TTO - Dù nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng, đặc biệt là các loại tấm lợp, cam kết cung cấp đủ hàng và không tăng giá, nhưng hàng trăm ngàn hộ dân miền Trung lại đang “đau đầu” vì thiếu nhân công sửa nhà.
Với hàng trăm ngàn căn nhà bị tốc mái do ảnh hưởng của cơn bão số 10, trong đó nhiều địa phương có đến 80% căn nhà bị tốc mái, việc tìm được nhân công để sửa chữa hoặc dựng tạm một căn nhà để che nắng che mưa không phải là chuyện dễ với nhiều người dân miền Trung hiện nay.
Đảm bảo nguồn cung
Theo khảo sát của chúng tôi tại Quảng Bình, một trong những địa phương bị thiệt hại nặng sau cơn bão số 10 với hơn 51.000 căn nhà bị tốc mái, giá cả các loại tấm lợp nhà không có hiện tượng bị đẩy lên.
Nhiều nhà sản xuất và kinh doanh tấm lợp cũng khẳng định sẽ không xảy ra tình trạng khan hiếm tấm lợp sau bão như các năm trước.
Bà Hoàng Thị Nhung - chủ cơ sở sản xuất tôn Sơn Nhung tại TP Đồng Hới - cho biết đến nay vẫn đảm bảo lượng tôn và xà gồ để phục vụ nhu cầu lợp lại nhà của người dân trên địa bàn, giá cả vẫn giữ như trước, thậm chí cơ sở này còn giảm chi phí vận chuyển để chia sẻ khó khăn với người bị thiệt hại.
Tuy nhiên, một số cơ sở cho biết số lượng tấm lợp bán ra đến thời điểm này chưa nhiều do nhiều khu vực tại huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh... vẫn còn mất điện, người dân chưa thể sửa chữa lại nhà.
Ông Phan Văn Thường, giám đốc Sở Công thương Quảng Bình, cho biết cơ quan này đã "tung quân" đi kiểm tra thị trường trên toàn tỉnh nhằm bảo đảm ổn định giá cả, nhất là giá các loại vật liệu xây dựng, chống hiện tượng đẩy giá hàng hóa lên sau bão.
"Nhìn chung tất cả các loại hàng hóa đều chưa có biến động về giá" - ông Thường khẳng định.
Tại một số địa phương khác như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế... cũng chưa có hiện tượng khan hiếm vật liệu xây dựng, nhất là tấm lợp và giá cả cũng được giữ ổn định.
Bà Lê Thị Triệu - giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Danh, chuyên cung cấp các mặt hàng tôn lợp tại ba địa phương là Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị và Quảng Bình - cho biết công ty này đã giảm 2.000 - 4.000 đồng/m tôn và hỗ trợ phí vận chuyển đến tất cả các vùng bị thiệt hại do bão, kể cả ở Quảng Trị và Quảng Bình.
Tương tự, bà Hoàng Thị Lới - giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Lới (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế), chuyên kinh doanh tấm lợp fibrô ximăng và ngói... - cam kết đồng loạt giảm giá các mặt hàng.
"Nhiều người cũng lo và hỏi tôi có tăng giá ngói hay fibrô ximăng hay không? Tôi chỉ nói rằng trục lợi trên nỗi đau của người khác như vậy là ác lắm, tôi không làm được" - bà Lới nói.
Lo thiếu nhân công
Ngày 16-9, tại thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế), địa phương chịu thiệt hại nặng với 200 ngôi nhà bị tốc mái do cơn lốc trước thềm bão số 10 đổ bộ, công tác khắc phục đang được người dân khẩn trương tiến hành.
Bà Trần Thị Sen (phường Thủy Dương) cho biết ngôi nhà lợp ngói của bà gần như bị cơn lốc cuốn bay gần hết phần mái.
"Gia đình neo người nên không biết nhờ ai lợp lại mái ngói cả. Chạy đi tìm thợ sửa mái nhà trong thị xã thì ai cũng bận, tại nhà ai cũng bị cơn lốc cuốn bay mái hết" - bà Sen nói.
Ông Phùng Hữu Trọng - chủ tịch UBND phường Thủy Dương - cho biết những nhà lợp mái ngói, bị hư hại nhẹ, người dân có thể tự sửa được.
Tuy nhiên, với những ngôi nhà lợp mái tôn và có khung sắt, bắt buộc phải có thợ cơ khí đến sửa chứ không thể tự làm. "Giờ huy động thợ lợp mái cũng khó vì nhiều nhà bị bay mái quá, thợ làm không xuể việc" - ông Trọng nói.
Thừa Thiên - Huế chỉ có khoảng 608 ngôi nhà bị tốc mái do không chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 10.
Còn những địa phương có số lượng nhà bị tốc mái lên tới hàng chục ngàn như Hà Tĩnh (63.000 căn), Quảng Bình (51.000 căn)... việc tìm được nhân công để sửa chữa nhà tại thời điểm này dường như là nhiệm vụ bất khả thi.
Một lãnh đạo huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) - một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nhất bởi cơn bão số 10 - thừa nhận việc ổn định giá cả và đảm bảo nguồn cung vật liệu xây dựng cho người dân sửa chữa nhà cửa dù khó khăn nhưng vẫn thực hiện được, còn chuyện nhân công lại... bó tay.
"Điều làm cho chúng tôi đau đầu hiện nay là rất thiếu nhân công phục vụ cho việc sửa chữa nhà của bà con. Bởi ai cũng tranh thủ bắt tay vào dựng tạm một chỗ để trú nắng trú mưa, đâu có ai rảnh tay mà làm cho người khác" - vị này nói.
Sẵn sàng "chi viện"
Chiều 16-9, ông Nguyễn Thanh Trung, tổng giám đốc Công ty CP tôn Đông Á, cho biết lãnh đạo doanh nghiệp này đã làm việc với các chi nhánh khu vực miền Trung, cam kết đảm bảo nguồn cung tấm lợp các loại cho thị trường khu vực này, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng.
"Ngoài nguồn cung tại chỗ, chúng tôi đã lên kế hoạch điều nguồn hàng từ các tỉnh lân cận, không bị ảnh hưởng sang hỗ trợ, đối ứng nếu nhu cầu thị trường tăng đột biến để tránh bị khan hiếm hàng" - ông Trung thông tin.
Ngoài ra, công ty này cũng yêu cầu các nhà phân phối, đại lý lớn nắm vị trí chi phối ở khu vực vừa có bão đi qua giữ đúng mức niêm yết của công ty.
"Cá nhân hoặc đại lý, nhà phân phối nào cố tình trục lợi, găm hàng để đẩy giá bán lên cao, chúng tôi sẽ không giữ lại làm đối tác phân phối hàng nữa" - ông Trung khẳng định.
T.V.N.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng mái lợp ở Huế giảm giá các mặt hàng và cam kết hỗ trợ tối đa người dân bị ảnh hưởng của bão - Ảnh: NHẬT LINH
Cam kết không tăng giá
Nhiều doanh nghiệp sản xuất và nhà phân phối tấm lợp tại miền Trung cho biết vẫn giữ nguyên giá bán tấm lợp cho thị trường miền Trung sau bão số 10.
Đại diện Công ty Hưng Gia Bình, nhà phân phối tấm lợp tại địa bàn miền Trung và Tây Nguyên, cho biết không có chủ trương tăng giá bán sản phẩm.
"Sau bão, nhu cầu tấm lợp thị trường rất lớn, nhưng chúng tôi không tăng giá. Các đại lý tại Quảng Bình, Quảng Trị của chúng tôi cũng được quán triệt tinh thần chia sẻ với bà con vùng bão" - vị này nói.
Tương tự, Công ty TNHH Hải Lâm, nhà phân phối tấm lợp, vách ngăn đóng tại quận Liên Chiểu (Đà Nẵng), cũng cho biết ngoài việc giữ nguyên giá bán các sản phẩm, đơn vị sẽ có những chương trình hỗ trợ giảm giá, miễn phí vận chuyển bất kể số lượng cho người dân sửa nhà sau bão.
TẤN LỰC