TTO - Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy đã bày tỏ lo lắng này tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 13-9.
Ông Trần Văn Túy phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: LÊ KIÊN
Nếu để thế này (mất cân bằng giới) thì chúng ta lại như Hàn Quốc. Con cháu ta phải đi nước nào để tìm cô dâu về?"
Ông TRẦN VĂN TÚY
Đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có phiên họp nghe báo cáo và thảo luận về chủ đề bình đẳng giới.
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là một trong những nội dung được cảnh báo.
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết năm 2016, có địa phương xảy ra chênh lệch giới tính rất lớn, 132,6 trẻ nam mới có 100 trẻ nữ như huyện Ứng Hòa (Hà Nội) và việc sàng lọc để sinh con trai vẫn có thể thực hiện được, dù đã bị cấm.
"Các bệnh viện lớn ở Hà Nội vẫn sàng lọc, làm chui để sinh bé trai. Tôi có biết mấy trường hợp. Đề nghị ngành y tế kiểm tra" - bà Nga nói.
Ông Trần Văn Túy bình luận: "Nếu để thế này thì chúng ta lại như Hàn Quốc. Con cháu ta phải đi nước nào để tìm cô dâu về?".
Tiếp tục, bà Nga bức xúc về tình trạng 80% nữ trên 35 tuổi ở các khu công nghiệp phải tự nghỉ việc hoặc bị sa thải do cơ cấu lại lao động. Những người này lâm vào hoàn cảnh rất khó khăn, do tìm việc làm mới không dễ.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng lên tiếng: "Lao động giản đơn, chỉ cần đào tạo 2 tuần là làm được việc nên các doanh nghiệp muốn sử dụng lao động trẻ, ít thâm niên để không phải trả lương cao, nhưng lại có thể tận dụng sức lao động ở cường độ lớn".
"Thống kê năm 2016 cho thấy 80% trong 1,2 triệu lao động trên 35 tuổi thất nghiệp là phụ nữ, tức có 960.000 chị em đang ở trong độ tuổi trụ cột của gia đình bị mất việc.
Qua tiếp xúc một số chị em, họ phản ánh sáng còn đi làm, chiều đã nhận quyết định sa thải, lý do không rõ ràng và không được quyền khiếu nại" - bà Hải cho biết.
Ông Trần Văn Túy cho rằng không chỉ vấn đề sa thải, mà lớn hơn là cuộc sống, điều kiện lao động, sinh hoạt, học tập của phụ nữ hiện nay rất đáng quan tâm, chú ý.
"Chị em ở khu công nghiệp sống cảnh nhiều không, là không gia đình, không sách báo, tivi, không học tập. Nếu chị em có điều kiện tốt, được học tập nâng cao trình độ thì sẽ kéo dài được thời gian lao động. Mà giả sử bị sai thải, người ta vẫn có điều kiện làm việc khác" - ông Túy nói.
Vấn đề bình đẳng giới sẽ được Quốc hội xem xét, thảo luận tại kỳ họp tháng 10 tới đây.