Sống khỏe

Cả trường chỉ có... 13 học sinh

TTO - Trong khi những ngôi trường khác mỗi lớp có 35-40 học sinh, có một ngôi trường chỉ có vài ba em/lớp, thậm chí có lớp chỉ 1 học sinh.

Cả trường chỉ có... 13 học sinh - Ảnh 1.

Lớp học ghép bao gồm 2 khối lớp 1 và 2 nhưng chỉ có vỏn vẹn 5 học sinh - Ảnh: T.C.

Dù một giáo viên đứng lớp chỉ để dạy cho một học sinh thì lớp học cũng phải duy trì

Ông Nguyễn Văn Dung (trưởng Phòng giáo dục Hội An)

Khối chiếm số lượng học sinh đông nhất dừng lại ở con số 4, còn 2/5 khối lớp chỉ có đúng 1 học sinh. Vì thế, cả điểm trường bước vào năm học mới 2017-2018 chỉ vỏn vẹn 13 học sinh.

Không riêng gì năm học này, những năm gần đây, số lượng học sinh trong độ tuổi tiểu học ở điểm trường thôn Bãi Hương (xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An, Quảng Nam) chỉ đếm trên đầu ngón tay. 

Và chủ trương đưa các em này đến học ở trung tâm xã với viễn cảnh "lớp đông, bạn đủ" vẫn còn quá xa vời.

Dồn 2 khối lớp, cô dạy 5 học sinh

Từ trung tâm hành chính xã đảo, vượt quãng đường dốc trải dài 5km, rồi men theo đường bờ biển là đến Bãi Hương - thôn nằm tách biệt so với ba thôn còn lại của Tân Hiệp. 

Giờ lên lớp ở điểm trường tiểu học thôn này, cả sân trường vắng hoe, từ trong bốn căn phòng của điểm trường cũng không hề phát ra thanh âm rộn rã của tiếng học trò bi bô đọc bài như ở những nơi khác.

Dừng chân trước cửa lớp đầu tiên, chúng tôi quan sát bên trong thấy có hai dãy bàn, với sáu bộ bàn (12 chỗ). Tuy nhiên, số học sinh trong lớp học lại không tương xứng với lượng ghế được bố trí. 

Dãy bàn bên phải chỉ có một học sinh lẻ loi ngồi chép bài, ở dãy còn lại có đúng bốn em. Trên bục giảng, cô giáo phụ trách lớp chia tấm bảng đen thành hai phần bằng nhau, mỗi phần bảng có nội dung hoàn toàn khác nhau.

Thấy chúng tôi thắc mắc, vừa ghi xong một loạt bốn đề bài môn toán ở một bên bảng, cô Lê Thị Hồng Thu giải thích: "Tôi chịu trách nhiệm giảng dạy cho học sinh hai khối lớp 1 và 2. Vì số lượng học sinh quá ít nên phải cho các em học theo mô hình lớp ghép. 

Một phần bảng đen, tôi dạy bốn em lớp 1 môn tiếng Việt, riêng em lớp 2 duy nhất thì đang học giờ môn toán. Cộng dồn hai khối lớp, tôi dạy năm học sinh. Bởi vậy, việc cho thảo luận nhóm nhằm giúp các em hỗ trợ lẫn nhau trau dồi kiến thức là rất khó khăn".

Cạnh lớp ghép của cô Thu cũng là lớp học "2 trong 1". Và điều trùng hợp là lớp ghép bao gồm hai khối lớp 3 và 4 này cũng chỉ có năm học sinh (bốn em lớp 3 và một em lớp 4). Còn khối lớp 5 do cô Bùi Thị Mỹ Duyên đứng lớp không tổ chức học ghép, có sĩ số là... ba học sinh!

Giờ ra chơi, thay vì nô đùa, Ngô Ngọc Thuận (học trò lớp 2 duy nhất của điểm trường tiểu học thôn Bãi Hương) lầm lũi ngồi lại trong lớp nghiền ngẫm bài toán mà cô giáo vừa ra đề. 

"Hồi em học lớp 1 còn có hai bạn khác cùng lớp, nay thì hai bạn đã chuyển đi nơi khác học rồi. Bây giờ em được xếp vào học chung với các em lớp 1 nên hơi buồn" - Thuận chia sẻ.

Tình hình chung ở Cù Lao Chàm

Nói về câu hỏi tồn tại suốt nhiều năm qua: tại sao không chuyển toàn bộ học sinh thôn Bãi Hương về học tại điểm trường chính của xã - Trường tiểu học và THCS Quang Trung (thôn Bãi Làng, ngay trung tâm xã), ông Nguyễn Văn Dung (trưởng Phòng giáo dục Hội An) buồn bã nói: "Muốn lắm nhưng không thể!".

Theo ông Dung, không riêng gì năm học này số lượng học sinh ở điểm trường thôn Bãi Hương mới lâm vào tình cảnh "thừa bàn, thiếu trò". Những năm học gần đây, lượng học trò ở thôn Bãi Hương rất ít. 

Năm học 2016-2017, tổng số học sinh của cả điểm trường này còn ít hơn bây giờ, và chỉ tổ chức được hai lớp ghép (khối lớp 5 không có học sinh nào).

"Quãng đường 5 cây số không phải là ngắn. Do đó, các em không thể tự đi bộ sang điểm trường chính để theo học cùng đại đa số học sinh trên đảo. Phòng đã tính đến chuyện vận động gia đình đưa đón các em hằng ngày khi về học ở trung tâm xã, nhưng khó khả thi, bởi một số phụ huynh không đồng tình" - ông Dung nói.

Trao đổi với chúng tôi, thầy Nguyễn Văn Thanh, hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Quang Trung, cho hay: "Số lượng học sinh trong độ tuổi đến trường ở thôn Bãi Hương giảm dần theo thời gian. Bởi lẽ cả thôn chỉ khoảng chừng 100 hộ dân đổ lại, với khoảng 400 nhân khẩu. 

Bà con trên đảo ngày một ý thức hơn trong kế hoạch hóa gia đình, nhiều thanh niên rời đảo lập nghiệp phương xa, bọn trẻ lớn lên rồi học tập trong đất liền... chính là những nguyên nhân khiến các em nằm trong độ tuổi đến trường giảm dần".

"Và không riêng gì thôn Bãi Hương, mà đó là tình hình chung của cả đảo Cù Lao Chàm" - thầy Thanh cho biết thêm.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,392,267       204