉ còn chừng 30 người theo nghề. Nghề đục hàu chỉ phụ nữ mới làm được, bởi nó cần sự chịu khó, khéo léo. Những phụ nữ lớn tuổi trong thôn có thâm niên mấy chục năm làm nghề đục hàu như bà Bốn Tháo (72 tuổi), bà Khả (75 tuổi), bà Liên (79 tuổi)...
Bà Phạm Thị Liên (79 tuổi) có hơn 50 năm làm nghề đục đá lấy hàu ở biển Bàn Than.-Ảnh: V.HÙNG |
Mồ hôi và nước mắt
Tận mắt thấy những người phụ nữ làm nghề đục hàu mới hiểu nỗi cơ cực, chịu khó của họ. Những mỏm đá cheo leo sắc nhọn, sóng đập dồn dập, họ bám vào đá để làm. Biết hiểm nguy rình rập, nhưng mưu sinh chỉ có một cách đó, rồi nuôi con ăn học... tất cả họ đều chấp nhận đánh đổi.
Chị Võ Thị Minh Phương (30 tuổi, thôn Thuận An) trẻ nhất trong số những người đàn bà làng biển theo nghề đục hàu. Chị vốn ở trên núi, lấy chồng về làng biển.
Hơn chục năm nay từ khi có chồng, chị theo phụ nữ trong thôn ra biển đục hàu mưu sinh. “Nói thật bám trên những mỏm đá nhọn, trơn trượt, ngồi cả buổi mỏi lưng, đau cổ lắm.
Lúc đục hàu, nhiều người còn bị đá cứa đổ máu tay chân. Đó là chưa kể ngồi phơi nắng mấy giờ liền dễ bị say nắng, có chị về nhà bị cảm mấy ngày liền” - chị Phương tâm sự.
Nhưng điều họ sợ nhất là bám lên ghềnh đá cao dễ bị sóng “vồ”, cuốn rơi xuống biển. Cách đây không lâu, trong lúc ngồi trên mỏm đá đục hàu, chị Lợi bị sóng cuốn rơi xuống biển sâu từ độ cao hơn chục mét.
Không biết bơi, chị chới với trong dòng nước xoáy, nhiều chị em khác trên bờ kêu cứu. May mà lúc đó có hai ngư dân đánh cá gần đó chạy thuyền đến cứu. Chị Lợi một phen hú vía, về nhà đau mấy hôm liền.
“Thấy nguy hiểm quá nên tui kêu gọi mấy chị em chung tiền lại mua áo phao, phao cứu sinh để sẵn trên bờ. Lỡ có ai rơi xuống biển thì vứt xuống cứu. Chị em cũng nhắc nhau khi làm thì không nên đi một mình mà theo nhóm. Lỡ có chuyện gì bất trắc còn giúp nhau” - chị Lợi cho biết. Bận chết hụt đó cũng không làm thay đổi việc theo nghề đục hàu, chị còn phải nuôi con ăn học.
“Không có cái nghề đục hàu này thì chưa chắc hai đứa con tui đã học được đàng hoàng - chị khoe - Một đứa đang theo đại học đó”.
Hàu sữa Thuận An ngon, béo nên thực khách ở các nhà hàng rất thích.-Ảnh: LÊ TRUNG |
Bà Bốn Tháo nói thu nhập từ nghề đục hàu cũng kha khá nhưng quá cơ cực, giờ thì chỉ những người không có công việc ổn định mới kiên trì theo. Từ khi du lịch ở Bàn Than phát triển, nhiều chị em khác đã bỏ nghề đục hàu để tìm cách kinh doanh du lịch kiếm sống.
“Khom lưng phơi nắng nóng cả buổi, mấy người già như tụi tui về nhà mỏi mệt, đau nhức khắp người. Biết là cực nhưng cái nghề đã theo mình mấy chục năm nay rồi. Ngày nào không ra biển thì buồn lắm” - bà Bốn Tháo nói.
Ông Trần Minh Tập, trưởng thôn Thuận An, nói nghề đục hàu có từ thời cha ông, là một nghề truyền thống từ bao đời nay của dân làng Thuận An. Hơn chục năm trước, hầu hết phụ nữ của thôn đều theo nghề đục hàu, tới vài trăm người.
Con hàu sữa ở Bàn Than, từ những mỏm đá chênh vênh nguy hiểm ấy, đi về tận Đà Nẵng, TP.HCM...■
Bám trên những mỏm đá nhọn, trơn trượt ngồi cả buổi mỏi lưng, đau cổ lắm. Lúc đục hàu, nhiều người còn bị đá cứa đổ máu tay chân. Đó là chưa kể ngồi phơi nắng mấy giờ liền dễ bị say nắng, có chị về nhà bị cảm mấy ngày liền Chị Võ Thị Minh Phương |