TTO - Đề xuất đưa nước ngọt vào danh sách mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2019 do ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng đã vấp phải phản ứng gay gắt.
Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt và tăng thuế VAT với nước ngọt, theo đại diện Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát VN, sẽ khiến giá mặt hàng này trên thị trường tăng khoảng 12% - Ảnh: Q.ĐỊNH
Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát Việt Nam cho rằng không phải chỉ nước ngọt mới gây béo phì.
Cũng theo hiệp hội này, "nước ngọt" là khái niệm quá chung và nếu áp dụng dễ dẫn đến gom cả những loại thức uống có lợi cho sức khỏe nhưng trong thành phần có hàm lượng đường vào danh sách phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Lo thuế "lây lan" sang nhiều sản phẩm
Ngày 13-9, một hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp (DN) đề xuất xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế do Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) tổ chức ở TP.HCM.
Ông Nguyễn Tiến Vỵ, phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát Việt Nam, tính toán nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt là 10%, thuế VAT với mặt hàng nước ngọt tăng từ 10% lên 12% và thuế VAT áp dụng cho đường tăng từ 5% lên 6% sẽ làm giá các sản phẩm nước giải khát trên thị trường tăng khoảng 12%.
"Việc này sẽ kéo theo hệ lụy là tăng giá thành sản phẩm khiến người tiêu dùng đắn đo hơn, kéo theo doanh số giảm, làm doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất và cắt giảm lao động hàng loạt. Chưa kể giá bán cao còn dẫn đến tình trạng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hoành hành và Nhà nước phải tăng chi phí để chống buôn lậu" - ông Vỵ phân tích.
Cũng theo ông Vỵ, cần chứng minh một cách khoa học rằng nước ngọt có phải là nguyên nhân chính gây ra bệnh béo phì và tiểu đường.
"Cần công bố rõ béo phì có phải chỉ do uống nước ngọt hay còn do những nguyên nhân khác, chẳng hạn ăn thức ăn nhanh hay tồn dư thuốc tăng trọng trong một số loại thực phẩm. Nếu còn vì những nguyên nhân khác thì chỉ đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt liệu có công bằng không?" - ông Vỵ hỏi và đề nghị nếu phải áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt thì chỉ nên áp thuế ở mức thấp, từ 1%-3% và có lộ trình.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hải, tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho rằng trên thực tế không phải cứ nước uống có đường là ảnh hưởng đến sức khỏe mà thành phần tạo ngọt của nước ngọt mới quan trọng.
Nếu sản phẩm sử dụng chất tạo ngọt an toàn và được các quốc gia phát triển cho phép thì không ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
"Theo tôi, Bộ Tài chính nên công bố tỉ lệ đường bao nhiêu trong sản phẩm thì ảnh hưởng đến sức khỏe và nếu áp dụng, mức thuế nên thay đổi theo hàm lượng đường chứ không nên áp dụng một mức thuế chung, vì như vậy sẽ khuyến khích doanh nghiệp nỗ lực giảm hàm lượng đường trong sản phẩm" - ông Hải kiến nghị.
Đặc biệt, theo các doanh nghiệp, "nước ngọt" là khái niệm rất rộng. Do vậy cần định nghĩa rõ nước ngọt là nước uống có đường hay tất cả đồ uống có vị ngọt, bất kể có chứa đường hay không. Trường hợp các doanh nghiệp không sử dụng đường trong sản phẩm mà sử dụng chất tạo ngọt khác thì sao?
Chưa kể ở đây Bộ Tài chính còn gom cả nước tăng lực thể thao, trà, cà phê uống liền được đóng gói theo dây chuyền sản xuất vào nhóm mặt hàng chịu thuế, trừ nước trái cây, nước rau quả 100% tự nhiên, sữa.
Nhưng theo các doanh nghiệp, thực tế có rất ít sản phẩm nước rau quả 100% tự nhiên nên có lo lắng: sản phẩm nước trái cây có sữa có bị gom vào nhóm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt hay không?...
Chính sách thuế những năm gần đây luôn theo kiểu một người đau cả làng uống thuốc Ông TRẦN MINH HIỆP (giảng viên ĐH Luật TP.HCM) - Ảnh: A.HỒNG
Nhầm còn hơn bỏ sót?
Tại hội nghị, nhiều chuyên gia cũng góp ý về những thay đổi khác trong chính sách thuế. Về thuế VAT, ông Nguyễn Văn Được, tổng giám đốc Công ty TNHH dịch vụ tư vấn thuế Trọng Tín, nêu ý kiến Bộ Tài chính nên cân nhắc khi tăng thuế VAT với những mặt hàng thiết yếu.
"Chỉ nên tăng thuế VAT với những mặt hàng phục vụ nhu cầu sử dụng của tầng lớp thu nhập cao. Còn nếu tăng thuế đại trà thì tất cả hàng hóa từ gạo, mớ rau, con cá cũng tăng. Nhu cầu của người nghèo đã ở mức tối thiểu rồi nên không thể nói họ ăn ít đi, mặc ít đi, học ít đi được" - ông Được nói.
Cũng theo ông Được, có ý kiến cho rằng cứ tăng thuế rồi sau đó sẽ hỗ trợ lại cho người nghèo, nhưng sự hỗ trợ (nếu có) cũng phải rất lâu sau mới thực hiện và không đủ, không kịp thời, cũng như không tương xứng với thiệt hại mà họ phải chịu.
Còn theo ông Trần Minh Hiệp - giảng viên tài chính, thuế Trường đại học Luật TP.HCM, chính sách thuế những năm gần đây luôn theo kiểu "một người đau cả làng uống thuốc".
Chẳng hạn, để tránh tình trạng lách thuế chuyển nhượng bất động sản, chứng khoán, Bộ Tài chính áp dụng một mức thu trên giá bán, bất kể bán lãi hay lỗ; hay mới đây là đề xuất một mức áp thuế trên mức giá chuyển nhượng với hoạt động chuyển nhượng vốn của nhà đầu tư nước ngoài nhằm... chống thất thu.
"Như vậy là làm chính sách theo kiểu "thà giết nhầm còn hơn bỏ sót" và đi ngược lại với mục tiêu của Luật quản lý thuế là tăng cường tính minh bạch cũng như khuyến khích người nộp thuế tự giác kê khai thuế. Nói cách khác, cơ quan thuế thay mặt người nộp thuế quyết cho họ cách thu sao cho có lợi và dễ quản lý nhất cho cơ quan thuế, dù cách thu đó là... tận thu" - ông Hiệp nói.