TTO - Không biết chữ, cha mẹ Hải nhờ hàng xóm làm giấy khai sinh cho con gái. Ai ngờ người này cũng không biết chữ và khai sai giới tính của Hải từ "nữ" thành "nam".
Em Trần Văn Hải và bố xem lại những giấy tờ ghi sai giới tính của em - Ảnh: NHẬT LINH
Đó là câu chuyện hi hữu của bạn gái có tên Trần Văn Hải, thôn An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Nhiều năm nay, Hải không được đến trường để học chữ vì lý do giới tính trong giấy khai sinh của em được ghi là "nam".
"Học hết lớp 5 thì em buộc phải nghỉ học vì không thể làm hồ sơ, giấy tờ để nộp vào lớp 6. Thầy cô bảo rằng em là nữ, nhưng trong giấy khai sinh lại ghi là "nam" nên giấy tờ không hợp lệ, không nộp vào trường được" - Hải nghẹn ngào kể.
Chữ "nam" trớ trêu
17 năm trước, trên một con đò nhỏ ở đầm Chuồn (huyện Phú Vang), bà Võ Thị Bê đã sinh Hải. Do cả hai vợ chồng bà Bê đều là dân vạn đò, không biết chữ nên đành nhờ một người hàng xóm đi làm giấy khai sinh giùm.
Không ngờ người hàng xóm này cũng không biết chữ nên trong quá trình làm giấy khai sinh đã khai sai giới tính của Hải từ "nữ" thành "nam". Cái tên Trần Văn Hải của em cũng bắt nguồn từ lỗi khai này.
Cô bé Trần Văn Hải lớn lên, đi học tại một lớp xóa mù chữ cho con em vạn đò. Đến khi đủ tuổi vào lớp 6, Hải làm hồ sơ nộp vào một trường cấp II tại địa phương thì phát hiện hồ sơ không chính xác.
Nhà trường cho rằng hồ sơ của Hải bị ghi sai phần giới tính nên không hợp lệ, không thể nhận em vào học.
"Nhiều lần tôi cầm hồ sơ gồm giấy khai sinh, hộ khẩu... đến UBND xã Phú An xin điều chỉnh cho con. Nhưng không hiểu vì sao đến nay việc điều chỉnh vẫn chưa được thực hiện" - ông Trần Văn Thanh, ba Hải, nói với giọng đượm buồn.
Khó chỉnh sửa!?
Theo ông Phan Đình Thi - cán bộ phòng tư pháp - hộ tịch UBND xã Phú An, lý do đến nay vẫn chưa thể điều chỉnh lại giấy khai sinh cho em Hải vì qua kiểm tra tại trạm y tế xã, hoàn toàn không tìm thấy bất kỳ một giấy tờ nào cho thấy Hải được sinh ở đây.
"Hỏi ra mới biết em Hải được sinh trên đò, không ai làm chứng. Theo luật, việc cải chính tên họ đối với những người trên 14 tuổi thuộc thẩm quyền cấp huyện, nên chúng tôi đã hướng dẫn gia đình em Hải về Phòng Tư pháp huyện Phú Vang để được tư vấn, chỉnh sửa khai sinh" - ông Thi nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Văn Minh, phó Phòng Tư pháp UBND huyện Phú Vang, cho biết phòng đã nắm rõ trường hợp sai sót về giới tính của em Hải.
Ông Minh thông tin thêm để thực hiện việc chỉnh sửa, theo luật em Hải phải thực hiện các giám định pháp y như xét nghiệm ADN... Tuy nhiên, do gia đình em Hải quá khó khăn, không có tiền để thực hiện các xét nghiệm nên việc chỉnh sửa hồ sơ cho em vẫn chưa được thực hiện.
"Hiện em Hải mới đến hỏi chúng tôi các thủ tục cần thiết chứ chưa chính thức nộp hồ sơ xin chỉnh sửa hồ sơ. Biết hoàn cảnh của Hải nên chúng tôi sẽ cố gắng giúp đỡ, hỗ trợ em hết mức có thể trong việc điều chỉnh lại sai sót hồ sơ" - ông Minh nói.
Không thể làm chứng minh nhân dân!
Nhà thuộc diện hộ nghèo, Hải cũng được cấp thẻ bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh. Nhưng vì các thông tin trên thẻ cũng ghi giới tính của Hải là "nam" nên em không thể sử dụng thẻ này.
"Đến giờ em cũng không thể làm chứng minh nhân dân, vì trong hộ khẩu gia đình không có tên em. Xin đi học nghề người ta cũng không nhận, vì em không có hồ sơ, không có chứng minh nhân dân..." - Hải nói.