Một trường đại học muốn định hình được vị thế, sứ mạng và xây dựng niềm tin của mình với xã hội, không thể bỏ qua các cam kết trên trong quá trình đào tạo.
Để bước chân vào cuộc cạnh tranh một cách sòng phẳng với nguồn nhân lực các nước trong khu vực ASEAN, quốc tế, không cách nào khác các trường ĐH phải thay đổi. Đó là đào tạo gắn với nhu cầu thị trường lao động, đào tạo theo đơn đặt hàng từ doanh nghiệp nhằm thu hẹp khoảng cách giữa cung và cầu.
Đào tạo gắn với nhu cầu xã hội
Thực tế, nhiều trường ĐH đã nhìn nhận được vấn đề này từ rất sớm - trước khi Việt Nam gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN. Vì thế, ngoài việc gắn kết chặt chẽ công tác đào tạo với việc làm, tuyển sinh với tuyển dụng thông qua kí kết hợp tác đào tạo, hội chợ việc làm với các doanh nghiệp… nhiều trường còn thành lập các quỹ học bổng, sân chơi khởi nghiệp nhằm mang đến cơ hội tự tạo việc làm, xây dựng bản lĩnh cho sinh viên của mình.
Là trường nằm trong Tập đoàn kinh tế lớn (gồm nhiều công ty thành viên) nên ngay từ những ngày đầu phát triển, Trường ĐH Văn Hiến đã tận dụng tối đa lợi thế này. Nhà trường không chỉ tạo ra được môi trường học thuật ngay tại công xưởng, nhà máy trong hệ thống, mà còn mang đến sự trải nghiệm thực tiễn cho SV ngay từ khi các em hoàn thành năm học thứ nhất.
"Những thay đổi theo hướng gắn kết trường học - doanh nghiệp tại ĐH Văn Hiến xuất phát từ cách mời doanh nghiệp cùng tham gia xây dựng, cải tiến chương trình đào tạo; tăng thực hành/thực tế tại doanh nghiệp; một số môn học được nhà trường thiết kế để doanh nghiệp cùng tham gia đánh giá SV.
Đặc biệt, chúng tôi ưu tiên mời giảng viên có kinh nghiệm từ DN tham gia giảng dạy hoặc báo cáo chuyên đề cho SV nhằm giúp các em có những trải nghiệm thực tiễn mới mẻ nhất" - ông Lê Sỹ Hải - Giám đốc điều hành Trường ĐH Văn Hiến cho biết.
Nhìn nhận về sự chuyển dịch của các trường đại học trong việc đào tạo, gắn với nhu cầu xã hội, ông Trần Anh Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM - cho rằng chính nhu cầu nhân lực trình độ đại học, trên đại học mà các doanh nghiệp cần tuyển dụng ngày càng giảm đã tác động không nhỏ đến thị trường lao động, tác động đến nhận thức của người học.
"Việc một trường đại học hay một hệ thống giáo dục như HEDU xây dựng được cam kết đầu ra việc làm cho sinh viên của mình là điều rất đáng trân trọng. Nó không chỉ kiến tạo niềm tin cho người học, mà còn giúp chính đơn vị, doanh nghiệp ấy ý thức hơn trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo của mình sát với nhu cầu của thị trường lao động hơn" - ông Tuấn nói.
Cam kết việc làm
Trong bối cảnh tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp ĐH thất nghiệp ngày càng cao, điều quan tâm hàng đầu của các sinh viên chính là việc làm sau khi ra trường. Trong suốt những năm qua Trường ĐH Văn Hiến ngoài việc mở rộng công tác kết nối, gắn kết đào tạo các ngành nghề của nhà trường với doanh nghiệp, trường còn xây dựng được "cam kết" đầu ra cho hàng ngàn sinh viên đang theo học tại trường.
Sự cam kết này theo ông Vũ Quang Chính - Tổng giám đốc hệ thống giáo dục HEDU không chỉ thể hiện trách nhiệm của Trường ĐH Văn Hiến nói riêng, tập đoàn nói chung đến sinh viên của mình, mà còn thể hiện rõ triết lý đào tạo giáo dục của HEDU là "Thành nhân trước khi thành danh", điểm kết nối niềm tin giữa nhà trường với xã hội.
Để hiện thực hóa các cam kết "đầu ra việc làm" với sinh viên của mình, mới đây HEDU đã ký kết hợp tác với gần 50 doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn nhỏ trong việc tạo dựng môi trường học tập, thực tập cho sinh viên, học sinh thuộc hệ thống giáo dục HEDU, cũng như ưu tiên tuyển dụng sinh viên, học sinh của HEDU sau khi tốt nghiệp.
"Với sự ký kết hợp tác này, bình quân hàng năm sẽ có khoảng trên dưới 2.000 đầu việc "đón chờ" sinh viên của Trường ĐH Văn Hiến nói riêng và của hệ thống giáo dục HEDU nói chung. Riêng Công ty cổ phần Nông nghiệp Hùng Hậu quyết định nhận 100% sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật chế biến và bảo quản thực phẩm và ngành Nuôi trồng thủy sản làm việc tại doanh nghiệp sau khi ra trường. Tất cả các ngành học khác của hệ thống giáo dục HEDU sẽ có việc làm sau khi tốt nghiệp tại các doanh nghiệp của HungHau Holdings vàcác doanh nghiệp tham gia ký kết"- ông Chính thông tin.
Theo ông Chính, việc duy trì và mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức là điều không thể thiếu đối với hệ thống giáo dục HEDU. Bởi thông qua sự ký kết và cam kết giữa các bên sẽ giúp HEDU xây dựng và đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng trực tiếp cho doanh nghiệp và thị trường lao động. Bên cạnh đó, từ sự hợp tác này bản thân các trường thành viên thuộc hệ thống giáo dục HEDU rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện hơn nữa nội dung, chương trình đào tạo phù hợp hơn với nhu cầu doanh nghiệp.
Box: Công ty Cổ Phần Giáo Dục Hùng Hậu gồm các Trường thành viên như: Đại học Văn Hiến; Cao đẳng Kỹ thuật - Công nghệ Vạn Xuân; Trung cấp Vạn Tường, Trung cấp Y Dược Vạn Hạnh; Trung cấp Âu Lạc - Huế.
Hiện nay hệ thống giáo dục HEDU đã đào tạo hơn 45.000 học viên, sinh viên. Hiện có hơn 15.000 học sinh, sinh viên đang theo học với 40 ngành, chuyên ngành đào tạo trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp.