Sống khỏe

Càng phu thuốc bảo vệ, thực vật càng 'chết'

TTO - 'Tôi nghĩ Việt Nam phải thay đổi cách quản lý kinh doanh, sử dụng phân, thuốc hóa học từ địa phương', bởi càng phu thuốc nhiều, thực vật càng... chết!"

Càng phu thuốc bảo vệ, thực vật càng chết - Ảnh 1.

Nông dân huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) phun thuốc trừ sâu cho lúa trong khi không có đồ bảo hộ lao động để bảo vệ chính bản thân mình - Ảnh: VÂN TRƯỜNG

Đó là chia sẻ của anh Shugo Hama - một kỹ sư người Nhật với mục "Trong mắt người nước ngoài".

Nhằm góp thêm một góc nhìn về việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, Tuổi Trẻ xin giới thiệu ý kiến của kỹ sư Shugo Hama và ông JOHN CAMPBELL (chuyên gia nông nghiệp, người New Zealand).

"Tuổi Trẻ thông tin về lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được nhập vào Việt Nam năm 2016 hơn 700 triệu USD và đến giữa năm nay lượng thuốc nhập tăng 7,5%, tôi không có chút bất ngờ nào cả.Báo chí thống kê mỗi vụ lúa, nông dân Việt Nam phun thuốc hơn chín lần chưa kể bón phân cũng không khiến tôi bất ngờ.

Việt Nam nên học hỏi nhiều nước, áp thuế cao đối với phân, thuốc hóa học và ưu đãi cho việc sản xuất sản phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp."

Nông dân lâm vào cái vòng luẩn quẩn

Tôi không bất ngờ với những thông tin trên vì làm việc trong ngành nông nghiệp Việt Nam 13 năm, trải nghiệm ở Lâm Đồng, Cần Thơ, Hà Nội tại các tổ chức của Nhật Bản và Bộ NN&PTNT Việt Nam. Tôi đến nhiều vùng nông nghiệp và thấy lo lắng cho nông dân rất nhiều. Họ thấy sâu, thấy bệnh là phun thuốc ào ạt. 

Hậu quả đất đai, môi sinh xấu đi, sâu bệnh tăng lên. Thấy thế, nông dân lại phun, tưới các kiểu với cường độ và liều lượng, độc tính cao hơn trước. Trước mắt, cây trồng có vẻ tốt hơn nhưng môi trường, đất đai càng xấu hơn... Cứ như thế, ngành nông nghiệp, người nông dân Việt Nam đang lâm vào cái vòng luẩn quẩn càng phun càng "chết".

Nhật Bản trước năm 1945 có một nền nông nghiệp không mấy phát triển nhưng hầu như không sử dụng thuốc BVTV. Sau đó, những biến động lịch sử đã khiến Nhật Bản sử dụng thuốc hóa học trong trồng trọt rất nhiều, nhiều hơn cả Việt Nam bây giờ. 

Lúc đó nước Nhật cần một sản lượng nông sản lớn cung cấp cho người dân và xuất khẩu. Công nghệ hóa chất của Nhật Bản cũng phát triển theo tốc độ lan rộng của chiến tranh trên thế giới và mức gia tăng sản lượng nông sản xuất khẩu.

Hậu quả: Nhật Bản đã mất kiểm soát sử dụng thuốc BVTV. Chính quyền Nhật Bản khi đó đã thấy mức độ tai hại của cây trồng lớn lên trong hóa chất đối với con người và môi trường. Năm 1971, pháp luật về thuốc BVTV được siết chặt và đây là tiền đề tạo nên nền nông nghiệp sạch ở Nhật Bản hôm nay.

Càng phu thuốc bảo vệ, thực vật càng chết - Ảnh 3.

Kỹ sư Shugo Hama - Ảnh: MAI VINH

Khoảng trống lớn trong quản lý

Luật yêu cầu quản lý thuốc BVTV ở ba mảng: nhà sản xuất, nhà phân phối và người dùng. Nhà sản xuất và nhập khẩu thuốc, Việt Nam chưa quản lý tốt lắm nhưng chấp nhận được vì có những quy định bắt buộc nhà sản xuất phải công bố trong hồ sơ xin cấp phép, nhãn mác loại hóa chất sử dụng và áp dụng cho cây trồng gì, sử dụng như thế nào. Hai mảng nhà phân phối và người sử dụng là khoảng trống rất lớn trong quản lý tại Việt Nam.

Tôi đã đến những đại lý phân bón và thấy rất rõ người bán muốn bán gì thì bán. Thuốc dùng cho cây này thì bán cho nông dân phun lên cây kia. Nông dân muốn mua thuốc vốn dùng cho cây kia để phun lên cây nọ cũng không thành vấn đề. Người bán chỉ cần lời nhiều, nông dân chỉ cần mau chết sâu, cây mau hết bệnh. Cả hai không quan tâm đến hậu quả.

Ở Nhật Bản và nhiều quốc gia tiên tiến trong nông nghiệp, họ quản lý rất chặt đối với đại lý phân phối thuốc và nông dân thông qua nhật ký bán hàng và nhật ký đồng ruộng. Nếu cơ quan có thẩm quyền kiểm tra phát hiện có sự bất hợp lý trong sử dụng phân, thuốc thì bị chế tài thật nặng kèm hạn chế quyền kinh doanh phân bón cũng như nông sản.

Tôi nghĩ Việt Nam phải thay đổi cách quản lý kinh doanh, sử dụng phân, thuốc hóa học từ địa phương. Điều này sẽ gây tốn kém vì tốn nhiều nhân lực so với hiện nay, nhưng giá trị của sự quản lý chặt chẽ là một nền nông nghiệp sạch gắn liền với chất lượng sống của người dân và lợi nhuận kinh tế lớn.

Tuy nhiên, tôi xin nhấn mạnh vấn đề gốc rễ ở đây là làm sao để không dùng và dùng ít phân thuốc hóa học. Công nghệ sinh học là lời đáp cho bài toán này. Đất càng lúc càng xấu, giống cây trồng kém chất lượng là hai yếu tố khiến phát sinh sâu bệnh trên cây trồng, từ đây xuất hiện động cơ khiến nông dân sử dụng thuốc BVTV.

Áp dụng công nghệ sinh học để cải tạo đất

Theo tôi, công nghệ sinh học Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng đưa ra những giải pháp cải tạo đất. Dù áp dụng công nghệ sinh học thì tốc độ cải thiện sẽ chậm nhưng hiệu quả lâu dài và không để lại hậu quả. Lúc này người nông dân phải bình tĩnh lựa chọn những giải pháp cải tạo đất để có nền tảng sản xuất sạch. Có đất sạch là giảm được 40% nguy cơ nông dân phải dùng phân bón hóa học.

Cơ quan quản lý cũng phải rà soát lại hệ thống sản xuất, phân phối cây giống để xem giống nào không còn đáp ứng với biến đổi của môi trường thì loại bỏ. Đồng thời nghiên cứu sự thay đổi môi sinh của từng vùng để sản xuất cây giống kháng sâu bệnh. Có cây giống tốt, loại bỏ được thêm 40% động cơ sử dụng thuốc hóa học. 20% động cơ còn lại nằm ở sự hướng dẫn của ngành nông nghiệp và trình độ người sản xuất.

* Ông JOHN CAMPBELL (chuyên gia nông nghiệp, người New Zealand):

Nông dân hiểu hết nhưng không áp dụng

Tôi đến Việt Nam từ năm 2005 để hỗ trợ Việt Nam chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn Global GAP (tiêu chuẩn toàn cầu về chất lượng và an toàn), chủ yếu là trái thanh long.

12 năm rồi, tôi thấy ý thức của nông dân Việt Nam trong việc sử dụng thuốc BVTV thay đổi rất ít. Họ đều hiểu lạm dụng thuốc BVTV là không tốt cho chính gia đình mình và người tiêu dùng nhưng vẫn cứ phun.

Tôi đến các địa phương để gặp nông dân, dạy cho họ quy trình sản xuất Global GAP hay Viet GAP. Họ biết hết, hiểu hết, nhưng rất tiếc là không có nhiều người áp dụng sự hiểu biết của mình vào sản xuất. Nhiều người pha 2-3 loại thuốc cùng nhóm hoạt chất với nhau để phun, vô tình làm gia tăng nồng độ chất độc ở môi trường và tồn dư trong rau quả.

Nông dân Việt Nam có thói quen phun thuốc không có đồ bảo hộ lao động nên chính họ hít phải thuốc độc mà mình phun. Đã có không ít người chết do ngộ độc thuốc trừ sâu.

Theo tôi, để hạn chế sử dụng thuốc BVTV tràn lan phải bắt đầu từ người nông dân bởi ý thức là quan trọng nhất. Ở New Zealand, nhà nước không cấm thuốc BVTV có độc tố cao, nhưng nông dân không dám tự ý sử dụng. 90% nông sản của nước chúng tôi là để xuất khẩu, tiêu thụ trong nước rất ít. Trái cây bán ở siêu thị tôi mua và có thể ăn tại chỗ không cần rửa. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rau quả của nước mình rất an toàn.

Lấy ví dụ trái kiwi ở New Zealand chỉ do Công ty Zespri thu mua để xuất khẩu. Công ty này đưa ra các tiêu chuẩn chất lượng cho từng thị trường như Úc, Mỹ... Chính quyền và doanh nghiệp (DN) đóng gói sẽ thông tin cho nông dân trồng kiwi tiêu chuẩn đó. Các nhà khoa học sẽ đưa ra quy trình sản xuất để đạt chuẩn đã xác định. Nông dân tự giác làm theo.

Nông dân New Zealand có nông trại diện tích hàng chục đến hàng trăm hecta. Nếu trái kiwi của họ bị phát hiện có dư lượng thuốc trừ sâu thì DN sẽ không mua, đồng thời tẩy chay sản phẩm của nông trại đó. Và chắc chắn không có DN thứ hai nào mua. Khi đó chỉ còn cách đem đổ bỏ nên nông dân ở đây không bao giờ dám tự ý phun thuốc.

Còn ở Việt Nam, nếu không bán được cho DN xuất khẩu, nông dân có thể bán cho thương lái rồi đem ra chợ, thậm chí lề đường để bán. Mắc rẻ gì cũng bán được vì luôn có người mua. Chính điều này tạo điều kiện cho nông sản không an toàn vẫn có cửa tồn tại.

Tôi nghĩ khó có chuyện nông dân Việt Nam tự thay đổi. Vì thế, chính quyền nên bắt buộc tất cả những hộ sản xuất nông sản phải theo các tiêu chuẩn Global GAP hay Viet GAP. Nếu kiểm tra phát hiện nông sản của hộ nào có dư lượng thuốc BVTV thì phạt nặng, đem tiêu hủy hết lô hàng đó và thông báo rộng rãi cho người tiêu dùng biết để tẩy chay. Làm quyết liệt như vậy mới chấm dứt được tình trạng sử dụng thuốc BVTV vô tội vạ và nâng cao vị thế, uy tín nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.

VÂN TRƯỜNG ghi

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,403,691       206