Sống khỏe

Xếp hạng, rồi sao nữa?

TTCT - Chúng ta có cần một bảng xếp hạng cho các trường đại học (ĐH) Việt Nam hay không, và nếu có thì nó nên như thế nào?

Nếu làm không khéo, xếp hạng ĐH chỉ còn là một trò may rủi.-Ảnh: The New York Times
Nếu làm không khéo, xếp hạng ĐH chỉ còn là một trò may rủi.-Ảnh: The New York Times

Học ĐH là cuộc đầu tư tốn kém về tiền bạc, thời gian và cả chi phí cơ hội. Vì thế cân nhắc thông tin để chọn trường là một nhu cầu hoàn toàn chính đáng và cần được đáp ứng. Nhu cầu đó chưa bao giờ giảm bớt, thậm chí ngày càng lớn hơn trong một xã hội tràn ngập thông tin.

Tuy nhiên, các bảng xếp hạng ngày nay đã trở thành một hiện tượng đem lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực hơn là tích cực.

Do tác động to lớn của chúng, chúng không còn chỉ là thông tin tham khảo cho người học, mà tạo ra các xu hướng có thể định hình hoạt động và hướng đi của các trường.

Chính vì thế mà xếp hạng ĐH bị giới hàn lâm phương Tây phản đối quyết liệt. Ngay cả giới quản lý gần đây cũng phải thay đổi cách nhìn.

Tuyên ngôn của 65 hiệu trưởng ĐH ở các nước Mỹ Latin về vấn đề xếp hạng nhận định rằng bảng xếp hạng là một hệ thống thứ bậc chứ không phải một hệ thống thông tin: nhiều định kiến thiên lệch, không thích hợp cho việc đánh giá kết quả hoạt động của một trường, và gây ra nhiều hiểu lầm sai lạc.

Liệu có thể cải thiện các bảng xếp hạng để trả lại cho nó chức năng thông tin ban đầu, một công cụ làm tăng trách nhiệm giải trình và hướng các trường đi theo những con đường mà xã hội mong muốn được không?

Xếp hạng ĐH Việt Nam

Cho đến nay, Việt Nam chưa có trường ĐH nào chính thức lọt vào các bảng xếp hạng uy tín. Vì sao?

Với những thước đo của bảng xếp hạng Thượng Hải chẳng hạn (giải Nobel, số bài trên Nature, Science, số người có chỉ số trích dẫn cao nhất trong top 1% toàn cầu), các trường Việt Nam hiện nay “không có cửa”.

Nhưng đồng thời, nếu xét đến mục đích cung cấp thông tin cho người học thì bảng xếp hạng các trường trong nước có ý nghĩa quan trọng và thiết yếu hơn đối với sinh viên trong nước, đối tượng mà nó phục vụ.

Một số ít người Việt Nam có điều kiện chọn lựa trường học ở nước ngoài có thể dựa vào các bảng xếp hạng quốc tế, nhưng đại bộ phận người dân vẫn sẽ cần một bảng xếp hạng “nội địa”.

Tới đây, giáo dục ĐH ở Việt Nam còn quá nhiều điểm “đặc thù” xa lạ với cả lý thuyết và thực tiễn giáo dục quốc tế để cho ra một bảng xếp hạng chỉn chu. Ví dụ quy mô sinh viên.

Trong điều kiện có cơ chế trách nhiệm giải trình và minh bạch thông tin thì số lượng sinh viên có thể phản ánh sức thu hút của trường với người học - một biểu hiện của uy tín và chất lượng.

Nhưng ở Việt Nam, quy mô đào tạo lại có thể là biểu hiện của việc buông lỏng chất lượng và chạy theo doanh thu!

Có trường quy mô đào tạo trong thời hoàng kim lên tới hàng trăm ngàn sinh viên, dù tên tuổi và uy tín trong giới học thuật và cộng đồng xã hội hầu như không mấy ai đánh giá cao. Chỉ dựa vào quy mô ấy mà khẳng định chất lượng thì quả là đáng ngại.

Sẽ không bao giờ có một bảng xếp hạng phản ánh được đầy đủ chất lượng của mọi ngôi trường, bởi “không phải cái gì đo được cũng đều đáng phải đo, và không phải cái gì đáng phải đo ta cũng đều có thể đo lường được”.

Quy tất cả sứ mạng và hoạt động của trường ĐH vào một vài thước đo/chỉ số là chuyện bất khả, chưa nói đến bản chất cực kỳ đa dạng của các trường trong một hệ thống. Các bên liên quan cần hiểu rõ nguyên tắc ấy trước khi bàn đến bảng xếp hạng hay bất cứ kết quả xếp hạng nào.

Có lẽ, điều kiện tiên quyết cho giá trị của một bảng xếp hạng là tính độc lập, khách quan, và liêm chính trong quá trình thu thập và xử lý số liệu.

Điều kiện cần là một bộ tiêu chí không chỉ khả thi về mặt kỹ thuật mà còn phản ánh được những kỳ vọng của xã hội đối với nhà trường. Điều kiện đủ là chất lượng của dữ liệu gốc và phương pháp, quy trình xử lý dữ liệu.

Có thể dựa trên ba điều kiện nói trên để thảo luận về những đóng góp của bảng xếp hạng 49 trường ĐH lần đầu được công bố ở Việt Nam, như một ví dụ để hướng tới tương lai.

Ai có thẩm quyền xếp hạng?

Nếu bác sĩ phải học sáu năm lấy bằng, nếu luật sư chẳng những phải có bằng mà còn phải có chứng chỉ hành nghề, liệu những người không có chuyên môn về giáo dục ĐH có thẩm quyền thực hiện một bảng xếp hạng không?

Ở các nước, những nghề nghiệp có khả năng gây tổn hại cho khách hàng thì chẳng những phải học hành có bằng cấp nghiêm chỉnh mà còn phải trải qua sát hạch của các hội nghề nghiệp để được công nhận quyền hành nghề, ngay cả những nghề có vẻ ít quan trọng như nghề làm móng chẳng hạn.

Một bảng xếp hạng ĐH không chính xác có thể gây tổn hại tới uy tín của một trường hay không, và trách nhiệm của những người thực hiện bảng xếp hạng đó là gì với những tổn thất đó (nếu có)?

Tuy không phủ nhận tầm quan trọng của kiến thức, năng lực chuyên môn trong việc thực hiện bảng xếp hạng, quan điểm của tôi là ta không cần tạo ra một giấy phép con trong việc đó.

Trái lại nên khích lệ sự tham gia của nhiều nhóm khác nhau với các quan điểm và cách làm khác nhau, bởi vì một xã hội trưởng thành sẽ có cách tự điều chỉnh của nó.

Có thể phản biện rằng như thế có mà loạn, vì công chúng biết tin vào đâu. Nhưng sự thực là giấy phép con cũng không đảm bảo cho tính khả tín.

Trái lại, nó còn tạo điều kiện cho tình trạng độc quyền vốn là căn nguyên của tham nhũng và thối nát. Trên thế giới cũng không có nước nào mà các tổ chức xếp hạng phải được nhà nước cấp phép.

Điều gì xảy ra nếu năm tới chúng ta có hai, ba hoặc hàng chục bảng xếp hạng ra đời? Bình tĩnh, hết sức bình tĩnh. Điều đó cũng chẳng phải là thảm họa, kể cả các bảng xếp hạng đó có giá trị học thuật bằng không.

Thực tế đang có rất nhiều bảng xếp hạng ĐH khác nhau trên thế giới: theo ngành, những trường dưới 50 năm tuổi, tính tiện nghi và vị trí tiện lợi với sinh viên...

Đó là điều hoàn toàn bình thường, bởi nhu cầu thông tin của công chúng là vô cùng đa dạng. Tiêu chí khác nhau, phương pháp khác nhau, nguồn dữ liệu khác nhau, kết quả khác nhau, tính khả tín khác nhau, đến nỗi thế giới có hẳn bảng “xếp hạng các bảng xếp hạng” (xuất hiện năm 2017).

Xã hội sẽ tự điều chỉnh bằng chính hoạt động của giới học thuật. Phản ứng của giới hàn lâm trên thế giới đã minh chứng rõ cho điều đó. Sự cọ xát ý kiến khác nhau sẽ có thể tạo ra hỗn loạn ban đầu, nhưng về lâu dài, không có cách nào khác để chúng ta tiến tới một xã hội trưởng thành, trong đó chính sự khác biệt và đa dạng về ý tưởng sẽ là động lực kích thích sự phát triển.

Xếp hạng chỉ là một công cụ 

Vì chỉ là một công cụ, tác dụng của bảng xếp hạng ĐH phụ thuộc vào cách chúng ta sử dụng. Nếu các bảng xếp hạng đo mức độ hài lòng của người sử dụng lao động đối với sinh viên của mình, hay quy mô và tầm vóc của các doanh nghiệp khởi nghiệp do sinh viên của trường đề xướng, thì các thước đo ấy sẽ kích thích các trường tập trung vào những giá trị thực sự mà nhà trường có thể mang lại cho người học và phù hợp với mong đợi của xã hội.

Những trường ĐH tập trung vào sứ mạng lâu dài và tự tin vào chất lượng của mình sẽ không lo lắng về việc bị tổn hại uy tín bởi các bảng xếp hạng dỏm.

Đã có rất nhiều trường ĐH trên thế giới nói không với các bảng xếp hạng, trong đó có những trường cực kỳ xuất sắc, như ĐH Stanford, từ năm 1997 đã không gửi số liệu cho bảng xếp hạng US News & World Report do những khiếm khuyết về phương pháp và cách tiếp cận của bảng xếp hạng này.

Trường Kinh tế chính trị London cho rằng các thước đo của những bảng xếp hạng chẳng có giá trị gì đối với phẩm chất khoa học trong hoạt động của trường.

ĐH Kỹ thuật Olin được xem là trường đào tạo kỹ thuật tốt nhất thế giới cũng không có tên trong bất cứ bảng xếp hạng nào.

Cuối cùng, xếp hạng ĐH trên thế giới đã và đang không ngừng được cải tiến. Các nhóm cá nhân hay tổ chức ở Việt Nam cần theo sát những bước phát triển ấy để không lặp lại những bất cập đã được nêu.

Xã hội cũng cần làm quen với một không gian tranh luận cởi mở hơn, nơi những quan điểm khác biệt đều được lắng nghe và phản biện trên cơ sở hướng tới một mục tiêu chung: đâu là những giới hạn của chúng ta và liệu có cách gì để vượt qua, cái gì chúng ta có thể làm tốt hơn, và cái gì là tốt nhất cho cộng đồng xã hội.■

Theo tuyên bố của nhóm tác giả bảng xếp hạng 49 trường thì đây là một dự án phi lợi nhuận nhằm phục vụ nhu cầu thông tin của người học và thúc đẩy cạnh tranh, minh bạch ở các trường, không nhận tài trợ từ tổ chức, cá nhân nào. Dựa vào tuyên bố đó, có thể xem đây là một bảng xếp hạng độc lập.

Ở phương Tây, ít ai đặt dấu hỏi về tính liêm chính của các tổ chức thực hiện xếp hạng, vì những xã hội này đã có đủ cơ chế để kiểm soát lòng tin. 

Trong bối cảnh thiếu niềm tin ở Việt Nam, tính liêm chính của quá trình xử lý dữ liệu cần được bảo toàn bằng một cơ chế công khai. 

Ví dụ, khi tiêu chí đo thành quả nghiên cứu khoa học là số bài báo ISI/Scopus thì kết quả này nên được kết nối đến một cơ sở dữ liệu liệt kê đầy đủ tên bài báo và tác giả, năm xuất bản và nhà xuất bản để bất cứ ai cũng có thể kiểm chứng.

Bộ tiêu chí mà bảng xếp hạng 49 trường nêu ra dựa trên một trụ cột là công bố nghiên cứu khoa học. 

Nhưng việc chỉ sử dụng các bài báo trên những tập san khoa học thuộc danh mục ISI/Scopus là không đầy đủ, bởi văn hóa công bố của các ngành khác nhau là rất khác nhau (ví dụ giới khoa học xã hội có xu hướng viết sách hơn là viết bài báo), chưa kể việc xuất bản trên các tập san ISI/Scopus hiển nhiên thuận lợi hơn cho các nước nói tiếng Anh... 

Thêm nữa, nếu coi những bài báo này là cơ sở duy nhất để đo thành quả nghiên cứu sẽ dẫn đến việc chạy theo số lượng. 

Mỗi năm Nhà xuất bản Elsevier nhận được khoảng 1,5 triệu bài báo và đa số bị vứt vào sọt rác (và 82,5% bài báo đã đăng chưa từng được trích dẫn). 

Việc quá nhấn mạnh các bài báo này cũng làm mờ đi những hoạt động khác không kém phần quan trọng là khoa học ứng dụng và chuyển giao công nghệ, nghiên cứu tác động và báo cáo chính sách - những thứ mà kết quả của nó có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao năng suất, phát triển kinh tế và cải thiện đời sống của người dân. 

Ta không nên quên điều mà Stephen Buranyi nói về cha đẻ của học thuyết di truyền phân tử, Fred Sanger, người công bố rất ít trong hai thập kỷ giữa hai lần được giải Nobel của ông, năm 1958 và 1980: Trong hệ thống ngày nay, ông ấy hẳn đã có thể bị đuổi cổ khỏi trường đại học của ông rồi!

Trong tương lai, chúng ta cần nghĩ tới những phương pháp thu thập số liệu từ các nguồn thứ ba không phụ thuộc vào nhà trường và sử dụng những tiêu chí khác thuyết phục hơn, ví dụ đánh giá của người sử dụng lao động đối với sinh viên tốt nghiệp, thu nhập của sinh viên sau khi ra trường từ 3-5 năm. ■

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,404,959       470