TTO - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng việc cơ quan hải quan đi kiểm tra chuyên ngành các sản phẩm như iPhone 7 là "rất vô lý" vì Việt Nam không sản xuất được lại không có phòng kiểm nghiệm.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trao đổi với những người đi làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành - Ảnh: TIẾN THẮNG
Công tác kiểm tra chuyên ngành tại Hải Phòng đang "mất" nhiều hơn "được" bởi chiếm đến 78% thời gian thông quan hàng hóa, trong khi tỉ lệ sản phẩm vi phạm được phát hiện trong KTCN từ đầu năm đến nay mới chỉ có 0,06%, chưa tới 0,1%.
Bộ trưởng kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã khẳng định như vậy tại buổi làm việc của tổ công tác của Chính phủ, do ông Dũng làm tổ trưởng, với UBND thành phố Hải Phòng và cơ quan hải quan địa phương này ngày 19-9.
Kiểm tra theo kiểu... mò mẫm
Theo ông Dũng, dù thời gian thông quan hải quan được quy định không quá 50 giờ đối với hàng xuất khẩu và 70 giờ đối với hàng nhập khẩu, nhưng việc thông quan hàng hóa xuất khẩu qua cảng Hải Phòng phải mất bình quân đến 240 giờ, gần gấp 4 lần so với quy định do hải quan phải "chờ" cơ quan kiểm tra chuyên ngành.
Thế nhưng kết quả kiểm tra thực tế của tổ công tác tại Chi cục Thú y vùng II (Hải Phòng) cho thấy việc kiểm tra chuyên ngành thực chất chỉ làm "thủ tục" là chính, chủ yếu bằng mắt nhìn và thủ công, trong khi đó mỗi bộ hồ sơ doanh nghiệp phải mất hơn 1 triệu đồng để mua.
Đặc biệt, kiểm tra chuyên ngành không có phân luồng (đỏ, vàng, xanh), mà kiểm tra theo kiểu mò mẫm.
"Tôi lấy ví dụ việc chúng ta nhập iPhone 7 về mà vẫn phải kiểm tra chuyên ngành trong khi chúng ta không sản xuất được máy đó, không có phòng kiểm nghiệm được sản phẩm. Cái chúng ta chưa làm được nhưng lại đi kiểm tra là rất vô lý", Bộ trưởng Dũng nêu.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tiến Lộc, Cục trưởng Cục Hải quan TP Hải Phòng, cho rằng cơ quan này đã áp dụng những biện pháp "tạo điều kiện" thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc kiểm tra chuyên ngành.
Chẳng hạn như lập điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung tại cảng biển Hải Phòng, các doanh nghiệp kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu và có kết quả ngay tại cửa khẩu. Nhưng tỉ lệ đăng ký đến nay rất ít, các doanh nghiệp không thiết tha.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng bày tỏ thất vọng khi cho rằng đã "hi vọng lãnh đạo Hải quan Hải Phòng thẳng thắn chỉ ra những bất cập nhằm giải thích lý do phải mất đến 10 ngày để thông quan hàng hóa thay vì chỉ cần 2 ngày, chứ không phải đi bao biện việc kiểm tra chuyên ngành kéo dài thời gian thông quan".
"Tôi còn được biết có chuyện kiểm tra chuyên ngành "bật" container rất ít nhưng vẫn có kết quả kiểm tra rất đầy đủ", Bộ trưởng Dũng nói.
Chồng chéo và phức tạp
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định vấn đề kiểm tra chuyên ngành trong thông quan hàng hóa được Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, bởi mục tiêu của Chính phủ đặt ra là phải kiên quyết giảm các chi phí không chính thức, đặt mục tiêu tăng trưởng lên hàng đầu.
Cũng theo ông Dũng, Thủ tướng đã yêu cầu phải chấn chỉnh, quán triệt lực lượng hải quan, tránh việc nhận "bôi trơn", gây nhũng nhiễu doanh nghiệp.
PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng nếu không giải tỏa những vướng mắc tại cảng Hải Phòng, cứ để tắc nghẽn sẽ mất cân đối, coi như không có sự hội nhập, đồng thời đề nghị TP Hải Phòng phải xác định rằng mình đang làm nhiệm vụ quốc gia.
Theo ông Thiên, thông tin giữa các cơ quan chuyên ngành cần phải được kết nối với nhau, cần phải có cơ chế phối hợp gắn liền với trách nhiệm.
"Trước hết cần phải đánh giá lại, minh bạch hóa để mọi chuyện sáng ra. Đây chính là cách để các cơ quan bỏ bớt thủ tục", ông Thiên nói.
Ông Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cũng cho rằng quản lý chuyên ngành đang chồng chéo phức tạp, một mặt hàng có đến 2-3 bộ cùng quản lý là do chưa có đơn vị chủ trì.
Đặc biệt, có đến 58% mặt hàng phải qua 2 bộ trở lên, không cho doanh nghiệp được tự kiểm tra và tự chịu trách nhiệm.
Hiện mỗi lượt xe qua trạm thu phí đang phải chịu mức phí 40.000 - 180.000 đồng - Ảnh: TIẾN THẮNG
Kiến nghị xóa trạm thu phí trên quốc lộ 5
Cũng tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam- đề xuất tới Chính phủ xem xét ba giải pháp hỗ trợ cấp bách cho các doanh nghiệp vận tải đang đứng trước tình cảnh khó khăn.
Trong đó, giải pháp tối ưu là xóa bỏ ngay hai trạm thu phí trên quốc lộ 5 (cũ) nối Hà Nội - Hải Phòng bởi chi phí vận tải đường bộ hiện nay quá cao.
Một chuyến hàng container từ Hải Phòng đến Hà Nội có chi phí đường bộ là 3,6 triệu đồng trong khi đường sắt là 2,8 triệu đồng, hàng không là 2,6 triệu đồng.
"Doanh nghiệp vận tải đường bộ đang phải chịu cảnh phí chồng phí. Nếu không sớm có giải pháp, nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản, vỡ nợ" - ông Thanh nói.
Trong trường hợp không bỏ được trạm thu phí, có thể xem xét giảm phí qua trạm trên quốc lộ 5 (cũ) từ mức 40.000 đồng/xe tiêu chuẩn xuống 10.000 đồng/xe như trước.
Cuối cùng là xem xét miễn phí đường bộ thu theo đầu phương tiện đối với xe container và xe chở khách chạy tuyến cố định.
Đại diện Hiệp hội Dệt may VN cũng ủng hộ các phương án này khi cho rằng việc tăng phí qua trạm, cộng với việc Hải Phòng áp dụng phí hạ tầng cảng biển khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.