TTO - Cùng một ngày, hai video clip cùng được lan truyền với tốc độ "gây sốt" trên mạng và gây ra những cảm xúc trái ngược với người xem:
Đó là hình ảnh rưng rưng thương mến với buổi chia tay nhiệm sở của bác sĩ Nguyễn Anh Trí, cựu viện trưởng Viện Truyền máu - huyết học trung ương và sôi sục phẫn nộ với cảnh đá thúng đụng nia của ông trưởng Công an xã Quảng Điền (Krông Ana, Đắk Lắk).
Hàng triệu người xem đều có cảm giác như thế, không trừ một ai, dù hầu hết trong số họ chưa được quen biết bác sĩ Trí, cũng chưa hề chạm mặt với ông công an Lê Tấn Thịnh.
Đi đến hết quãng thời gian làm việc theo quy định, bác sĩ Nguyễn Anh Trí đã đi qua những tháng năm dài hết lòng với bệnh nhân, tận sức với bệnh viện, với y học. Điều đó được khẳng định không gì thuyết phục hơn bằng hình ảnh hàng ngàn y bác sĩ, bệnh nhân xếp hàng chờ được bắt tay, được ôm vai ông, được nói với ông một lời tiếc nuối, được rơi giọt nước mắt nghẹn ngào.
Và có lẽ còn hơn cả vậy nữa. Nhìn những người đàn ông không kìm nổi nước mắt, nghe cô gái bệnh nhân thủ thỉ: "Bác sĩ hiểu con hơn cha mẹ", biết ông đã sống tử tế với từng người mình gặp trong đời. Và có lẽ còn hơn cả vậy nữa.
Ông có thể quên nhưng các đồng nghiệp, những bệnh nhân của ông thì không quên. Và đến hôm nay, hàng triệu người đã thấy nước mắt mình dâng lên khi xem hình ảnh ông chia tay bệnh viện yêu quý của mình cũng sẽ không quên.
Hình ảnh ấy nhắc lại một câu ca: "Thương dân, dân lập đền thờ...". Lẽ đời đã là như vậy và người dân Việt đã ứng xử như vậy từ bao đời.
Từ Nam chí Bắc, khó thống kê được hết những đền, những đình mà người dân đã lập ra, những lễ nghi mà người dân đã thành tâm, tự nguyện bày tế để ghi ơn những người đã làm việc, đã sống, đã chết vì mình.
Không chỉ là những thành hoàng làng, những tướng lĩnh anh hùng trong lịch sử, mà đã có cả những cán bộ nhà nước với công việc tưởng như bình thường. Một trong số đó là ông Phan Thế Phương - người từng là công an viên, nguyên giám đốc Sở Thủy sản Thừa Thiên-Huế - với miếu thờ khói hương nghi ngút của người dân phá Tam Giang.
Dù là bác sĩ hay công an, họ đều có sứ mệnh cao cả của nghề nghiệp: "thầy thuốc như mẹ hiền", công an "vì nước quên thân, vì dân phục vụ". Dù là bác sĩ hay công an, vẫn có người được người dân tôn vinh và có người bị người dân chê trách.
Dân thương hay dân ghét không phải vì nghề nghiệp, mà vì cái tâm với nghề, với đời, với người. Và người dân cũng không đòi hỏi người nào phải trở thành thánh thần.
Con người có thể chọn nhầm cách ứng xử, có thể chọn nhầm cả cách làm việc, cách sống cho đời mình. Nhưng người dân không bao giờ nhầm khi chọn lựa người mà mình cần, mình yêu quý. Thái độ của người xem hai video clip song song trên mạng mấy ngày nay là sự lặp lại một lần nữa câu trả lời.