TTO - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị APEC lập một quỹ hỗ trợ nhằm kết nối các SME, vốn là thành phần dễ bị tổn thương nhất, với các tập đoàn đa quốc gia.
Thủ tướng chụp hình chung với các bộ trưởng, trưởng đoàn các nền kinh tế APEC - Ảnh: NHƯ BÌNH
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy trong bài phát biểu chào mừng Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa AEPC Việt Nam 2017 diễn ra tại TP.HCM sáng 15-9.
Hội nghị có chủ đề "Nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số", cũng là một trong 4 lĩnh vực ưu tiên của năm quốc gia APEC 2017.
Hỗ trợ đẩy mạnh đổi mới công nghệ
Theo thủ tướng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) chiếm khoảng 97% số doanh nghiệp, tạo ra 60% việc làm và quan trọng hơn là nguồn động lực cho tăng trưởng, đổi mới và sáng tạo cho các nền kinh tế APEC.
Tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với các công nghệ mới như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), robot cao cấp, công nghệ nano, công nghệ in 3D… đang tác động lớn đến đời sống doanh nghiệp.
Theo Thủ tướng, các SME với trình độ công nghệ, năng lực tài chính, quản trị còn hạn chế sẽ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất nhưng "cũng là nhóm đối tượng năng động và dễ thích nghi nhất".
Chính vì thế, Thủ tướng cho rằng cần thiết phải quan tâm, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của các SME để mở rộng quy mô, đẩy mạnh đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội.
"Tôi đề nghị nghiên cứu việc thành lập một Quỹ hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng cường kết nối với các tập đoàn công ty đa quốc gia, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu", Thủ tướng nói.
Từ thực tiễn Việt Nam, chúng tôi mong nhận được sự hợp tác của APEC về tăng cường năng lực hệ thống thuế nhằm khuyến khích sản xuất kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, công bằng, đồng thời ngăn chặn vấn nạn về chuyển giá, "tránh" nộp thuế… của một số nhà đầu tư nước ngoài
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Thủ tướng cũng nêu ra bốn giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thứ nhất, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ hai, thuận lợi hóa môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ thông qua tiếp cận thuận lợi công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến và hỗ trợ nâng cao năng lực thông qua đào tạo, tư vấn và kết nối kinh doanh.
Thứ ba, đẩy mạnh tinh thần kinh doanh APEC trong kỷ nguyên số, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp và tăng cường đạo đức kinh doanh.
Cuối cùng, thứ tư, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững và thân thiện để thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khu vực, đề cao vai trò lãnh đạo của phụ nữ.
Trước đó, phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng mô hình phát triển cũ dựa trên khai thác nguồn tài nguyên sẵn có đã trở nên không ổn định, kém hiệu quả và không bền vững.
Ông Dũng cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần chuyển sang mô hình mới, động lực mới dựa trên đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.
"Quá trình phát triển mạnh mẽ của công nghệ kỹ thuật số cũng đặt ra yêu cầu đối với các cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đòi hỏi các cơ quan này phải theo kịp xu thế của thời đại kỹ thuật số, tạo ra môi trường thuận lợi và áp dụng các phương pháp hỗ trợ hợp lý để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và phát triển các doanh nghiệp", Bộ trưởng Dũng khẳng định.
Hội nghị Bộ trưởng doanh nghiệp nhỏ và vừa lần thứ 24 (SMEMM 24) là một trong những Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành quan trọng nhất trong khuôn khổ hợp tác APEC.
Tại hội nghị, các bộ trưởng, trưởng đoàn các nền kinh tế APEC sẽ tập trung thảo luận và đưa ra các sáng kiến đẩy mạnh các hoạt động hợp tác trong tương lai giữa các cơ quan hỗ trợ SME, giúp các SME trở thành một động lực mới, tạo ra xung lực mới cho sự phát triển bền vững của các nền kinh tế APEC.
APEC có 21 nền kinh tế thành viên, chiếm khoảng 39% dân số thế giới, 57% GDP và gần 50% thương mại toàn cầu.
Sức mạnh của mỗi nền kinh tế APEC có sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm khoảng 97% số doanh nghiệp và tạo ra 60% việc làm và quan trọng hơn là nguồn động lực cho tăng trưởng, đổi mới và sáng tạo tại các nền kinh tế APEC.